Để yêu được văn xuôi, phải hiểu được cái thẩm mỹ riêng của văn xuôi. Nhưng thẩm mỹ văn xuôi, cái đẹp văn xuôi lại là điều không dễ hình dung.
Ảnh: Văn bản viết tay phức tạp, biểu tượng cho sự phức tạp và chiều sâu trong ngôn ngữ văn học, đặc biệt là vẻ đẹp tiềm ẩn trong hình thức nghệ thuật.
Trước tiên, ở đây hẳn là có vấn đề ngôn ngữ. Văn xuôi là một trong hai phong cách chính yếu của thực tiễn ngôn ngữ. Hoạt động nói năng của con người tự nó đã phân lập thành hai kiểu tổ chức trên cơ sở những chu kỳ lặp lại đều đặn nhất định của nhịp và vần. Thơ thường tổ chức chất liệu ngôn ngữ trong nhịp điệu chặt chẽ, cân đối. Vần và nhịp là những tiền đề đầu tiên cho sức quyển rũ, cho vẻ đẹp của thơ. Thơ lại khai thác được triệt để khả năng biểu cảm của ngôn từ, tạo nên sức liên tưởng, sức lay động rất mạnh đối với người thưởng thức, tiếp nhận.
Còn văn xuôi? Văn xuôi chỉ tổ chức ngôn ngữ như lời nói thường, như một dòng ngôn từ tuôn chảy không ngừng (chỉ tạm nghỉ ở chỗ ngắt ý, ngắt giọng, ngắt câu thông thường), không bị ràng buộc bởi quy luật số lượng hay vần điệu, nhịp điệu. Nhưng văn xuôi sẽ khai thác mạnh mẽ khả năng mô tả (tạo hình) của ngôn từ, cái khả năng nhờ vào ngữ nghĩa của các từ để − qua liên tưởng − khiến cho người đọc hình dung cụ thể như sờ thấy các sự vật, như tận mắt nom thấy các sự vật, cảnh huống, − một khả năng mà thơ khó có thể sánh kịp.
Thật ra, cũng chỉ gần đây, văn xuôi mới trở thành một nghệ thuật thật sự. Người ta cho rằng ở châu Âu, văn xuôi nghệ thuật mới chỉ có từ thời Phục Hưng.
Ảnh: Trang sách cổ, minh họa cho lịch sử phát triển của văn xuôi, từ khởi nguồn đến hình thức nghệ thuật hoàn thiện, nhấn mạnh vẻ đẹp trong sự tiến hóa.
Bất cứ ngành nghệ thuật trẻ nào ban đầu bao giờ cũng phải dựa vào một hoặc một số ngành nghệ thuật lân cận. Với văn xuôi, chỗ dựa ấy, không thể khác được, chính là thơ. Văn xuôi nghệ thuật đã phải dựa vào thơ để dần dần tách mình ra, dần dần tìm ra một tiếng nói thẩm mỹ độc lập, một bảng màu nghệ thuật độc lập, riêng của mình, và có khi sẽ tác động trở lại văn xuôi.
Nếu ở phương diện thuần túy ngôn ngữ, sự thoát ly ảnh hưởng của thơ ở văn xuôi diễn ra tương đối thuận lợi, thì ở phương diện thứ hai, phương diện “siêu ngôn ngữ”, sự thoát ly của văn xuôi ra khỏi ảnh hưởng của thơ diễn ra khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Là vì trong cả một khoảng thời gian khá dài, thơ đã là tất cả văn học, đã chiếm lĩnh và khai thác khá triệt để rất nhiều trạng thái và cung bậc tình cảm con người − bi ai hay cao cả, hùng tráng hay thơ mộng, tao nhã hay tinh tế; − thơ đã ngự trị nếp cảm thụ văn học lâu đến mức người ta không dễ hình dung và chấp nhận “tính văn học” nào khác hơn là sự “thi vị”, là chất thơ.
