Thơ Là Thư Kí Trung Thành Của Trái Tim

Thơ ca, nơi tâm tư tình cảm được gửi gắm vào từng con chữ, là sự phản ánh hiện thực cuộc sống và những rung động trước muôn vàn sự kiện đời thường. Những tác phẩm văn chương trở thành trang ký ức đầy xúc cảm, được các nhà thơ thể hiện qua ngòi bút của mình. Như Đuy – Be – lay từng nói: “Thơ là người thư ký trung thành của những trái tim”. Nhận định này không hề ngoa, bởi thơ ca, văn học gắn liền với cuộc sống, đồng hành cùng trái tim và cảm xúc của mỗi người. Chính vì thế, thơ ca là nơi các thi nhân mượn chữ nghĩa, gửi gắm tâm tư, tình cảm.

Thơ là kết tinh của những trái tim giàu cảm xúc, mang tính trữ tình lãng mạn. Qua ngòi bút của nhà thơ, nó trở thành một “thư ký” trung thành, tỉ mỉ ghi chép tâm tình, nâng niu và lan tỏa những giá trị đến mọi ngóc ngách của cuộc đời. Con đường ngắn nhất để kết nối người đọc, tác giả và tác phẩm chính là: “Đi từ trái tim để đến với trái tim” (Ple-Kha-Nốp). Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh – Hoài Chân đã nhận định sâu sắc về thơ ca: “Mỗi bài thơ là cánh cửa cho tôi đi vào một tâm hồn… Cho nên đọc thơ hay tôi triền miên trong đó. Tôi ngâm đi ngâm lại hoài, cố lấy hồn tôi để hiểu hồn người.”

Mỗi nhà thơ, trước những rung cảm của cuộc sống, mượn những hình ảnh khác nhau để bày tỏ tâm tư. Thơ văn chính là người thư ký trung thành ghi lại những tâm tư ấy, biến hóa nét chữ trên trang giấy thành những dòng văn có hồn, giàu cảm xúc. Những yếu tố này kiến tạo nên các tác phẩm văn chương kiệt xuất, mang lại giá trị nhân văn sâu sắc thông qua sức đồng cảm mãnh liệt. Dù hồn thơ của mỗi thi sĩ là khác nhau, đối tượng cũng chẳng giống nhau, nhưng cùng chung một đích đến là hướng bạn đọc đến những giá trị thẩm mỹ, làm đẹp con người. Tất cả những giá trị cao đẹp ấy đều khởi nguồn từ một trái tim đầy xúc cảm. Xuân Quỳnh đã từng mượn “Sóng” để bộc bạch tình cảm của người phụ nữ trẻ đang yêu:

“Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ.”

(Sóng – Xuân Quỳnh)

Có lẽ, đứng trước biển cả bao la, Xuân Quỳnh đã có những rung cảm, suy tư về một tình yêu nồng nhiệt. Cái tôi trữ tình của Xuân Quỳnh hòa vào sóng, mượn hình tượng sóng để bày tỏ tình cảm của một trái tim đang yêu, đang thổn thức.

Không chỉ là những rung cảm từ trái tim của những con người đang yêu, mà còn là trái tim của một lòng yêu quê hương đất nước, yêu thiên nhiên, yêu con người qua bốn câu thơ của Hồ Chủ Tịch:

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.”

(Chiều tối – Hồ Chí Minh)

Những xúc cảm từ một trái tim yêu con người, yêu quê hương đất nước trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, con người Việt Nam lao động cần cù đã khiến người đọc thêm yêu quê hương Tổ quốc. Bác đã mượn văn thơ làm thú vui trên đường chuyển lao. Thơ ca đồng hành và là người bạn xuyên suốt trong quá trình khám phá cuộc sống, nên Bác đã mượn thơ để bày tỏ tình cảm, khiến biết bao trái tim đắm say.

Thơ không chỉ là những ghi chép đơn điệu, mà còn là một thư ký trung thành giàu tình cảm, thông minh, đồng hành xuyên suốt từ khi nền văn học được hình thành. Thơ mang trong mình một bề dày lịch sử, ghi chép lại những cột mốc, sự kiện nổi bật. Từ đó, người “thư ký” kết hợp với nhịp đập của thi nhân tạo thành những giá trị tốt đẹp, mạnh mẽ.

Trần Tế Xương qua thi phẩm “Sông lấp”, đứng trước cảnh nhà tan cửa mất, đã ngậm ngùi, chua xót, ghi lại những biến thiên của cuộc đời:

“Sông kia rầy đã lên đồng

Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngôi khoai

Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.”

(Sông lấp – Trần Tế Xương)

Có lẽ trái tim của tác giả đang vụn vỡ khi chứng kiến giặc Pháp xâm chiếm đất nước. Nỗi đau thân phận của người dân mất thành tiếng vọng, thành mối u hoài về quá khứ, làm trái tim ông thổn thức. “Sông lấp” đã chạm đến trái tim bạn đọc, gợi lên lòng yêu quê hương, yêu con người, xót xa và căm phẫn trước cái tàn ác của quân thù. Bài thơ phơi bày nỗi đau mất nước và những cảnh nhố nhăng của xã hội đương thời, qua đó giáo dục tình yêu quê hương đất nước.

Hành trình đồng hành của thơ ca đối với con người là vô tận. Như Hoài Thanh – Hoài Chân đã viết: “…thơ vẫn mãi là sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó ra đời giữa những buồn vui của loài người cà nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế…”.

Những ghi chép và sự đồng cảm mãnh liệt của thơ ca mãi để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc. Mỗi bài thơ, mỗi hồn thơ đều có riêng một đối tượng, nhưng vô hình chung, những tình cảm ấy sẽ rung cảm với cảm xúc của loài người. Đi từ trái tim đến trái tim, hướng con người đến những giá trị thẩm mỹ và từ sự đồng hành đó, con người có thể dễ dàng cảm thông, thấu hiểu lẫn nhau, cùng xây dựng một xã hội tốt đẹp. Các tác phẩm văn chương bắt nguồn từ trái tim sẽ là một dòng chảy xuyên suốt, vô hình đến với hàng vạn trái tim và sẽ không kết thúc ở trang cuối, như lời của nhà văn Ai-ma-tốp: “Tác phẩm chân chính không kết thúc ở trang cuối.”

Comments

No comments yet. Why don’t you start the discussion?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *