Kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật lịch sử Kim Đồng
Để có được nền hòa bình như ngày hôm nay, biết bao thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu để bảo vệ độc lập tự do cho dân tộc. Anh Kim Đồng là một trong những tấm gương sáng ngời như vậy. Anh là biểu tượng cho lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm của thiếu niên Việt Nam trong kháng chiến.
Kim Đồng là một người con của dân tộc Tày. Cha anh mất sớm, anh sống cùng mẹ, một người phụ nữ đảm đang nhưng lại ốm yếu. Lớn lên trong thời kỳ đất nước bị xâm lược, Kim Đồng từ nhỏ đã thể hiện sự dũng cảm, quyết đoán, mạnh mẽ, cùng với lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc. Dù tuổi còn nhỏ, anh đã hăng hái tham gia vào nhiệm vụ giao liên, đưa đón cán bộ Việt Minh và chuyển thư từ quan trọng. Anh vinh dự được bầu làm đại đội trưởng đầu tiên của Đội Nhi đồng Cứu quốc. Không ngại khó khăn, nguy hiểm, Kim Đồng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao phó. Trong một lần làm nhiệm vụ, anh không may bị giặc Pháp phát hiện và bắn, anh đã hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chỉ mới 14 tuổi. Tưởng nhớ công ơn của anh, rất nhiều bài thơ, bài hát đã được sáng tác.
Hình ảnh anh Kim Đồng sẽ mãi mãi sáng ngời, là tấm gương cho thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam về tinh thần yêu nước sâu sắc, sự thông minh, gan dạ, lòng dũng cảm và sự kiên trung với Tổ quốc. Anh là biểu tượng cho sự hy sinh cao cả vì độc lập, tự do của dân tộc.
Dàn ý chi tiết cho bài văn kể về nhân vật lịch sử
Để viết một bài văn kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật lịch sử, bạn có thể tham khảo dàn ý chi tiết sau đây:
Mở bài:
- Giới thiệu về nhân vật lịch sử và sự việc liên quan mà bạn muốn kể.
- Nêu lý do hoặc hoàn cảnh khiến bạn muốn tìm hiểu và kể lại sự việc này.
Thân bài:
- Bối cảnh lịch sử:
- Gợi lại bối cảnh lịch sử, thời đại mà nhân vật sống và hoạt động.
- Nhắc đến những sự kiện, biến cố lịch sử quan trọng có ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của nhân vật.
- Câu chuyện về nhân vật:
- Thuật lại chi tiết sự việc có thật liên quan đến nhân vật lịch sử.
- Sử dụng các bằng chứng, tư liệu lịch sử (nếu có) để tăng tính xác thực.
- Kể lại diễn biến sự việc theo trình tự thời gian: bắt đầu, diễn biến, kết thúc.
- Kết hợp kể chuyện với miêu tả để tăng tính sinh động và hấp dẫn.
- Ý nghĩa của sự việc:
- Phân tích ý nghĩa, tác động của sự việc đối với cuộc đời nhân vật, lịch sử dân tộc hoặc đời sống xã hội.
- Nêu bật những phẩm chất, đức tính cao đẹp của nhân vật được thể hiện qua sự việc.
Kết bài:
- Khẳng định lại ý nghĩa của sự việc hoặc nêu cảm nhận, suy nghĩ của bạn về nhân vật và sự kiện lịch sử.
- Bài học rút ra từ câu chuyện về nhân vật lịch sử cho bản thân và thế hệ trẻ.
Kể lại một sự việc có thật liên quan đến các Vua Hùng
Tháng tư vừa qua, trường em tổ chức chuyến tham quan Đền Hùng tại Việt Trì, Phú Thọ. Nơi đây thờ các đời Vua Hùng, những người có công dựng nước.
Em từng nghe nhiều câu chuyện về Vua Hùng qua các sự tích như “Bánh chưng bánh dày” và “Sơn Tinh Thủy Tinh”. Chuyến đi này khiến em rất mong đợi.
Dưới chân núi là cảnh uy nghiêm của núi Nghĩa Lĩnh. Nơi thờ vua đặt trên núi với ba đền chính: đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Đền Hạ là nơi mẹ Âu Cơ sinh ra trăm trứng. Đền Trung là nơi vua họp bàn. Đền Thượng là lăng thờ Hùng Vương thứ sáu. Lễ hội đền Hùng hàng năm có các hoạt động văn hóa truyền thống như rước kiệu vua và dâng hương.
Trước khi tham quan, chúng em dâng hương và nghe diễn thuyết về Vua Hùng. Không khí trang nghiêm khiến em tự hào về lịch sử. Vua Hùng đã dựng nước để chúng em có nền độc lập. Chúng em đến đây để thể hiện lòng biết ơn, đúng với đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Sau đó, chúng em thăm các đền thờ vua. Cách bố trí di vật rất trang nghiêm. Em ấn tượng với tấm bia ở đền Hạ khắc lời Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta cùng nhau giữ lấy nước.”
Chuyến đi giúp em hiểu trách nhiệm với đất nước. Phải biết kính trọng thế hệ trước, đặc biệt là Vua Hùng, và ghi nhớ: “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.”
Kể lại một sự việc có thật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời của Bác là tấm gương sáng cho mỗi người dân Việt Nam noi theo.
Trong những năm tháng ở Việt Bắc, mỗi lần đi công tác, Bác đều có hai đồng chí đi cùng. Sợ Bác mệt, hai đồng chí muốn mang ba lô giúp Bác. Nhưng Bác không đồng ý. Bác nói:
-Đi đường rừng, leo núi ai mà chẳng mệt, tập trung đồ vật cho một người mang đi thì người đó càng chóng mệt. Cứ phân đều ra cho cả ba người.
Hai đồng chí đành làm theo lời Bác, chia đều vật dụng vào ba chiếc ba lô. Bác hỏi lại:
-Các chú đã chia đều rồi chứ?
Hai đồng chí trả lời:
-Thưa Bác, rồi ạ!
Sau đó, cả ba cùng lên đường. Qua một chặng, lúc nghỉ, Bác đến chỗ các đồng chí và xách chiếc ba lô lên. Bác hỏi:
-Tại sao ba lô của các chú nặng mà của Bác lại nhẹ?
Bác liền mở ra xem thì thấy bên trong ba lô của mình chỉ có chăn màn.
Bác tỏ ra không hài lòng, rồi nói:
-Chỉ có lao động thật sự mới đem lại hạnh phúc cho con người.
Sau đó, Bác lại yêu cầu hai đồng chí chia đều vật dụng vào ba chiếc ba lô mới chịu tiếp tục lên đường.
Câu chuyện nhỏ nhưng để lại bài học lớn. Bác là một người yêu lao động. Bác suốt đời làm việc, từ những việc lớn như cứu nước đến việc nhỏ như trồng cây trong vườn. Việc gì có thể tự làm, Bác đều tự mình hoàn thành. Cách sống của Bác giúp mỗi người nhận ra giá trị của lao động, cũng như có ý thức tự giác học tập và làm việc hơn.