Cách đây vài chục năm, người ta thường nói khá nhiều đến chất thơ của các tác phẩm văn xuôi. Không phải ngẫu nhiên mà hồi đó, những sáng tác vừa ra mắt của Đỗ Chu đã là một trong những ví dụ được bàn luận, tán thưởng. Đó cũng là thời mà văn Paoustovski − qua các bản dịch − được đọc kỹ, được tán thưởng, hơn nữa, được coi như một thứ cửa mở. Có thể hình dung thế này chăng: Đỗ Chu đã chọn cùng cái âm hưởng xúc cảm của những Nguyễn Mỹ, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn và nhiều bạn thơ trẻ nữa, cùng thời, chỉ khác ở chỗ anh diễn tả nó trong văn xuôi.
Nói cho đúng, ngay ở một nền văn xuôi đã rất phát triển thì văn xuôi trữ tình vẫn có một chỗ đứng “hợp pháp”, một chỗ đứng xứng đáng. Song, cũng cần thấy rằng trữ tình − tố chất thẩm mỹ chính yếu của thơ − không phải và không nên là nét mạnh nhất, càng không nên là nét đậm duy nhất của cả một nền văn xuôi.
Ảnh: Người đọc sách dưới ánh đèn, thể hiện sự kết nối cá nhân với văn chương, nhấn mạnh trải nghiệm thẩm mỹ và vẻ đẹp của ngôn ngữ trong văn xuôi.
Một phong cách như Nguyễn Tuân, định hình trong thể tùy bút, có thể khiến một số độc giả nào đấy tưởng là phong cách trữ tình, thật ra, lại là một phong cách rất mực văn xuôi. Dĩ nhiên ở các sáng tác của Nguyễn Tuân vẫn có chỗ đứng cho trữ tình, nhưng đó không phải là thành phần chính.
Ta biết rằng văn xuôi nghệ thuật, nhất là văn xuôi tự sự thường hướng vào việc miêu tả con người và môi trường sống quanh con người. Văn xuôi chẳng những có thể miêu tả cử chỉ, hành động của con người mà còn có khả năng miêu tả sự nói năng và lời nói của con người.
Có lẽ chính vì đã khai thác và thể hiện được một khả năng rất quan trọng của ngôn ngữ tự sự, cho nên truyền thống của văn xuôi “phong tục” − chủ yếu là ở khía cạnh miêu tả ngôn ngữ − đã được duy trì và phát triển về sau, với nhiều biểu hiện phong phú.
Việc miêu tả ngôn ngữ trong văn xuôi tự sự − một trong những thành tựu của văn xuôi “phong tục” trước đây − mặc dù vẫn được không ít nhà văn duy trì và phát triển trong thực tế sáng tác, nhưng cho đến nay vẫn chưa được chú ý nghiên cứu, bình giá trong phê bình, hơn nữa, cũng đang có chiều hướng bị bỏ qua trong sáng tác của không ít nhà văn, nhất là nhà văn trẻ.
Ảnh: Micro cổ điển, biểu tượng cho sự quan trọng của tiếng nói và cách biểu đạt trong văn xuôi, nhấn mạnh vào vẻ đẹp của ngôn ngữ được truyền tải.
Ngôn ngữ có vai trò rất quan trọng đối với chất lượng nghệ thuật của văn xuôi. Rất nhiều vấn đề về nghệ thuật văn xuôi (ví dụ vấn đề chọn các ngôi đứng ra kể chuyện, dẫn chuyện, vấn đề thời gian và không gian nghệ thuật của tác phẩm, v.v…) thoạt nhìn tưởng như xa lạ, thật ra lại gắn bó rất mật thiết với phương diện ngôn ngữ của tác phẩm văn xuôi.
Tư tưởng và tình cảm, sự nhận thức và sự xúc cảm của con người không đứng yên, bất biến, chúng cũng vận động, trở nên phong phú và phức tạp thêm lên cùng với sự phát triển của đời sống nhân loại.
