Viết Đoạn Văn Cảm Nhận Về Nhân Vật Dế Mèn

Đoạn văn cảm nhận về nhân vật Dế Mèn – Mẫu 1

Nhân vật Dế Mèn trong tác phẩm “Bài học đường đời đầu tiên” của Tô Hoài đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Dế Mèn được miêu tả là một chàng dế cường tráng, khỏe mạnh với đôi càng mẫm bóng, thân hình rắn rỏi, thể hiện sức mạnh của một “con nhà võ”. Sự tự lập từ sớm giúp Dế Mèn có khả năng xây dựng tổ ấm riêng. Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài mạnh mẽ ấy, Dế Mèn lại có những tính cách đáng phê phán. Cậu ta coi thường Dế Choắt, chê bai “hôi như chuột” và không cho Choắt đào hang sang nhà mình. Sự kiêu căng của Dế Mèn còn dẫn đến cái chết oan uổng của Dế Choắt khi cậu trêu chọc chị Cốc mà không dám nhận lỗi. Cuối cùng, Dế Mèn đã nhận ra bài học sâu sắc về sự khiêm nhường và trách nhiệm. Dù có vẻ đẹp ngoại hình, thái độ sống kiêu căng, hống hách của Dế Mèn là một bài học đắt giá cho tất cả chúng ta.

Đoạn văn cảm nhận về nhân vật Dế Mèn – Mẫu 2

“Dế Mèn phiêu lưu ký” là một tác phẩm nổi tiếng của Tô Hoài, đặc biệt là chương “Bài học đường đời đầu tiên”, nơi Dế Mèn được khắc họa rõ nét về ngoại hình và tính cách. Dế Mèn là một chàng dế khỏe mạnh, cường tráng, có lối sống khoa học, biết “ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực”. Tô Hoài đã miêu tả Dế Mèn với hình ảnh “thân hình cường tráng, đôi càng mẫm bóng, những vuốt ở chân và ở khoeo cứng và nhọn hoắt”, dáng vẻ “trịnh trọng, khoan thai” của “con nhà võ”. Tuy nhiên, sự tự tin thái quá đã biến Dế Mèn thành một kẻ tự cao, kiêu căng và xốc nổi. Cậu ta dùng sức mạnh của mình để trêu chọc hàng xóm, tự cho mình là “một tay ghê gớm, có thể sắp đứng đầu thiên hạ rồi”. Chính tính cách này đã dẫn đến cái chết thương tâm của Dế Choắt, để lại cho Dế Mèn một bài học nhớ đời về sự khiêm tốn và trách nhiệm.

Đoạn văn cảm nhận về nhân vật Dế Mèn – Mẫu 3

Dế Mèn trong “Dế Mèn phiêu lưu ký” là một nhân vật được Tô Hoài khắc họa vô cùng chân thực và sinh động. Chỉ vì thói kiêu căng, ngạo mạn, Dế Mèn đã khiến Dế Choắt phải chết oan. Dế Mèn hiện lên với thân hình cường tráng, đôi càng mẫm bóng, cánh dài như áo khoác, đầu to oai vệ, răng đen nhánh sắc nhọn. Dế Mèn kiêu căng, dám “cà khịa” với tất cả mọi người. Nhưng tình huống xảy ra khiến Dế Mèn không còn kiêu căng nữa, đó là cái chết của Dế Choắt. Dế Choắt thường bị Dế Mèn giễu cợt vì ốm yếu. Dế Mèn thiếu tình thương, sự cảm thông với bạn. Dế Choắt nhờ giúp đào hang, Dế Mèn lại giễu cợt. Một hôm, Dế Mèn trêu chị Cốc, Dế Choắt can ngăn không được và phải chịu tội thay, bị chị Cốc mổ chết. Lúc này, Dế Mèn mới ân hận, nhận ra sai lầm. Câu chuyện gửi gắm một lời khuyên sâu sắc: “Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có đầu óc mà không biết nghĩa sớm muộn rồi cũng mang vạ vào thân mình”.

Đoạn văn cảm nhận về nhân vật Dế Mèn – Mẫu 4

“Dế Mèn phiêu lưu ký” là tác phẩm nổi tiếng nhất của Tô Hoài viết về loài vật. Dế Mèn là nhân vật chính trải qua những cuộc phiêu lưu lý thú. Sự trải nghiệm cuộc đời của Dế Mèn, những bài học mà Dế Mèn rút ra chính là hành trang để Mèn bước vào đời và trở thành một chàng Dế cao thượng. Ta bắt gặp một chàng dế thanh niên đẹp trai với thân hình màu nâu bóng mỡ. Dế Mèn làm việc điều độ, biết lo xa. Tuy nhiên Dế Mèn cũng có những nét tính cách chưa tốt là thói kiêu ngạo. Dế Mèn thường khoe sự lợi hại của mình. Sự kiêu ngạo, coi thường người khác ngày càng lớn và bị đẩy đến đỉnh điểm. Coi thường Dế Choắt, không thèm giúp Choắt đào hang rồi trêu chọc chị Cốc, gây hiểu lầm và Dế Choắt là người chịu hậu quả. Cái chết thương tâm và lời trăng trối của Dế Choắt làm Mèn tỉnh ngộ.

Comments

No comments yet. Why don’t you start the discussion?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *