Nước bao phủ hơn 70% bề mặt Trái Đất, và đại dương chiếm đến 96.5% tổng lượng nước này. Tuy nhiên, một câu hỏi tưởng chừng đơn giản lại gây ra nhiều tranh cãi: Trên Trái Đất có mấy đại dương?
Một Đại Dương Duy Nhất?
Về mặt lý thuyết, Trái Đất chỉ có một đại dương duy nhất, bởi vì tất cả các đại dương đều kết nối và tạo thành một hệ thống nước liên hoàn. Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) cũng đồng tình với quan điểm này.
Hệ thống nước toàn cầu này sau đó được chia thành các khu vực khác nhau, thường được gọi là bốn đại dương: Bắc Băng Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Sự phân chia này chủ yếu dựa vào vị trí địa lý và các lục địa bao quanh chúng.
Đến năm 2021, Hiệp hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ (National Geographic Society) đã chính thức công nhận Nam Đại Dương là đại dương thứ năm, bao quanh châu Nam Cực. Như vậy, câu trả lời cho câu hỏi “Trên Trái Đất có mấy đại dương?” phụ thuộc vào cách chúng ta định nghĩa và phân loại.
Nam Đại Dương: Đại Dương Thứ Năm Gây Tranh Cãi
Khái niệm “đại dương” thường được dùng để chỉ những vùng nước rộng lớn trên Trái Đất. Tuy nhiên, một định nghĩa chính thức và được chấp nhận rộng rãi vẫn còn thiếu.
Tổ chức Thủy văn Quốc tế (IHO) từng không công nhận Nam Đại Dương, cho rằng ranh giới của nó, hải lưu vòng Nam Cực (ACC) chảy từ Tây sang Đông, không đủ tiêu chuẩn. Mãi đến ngày 8 tháng 6 năm 2021 – Ngày Đại dương Thế giới – Nam Đại Dương mới chính thức được công nhận là đại dương thứ năm trên bản đồ thế giới.
Các nhà khoa học tin rằng dòng hải lưu Nam Cực hình thành khoảng 34 triệu năm trước, khi lục địa Nam Cực tách khỏi Nam Mỹ. Dòng hải lưu này bao quanh lục địa Nam Cực và xác định Nam Đại Dương là vùng nước nằm phía nam vĩ tuyến 60°N, ngoại trừ eo biển Drake và biển Scotia. ACC là hải lưu chủ đạo của Nam Đại Dương và là dòng hải lưu lớn nhất trên thế giới.
Đặc Điểm Độc Đáo Của Nam Đại Dương
Các vùng biển ở Nam Đại Dương lạnh hơn và ít mặn hơn so với các vùng biển phía nam Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Các dòng hải lưu sâu chảy vòng quanh Nam Cực đóng vai trò quan trọng đối với sự sống của biển ở khu vực này.
Chúng vận chuyển nước từ Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, điều phối nhiệt lượng cho toàn thế giới. Dòng hải lưu Nam Cực được ví như một trong những “lá phổi” của đại dương, cung cấp dinh dưỡng và oxy mới cho 40% vùng biển sâu trên thế giới.
Gió đại dương ở khu vực này tạo ra hiện tượng nước trồi, khi nước lạnh từ đáy biển di chuyển lên bề mặt. Khi trồi lên, nước biển hấp thụ carbon và sau đó chìm xuống đáy. Quá trình này biến Nam Đại Dương thành “bể chứa carbon” lớn nhất Trái Đất, theo một nghiên cứu của NASA năm 2021.
“Hải lưu vòng Nam Cực là điểm kết nối Nam Đại Dương với các đại dương khác”, nhà nghiên cứu thủy văn Frank Nitsche tại Đại học Columbia cho biết. Đề xuất công nhận vùng nước quanh Nam Cực là một đại dương riêng biệt đã xuất hiện từ gần 100 năm trước và được các nhà khoa học chấp nhận rộng rãi.
Vì vậy, Frank Nitsche không quá ngạc nhiên khi Hiệp hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ chính thức công nhận Nam Đại Dương là đại dương thứ năm của Trái Đất vào năm 2021. “Tôi thậm chí còn không để ý việc nó đã được công nhận,” ông nói với Live Science.
Vậy tại sao lại cần đặt tên và công nhận nó nếu các nhà khoa học đã biết đến đại dương này? Nhà nghiên cứu thủy văn Renellys Perez tại NOAA giải thích rằng điều này giúp công chúng hiểu rõ hơn về những vấn đề mà khu vực biển nơi họ sinh sống đang gặp phải.
“Chúng ta muốn nghĩ rằng tất cả vùng nước đều chỉ là một đại dương duy nhất, nhưng việc nghiên cứu chúng một cách riêng lẻ và giải quyết các vấn đề tại địa phương sẽ mang lại hiệu quả hơn nhiều. Mọi người thường không quan tâm đến các vấn đề của vùng biển thế giới rộng lớn, mà quan tâm hơn đến những vấn đề gần gũi với khu vực của họ,” nhà nghiên cứu chia sẻ với Live Science.