Tháng năm về, lòng tôi lại trào dâng nỗi “Vợi Nhớ” khôn nguôi về bà nội, bà ngoại, về quê hương yêu dấu. Trong ký ức tôi, hình ảnh những người bà với nỗi buồn đau dai dẳng vì có con là liệt sĩ, đến nay vẫn chưa tìm được mộ phần, cứ hiển hiện rõ mồn một.
Tôi nhớ như in những buổi trưa hè tháng Bảy oi ả, khi tiếng chim khách vọng lại từ những lùm cây trước ngõ. Bà nội tôi lại thở dài, giọng khắc khoải: “Không biết đến khi nào mới tìm được thằng Thiện về cho tau nhắm mắt xuôi tay đây…”.
Cái điệp khúc ấy cứ lặp đi lặp lại trong những trưa hè bỏng rát, ăn sâu vào ký ức tuổi thơ tôi. Lạ thay, cứ mỗi trưa nắng gắt, bà lại nhắc đến chú Thiện. Chị em tôi lén nhìn lên bàn thờ, nơi có di ảnh chú bộ đội với nụ cười tươi rói trên môi, ánh mắt sáng ngời. Chúng tôi thầm thì: “Chú Thiện đẹp trai quá! Sao chú lại mất sớm như vậy?”.
Chú Thiện nhập ngũ năm 1964 và hy sinh năm 1966 tại mặt trận phía Nam, khi vừa tròn 20 tuổi. Mảnh giấy báo tử vỏn vẹn vài dòng: “Lê Khắc Thiện, nhập ngũ năm 1964, hy sinh ngày 20/10/1966 tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định” đã lấy đi bao nhiêu nước mắt và hy vọng của bà nội. Bà trân trọng giữ gìn mảnh giấy ấy như một báu vật thiêng liêng.
Hơn mười năm sau ngày bà qua đời, cha tôi lại cẩn thận cất giữ giấy báo tử và ba cuốn học bạ của chú như giữ gìn một kỷ vật vô giá. Ngày còn sống, cha và các chú, các o luôn trăn trở vì chưa tìm được mộ chú Thiện để đưa về quê. Cuộc sống mưu sinh vất vả đã hằn sâu những nếp nhăn trên gương mặt họ, nhưng nỗi khắc khoải về người con, người em út vẫn luôn thường trực.
Tháng Bảy về, tôi nhớ bà nội ngồi tựa cửa, lắng nghe tiếng gió rít qua khóm tre khô, tiếng chim khách kêu thảng thốt. Bà bảo: “Chúng mày trật tự, coi chừng hồn thằng Thiện lại tìm về”. Bà tin rằng chú Thiện sẽ trở về vào những ngày tháng Bảy tâm linh. Hồn chú biến thành chim khách đậu trên bờ giậu, thành tiếng xào xạc của tre già. Với bà, mọi âm thanh của thiên nhiên trong những trưa hè tĩnh lặng đều là dấu hiệu của chú Thiện. Câu nói “không khéo hồn thằng Thiện lại tìm về” cứ lặp đi lặp lại trong lời bà, từ khi còn minh mẫn đến lúc lẫn lộn âm dương.
Những đứa trẻ chúng tôi lớn lên bên bà, mang theo câu nói đầy thương xót ấy vào hành trang cuộc đời.
Trên bàn thờ gia tiên, di ảnh chú Thiện vẫn rạng rỡ nụ cười. Mỗi dịp giỗ, con cháu lại ngậm ngùi tiếc thương cho một cuộc đời quá ngắn ngủi. Những người đồng đội năm xưa kể rằng chú hy sinh trên đường hành quân, thân thể không còn nguyên vẹn.
Gần đây, trong một buổi họp mặt đồng hương, tôi gặp lại bà H, bạn học cấp ba của chú Thiện. Bà rưng rưng nước mắt khi nhắc về những kỷ niệm xưa. Nghe những câu chuyện về chú, tôi nhận ra rằng trong tim những người thân yêu, chú Thiện chưa bao giờ mất. Đó chỉ là một chuyến đi xa chưa ngày trở về.
- Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau mất mát vẫn còn in sâu trong tâm khảm mỗi gia đình Việt. Bà ngoại tôi cũng mang trong mình nỗi đau mất con, cậu Trần Văn Thủy, người đã hy sinh ở mặt trận Nà Sản.
Năm 1952, trong một lần đi trinh sát, tổ trinh sát do cậu chỉ huy rơi vào ổ phục kích. Mãi sáu năm sau, ông ngoại mới biết tin con trai đã hy sinh. Không biết chính xác ngày hy sinh của cậu, gia đình lấy ngày nhận giấy báo tử làm ngày giỗ.
Không như chú Thiện, cậu Thủy đã kịp để lại một giọt máu cho đời, chị Hương, người chưa một lần biết mặt cha. Cũng như chú Thiện, mộ phần của cậu vẫn là một ẩn số. Tại nghĩa trang quê nhà, gia đình tôi có hai liệt sĩ, một bên nội, một bên ngoại, đều được ghi danh trên bia Tổ quốc ghi công, nhưng bên dưới chỉ là những ngôi mộ gió.
Bà ngoại tôi có một cuộc đời nhiều giông bão. Mất chồng, mất con, bà chìm trong nỗi đau và bóng tối. Bà không ngồi trước thềm nhà thở than như bà nội, mà chỉ lặng lẽ ngồi trong góc nhà, hướng mặt vào vách tối và thở dài.
Tôi không bao giờ nghe bà nhắc đến cậu Thủy, nhưng bà luôn quan tâm đến chị Hương. Có lúc, tôi đã nghĩ bà nội thương con hơn bà ngoại. Nhưng đến khi bà mất, trong tay nải cũ kỹ, mẹ và cậu Tư tìm thấy tờ giấy khai sinh của cậu Thủy, nhàu nát vì nước mắt. Lúc đó, tôi mới hiểu, cả bà nội và bà ngoại đều giữ những kỷ vật của con như giữ một bằng chứng sống, để chờ đợi một phép màu.
Tháng Năm này, tôi lại “vợi nhớ” về chú Thiện, cậu Thủy, về những người bà kính yêu. Tôi tin rằng, trong lòng đất mẹ Việt Nam, xương máu của các chú, các cậu đã hòa quyện vào non sông gấm vóc.