Trên kia đã nêu nhận xét rằng văn xuôi thiên về khai thác khả năng miêu tả (tạo hình) của ngôn từ; xu hướng của nó là ghi nhận cái thế giới ngoài nó; ưu thế của nó nghiêng về nhận thức hơn là cảm xúc. Mỗi từ trong một ngôn ngữ bao giờ cũng là khái quát và bao quát một loạt sự vật và hiện tượng cùng loại. Mỗi từ là một sự trừu tượng.
Nhận thức của văn học, cũng như nhận thức của nghệ thuật nói chung, là thứ nhận thức đi liền với cảm xúc, hòa quyện với cảm xúc.
Ảnh: Bức tranh trừu tượng, tượng trưng cho sự hòa quyện giữa nhận thức và cảm xúc trong văn xuôi, làm nổi bật vẻ đẹp trong sự kết hợp này.
Đối với văn xuôi hướng về miêu tả sinh hoạt, phng tục của đời sống con người chẳng hạn, đến một độ phát triển nhất định thì yêu cầu tạo nên tính sinh động, vẻ đầy đặn cụ thể của các bức tranh đời sống − đó vẫn chưa phải một yêu cầu thật khó đối với các cây bút có nghề, thêm nữa, đạt được yêu cầu đó vẫn chưa phải là đã đảm bảo cho tác phẩm có được một tính tư tưởng cao.
Một tác phẩm viết về xã hội đương thời, đối với những thế hệ độc giả về sau, sẽ có thể được coi là tác phẩm lịch sử. Tuy nhiên, với một số căn cứ tương đối ước lệ nào đó, ta vẫn có thể nói đến văn xuôi lịch sử: truyện, tiểu thuyết hoặc hồi ký. Đặc biệt, tiểu thuyết lịch sử đã trở thành cả một mảng sáng tác lớn trong văn học nhiều nước ngay từ các thế kỷ trước.
Văn học viết về hai cuộc chiến tranh lâu dài vừa qua của dân tộc ta, nhất là đang được viết hoặc vừa ra mắt gần đây, về nhiều mặt, chính là thuộc loại văn xuôi lịch sử, bên cạnh những thiên truyện lịch sử viết về các giai đoạn xa xưa hơn nữa trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Nhận thức là cả một nhu cầu lớn của con người hiện đại. Nhu cầu ấy đã và vẫn không ngừng tăng lên, và ở một phương diện nhất định đã đưa tới sự “bùng nổ” của nghệ thuật tư liệu nói chung, trong đó có văn xuôi tư liệu. Với văn xuôi tư liệu, chất văn xuôi lại lộ thêm ra ở một bình diện mới: ở tính cụ thể, xác thực.
Một trong những dấu hiệu của sự tiến bộ trong nghệ thuật là không ngừng mở rộng địa bàn các khách thể thẩm mỹ, mở rộng phạm sự chiếm lĩnh thế giới khách quan của con người về mặt thẩm mỹ-nghệ thuật.
Ảnh: Tác phẩm điêu khắc hiện đại, tượng trưng cho sự phá cách và tìm tòi cái mới trong nghệ thuật, nhấn mạnh vẻ đẹp trong sự đổi mới và sáng tạo.
Một nhánh nhỏ của văn xuôi nghịch lý đã có từ lâu đời − đó là văn xuôi trào phúng, văn xuôi của tiếng cười. Tiếng cười với những sắc thái phong phú đã từng lôi ra trước ánh sáng của lý trí những gì méo mó, kệch cỡm trong đời sống.
Nhận thức và khái quát, trong văn xuôi nghệ thuật, có thể ẩn sâu đằng sau những bức tranh sinh hoạt sống động, những tương quan cốt truyện được miêu tả cụ thể, nhưng cũng có thể rẽ thẳng sang hướng triết lý, trí tuệ. Văn xuôi triết lý cũng có vẻ đẹp riêng, sức mạnh riêng.
