Đoạn đối thoại giữa hai mẹ con bên bàn ăn vọng đến, khơi gợi trong tôi những ký ức xa xăm, những nuối tiếc khôn nguôi về mẹ.
“Mẹ ơi, con không thích da gà đâu, mẹ ăn đi. Con chỉ thích thịt đùi thôi!”
“Ừ, thịt đùi của con đây. Mẹ quên mất con không thích da, để mẹ ăn cho.”
“Mà sao mẹ cứ thích ăn da với cổ cánh gà thế nhỉ?”
Lời của đứa trẻ như một mũi tên bắn trúng tim tôi, gợi nhớ về những năm tháng tuổi thơ. Ngày ấy, tôi cũng từng ngây ngô cho rằng mẹ có sở thích kỳ lạ – thích ăn da, cổ, cánh, đầu gà. Ở cái làng quê nghèo khó, gà chỉ được thịt vào dịp giỗ chạp hay Tết. Mỗi lần như thế, tôi và em trai mừng rơn vì được mẹ chia cho miếng đùi gà béo ngậy. Phần thịt nạc ngon nhất mẹ gắp cho ông bà, bố thì nhắm rượu với đôi cánh. Mẹ và bà nội cứ gắp đi gắp lại, nhường nhau miếng thịt lườn. Câu nói quen thuộc mà tôi thường nghe là: “Mẹ không thích ăn thịt đâu, răng mẹ chắc khỏe nên thích gặm đầu, cổ, chân gà hơn. Mẹ ăn đi ạ!”.
Mẹ đang gắp thức ăn cho con, thể hiện sự quan tâm chăm sóc và hy sinh
Không chỉ “thích” gặm đầu, cổ, chân gà, mẹ còn “mê” ăn cháy cơm. Bếp rơm, bếp củi ngày nào cũng cho ra những nồi cơm cháy, nhẹ thì bén, nặng thì đen sì. Mỗi bữa cơm, mẹ luôn xới phần ngon cho cả nhà, phần còn lại luôn là cháy cơm. Có lần tôi thắc mắc: “Sao mẹ toàn ăn những thứ chẳng ai thích thế?”. Mẹ cốc đầu tôi và em trai rồi xoa đầu: “Mẹ ăn gì cũng được, miễn là các con no bụng, ăn ngon, sau này thành người”.
Ngày bé, chúng tôi nào hiểu được “sở thích” kỳ lạ của mẹ. Cứ thế, hễ món gì không thích, chúng tôi lại đẩy sang bát mẹ. Bao năm trôi qua, khi trưởng thành, tôi mới hiểu thấu tấm lòng mẹ. Có lần tôi hỏi mẹ, sao mẹ lại phải hy sinh như vậy, sao phải ăn những thứ không ngon rồi bảo là thích. Mẹ bảo, bà ngoại dạy rằng, người vợ, người mẹ phải lấy công – dung – ngôn – hạnh làm đầu, phải biết nhường nhịn: “Miếng nạc thì để phần chồng. Miếng xương phần mẹ, miếng lòng phần con”. Tư tưởng ấy thấm nhuần trong mẹ, trở thành lẽ sống, thành nếp nhà.
Nghe mẹ kể, nước mắt tôi trào dâng. Thương mẹ cả tuổi thanh xuân chỉ biết “hy sinh”. Khi chúng tôi lớn khôn, hiểu được sự hy sinh ấy, muốn bù đắp cho mẹ thì mẹ đã già yếu, muốn mẹ ăn ngon thì mẹ chẳng còn ăn được bao nhiêu, muốn mẹ đi đây đi đó thì mẹ đâu còn khỏe mạnh.
Từ câu chuyện của mẹ, khi xây dựng gia đình, tôi không lấy “hy sinh” làm kim chỉ nam. Tôi dạy con cái tính cộng đồng, trách nhiệm, biết thấu hiểu và sẻ chia. Tôi không đồng tình việc con không thích ăn gì lại đẩy cho mẹ. Thỉnh thoảng, tôi kể cho con nghe về tuổi thơ nghèo khó của mình, vừa để sẻ chia, vừa để rút ra những bài học quý giá.