Nguyễn Bính, một cái tên gắn liền với hồn thơ quê, đặc biệt là những vần thơ đượm tình xuân. Từ những năm tháng học trò, khi rời xa thành thị, trở về với thôn quê yên bình, tôi đã bắt đầu cảm nhận được vẻ đẹp trong thơ ông, dù thời đó, thơ Nguyễn Bính không phổ biến rộng rãi.
Thời gian trôi đi, khi cuộc sống hiện đại cuốn ta vào guồng quay của công việc và những lo toan thường nhật, những vần thơ của Nguyễn Bính vẫn âm ỉ cháy trong tim, nhắc nhở về một vẻ đẹp giản dị, gần gũi của làng quê Việt Nam. Một buổi chiều đông, gió mùa ùa về, tôi chợt nhớ đến câu thơ của ông: “Lá nõn nhành non ai tráng bạc/Gió về từng trận gió bay đi…”.
Ngay lập tức, tôi tìm đến một hiệu sách và bắt đầu hành trình khám phá thế giới thơ xuân của Nguyễn Bính.
Nguyễn Bính viết nhiều về mùa xuân, từ Mưa xuân với hội chèo làng Đặng và nỗi lỡ làng của cô gái, đến Mùa xuân xanh với những rung động đầu đời. Trong Nhạc xuân, thi sĩ chiêm nghiệm về sự nở rộ của vạn vật, nhưng lại cảm thấy cô đơn trong chính tình cảm của mình. Đến Rượu xuân, xuân chỉ còn là nỗi nhớ nhung, phiền muộn.
Xuân tha hương lại là nỗi cô đơn, tủi hờn của người con xa xứ khi Tết đến. Nỗi niềm ấy được thể hiện qua những câu thơ đầy xót xa: “Chao ôi! Tết đến mà không được/ Trông thấy quê hương thật não nùng”.
Chỉ có trong Xuân về, người đọc mới thực sự cảm nhận được niềm vui, sự hân hoan trong thơ Nguyễn Bính.
Vâng, chỉ riêng với Xuân về, Nguyễn Bính thật sự vui tươi với cảnh sắc thiên nhiên, làng xóm, con người… và có lẽ trước hết bởi tự trong lòng thi sĩ hân hoan, thơ thới tình xuân.
Ngẫm toàn bộ bài thơ, từ đầu đến cuối cứ như là có sự hiện diện lần lượt của ba ông Phúc – Lộc – Thọ. Hãy xem, Phúc với màu hồng trên má cô gái chưa chồng, với đàn con trẻ ríu rít trong cảnh mưa tạnh, giời quang, nắng mới hoe. Lộc với lá nõn, lưúa thì con gái, với đầy vườn hoa bưởi, hoa cam ngào ngạt hương… Và Thọ với đôi cô trẩy hội chùa và một viễn cảnh đối với các cô là bà già chống gậy trúc, miệng nam mô, tay lần tràng hạt…
Mỗi xuân về, mỗi lời cầu chúc Phúc, Lộc, Thọ đâu chỉ riêng niềm mong mỏi của Nguyễn Bính hơn nửa thế kỷ trước, mà từ cổ chí kim, ai còn mong muốn gì hơn thế? Trong thơ Nguyễn Bính, ta thấy được một bức tranh xuân đầy màu sắc, âm thanh và hương vị, một bức tranh thấm đẫm tình người và tình quê. Thơ ông là lời nhắc nhở về những giá trị truyền thống tốt đẹp, là niềm tự hào về một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.