Có một điều thoạt nhìn thì hơi lạ lùng là ở thế kỷ chúng ta, được mệnh danh là thế kỷ của khoa học, của tiến bộ kỹ thuật, thì trong nghệ thuật, bên cạnh sự phát triển của văn xuôi tư liệu, văn xuôi triết lý, văn xuôi của các nghịch lý trí tuệ… lại đồng thời nảy nở và phát triển thứ văn xuôi của huyền thoại và truyền thuyết, như muốn làm sống lại tư duy huyền thoại đã có ở nhân loại từ cổ xưa, tuy không phải là làm sống lại tư duy đó như một vũ trụ quan và thế giới quan mà chủ yếu chỉ như một loại cách điệu nghệ thuật, một loại hình tư duy nghệ thuật.
Trên đây, khi nghĩ đến vẻ đẹp nhận thức của văn xuôi dưới nhiều dạng khác nhau, tôi chủ yếu mới chỉ bàn đến các phương diện có tính chất đề tài. Nhưng cần nói thêm một loại phương diện khác nữa: ấy là chỗ xu hướng nhận thức mạnh mẽ cũng đã và đang đưa tới sự biến đổi trong kỹ thuật tự sự, trong cách thức tổ chức và xây dựng tác phẩm.
Ảnh: Bút lông và mực, biểu tượng cho quá trình sáng tạo ngôn ngữ, nhấn mạnh vẻ đẹp trong sự tỉ mỉ và tinh tế của việc viết.
Chẳng hạn, người ta nhận thấy rằng nếu cứ dẫn dắt câu chuyện từ ngôi thứ ba (một kẻ vô hình mà lại toàn năng, tiếng nói của anh ta hóa ra là sự thông báo duy nhất chính xác về các sự việc dù rắc rối và ẩn khuất đến đâu, sự phán xét của anh ta hóa ra là “bản án” duy nhất đúng đối với các nhân vật dù phức tạp và nhiều điều khó xử đến đâu) thì lời kể chuyện đến với độc giả mặc nhiên lộ rõ tính chủ quan, phiến diện của nó, hoặc nữa, mặc nhiên lộ rõ sự tự tin đầy nghiêm chỉnh mà lại hóa ra ngây thơ của nó.
Người ta cũng nhận ra rằng cái trình tự trước sau của những sự việc diễn ra trong câu chuyện vẫn có thể hình thành được trong trí nhớ của độc giả dù đem xáo trộn chúng đi trong dòng lời kể chuyện.
Tuy nhiên, dù có quan tâm nhiều ít thế nào tới “kỹ thuật tự sự” thì vẫn không nên quên cái điều có lẽ là rất căn bản ở văn xuôi tự sự, bắt nguồn từ ưu thế ngôn ngữ của nó: ưu thế miêu tả.
Trở lại với câu chuyện ở đầu bài viết này − câu chuyện đi tìm vẻ đẹp văn xuôi, đi tìm những đặc điểm của văn xuôi nghệ thuật − câu chuyện mà có lẽ chính người nói cũng còn thấy chưa hiểu ra nhiều điều và chưa biết nói năng cho hợp lý − tôi chỉ muốn nói thêm một điều: nghệ thuật là đa dạng, sự sáng tạo là đa dạng. Vấn đề không phải là hoặc chỉ được có kiểu này hoặc chỉ được có kiểu kia trong một nền văn học, trong một nền văn xuôi. Vấn đề đối với chúng ta là cần có sự đa dạng thật sự của những tìm tòi thật sự với những thành công thật sự, không ngừng làm giàu có làm mới mẻ làm trẻ lại và làm già giặn thêm những khả năng và tiềm năng nghệ thuật của văn xuôi − một nghệ thuật dầu sao cũng còn chưa già của nhân loại, một nghệ thuật hầu như còn rất trẻ của văn hóa người Việt, của nghệ thuật tiếng Việt chúng ta.