“Ăn rỗi!” – Tiếng bà nội thân thương mỗi độ tằm vào kỳ trưởng thành, háu ăn nhất. Với bà, những ngày ấy là những ngày bận rộn, tâm trí và đôi tay chỉ hướng về nong tằm. Nhưng ngẫm lại, có lẽ ngày nào với bà cũng là ngày “Tằm ăn Rỗi” bởi tình yêu và sự tận tâm bà dành cho nghề.
Làng Gùi, quê nội tôi, thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, nằm nép mình bên dòng sông Hồng trù phú. Trước những năm 90, nơi đây nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm. Bởi vậy, màu xanh của dâu bao phủ khắp làng quê. Những nương dâu mơn mởn, lá to như bàn tay xòe rộng, được bồi đắp bởi phù sa màu mỡ.
Ngày xưa, nhà ở quê thường xây năm gian, lợp mái rạ. Ba gian giữa là nơi sinh hoạt chung của cả gia đình, còn hai gian đầu hồi dùng để trữ thóc lúa hoặc nuôi tằm. Tôi chẳng mấy ưa hai gian đầu hồi ấy, cứ phải cẩn trọng đóng mở cửa để tằm không bị gió lùa. Nhìn đàn tằm trắng hếu, lổm ngổm bò ngang dọc, tôi lại rùng mình.
Gia đình nội đông con cháu. Các chú được phân công chăm sóc nương dâu, thu gom phân tằm để bón cho vườn tược. Các cô đảm nhiệm việc hái lá dâu, cho tằm ăn và kéo tơ. Tôi thích nhất là được đi hái dâu cùng các cô. Những chiếc lá dâu xanh rù rì, ram ráp trở thành nơi vui chơi trốn tìm của lũ trẻ. Chơi chán, chúng tôi lại rủ nhau hái quả dâu chín mọng, tím sẫm, chua chua ngọt ngọt, thơm lừng. Cây dâu ít sâu bệnh nên chúng tôi tha hồ vặt quả ăn.
Công đoạn kéo tơ đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay và thường do các cô đảm nhận. Kén tằm được đun trong nồi nước nóng đến độ sôi vừa phải để tơ tơi ra. Các cô khéo léo kéo sợi tơ vào khung quay đều tay. Để sợi tơ không bị đứt, nước phải luôn giữ ở nhiệt độ ổn định và thường xuyên thêm kén.
Những ngày kéo tơ, tôi thường quanh quẩn bên khung cửi. Nhìn những động tác đều đặn như thôi miên, những sợi tơ mỏng manh mà bền chắc, tôi cảm thấy thích thú vô cùng. Nhưng điều khiến tôi háo hức nhất chính là được ăn nhộng tằm. Những con nhộng béo mẫm, vừa được nhả ra từ kén, lớp vỏ mỏng dai dai, ruột mềm bùi như đậu phụ nhưng lại béo ngậy như thịt mỡ. Chẳng cần thêm gia vị, chỉ cần đưa vào miệng là đủ thấy thơm ngon. Bà nội hay đùa rằng đó là “phần lãi” của người nuôi tằm.
Bà nội tôi, một người phụ nữ quanh năm chân lấm tay bùn, không biết nhiều chữ nghĩa, lại có thể nấu những món ăn ngon chẳng kém gì nhà hàng sang trọng. Những ngày kéo tơ, bữa cơm của bà luôn đầy ắp tiếng cười và những món ăn đậm đà hương vị quê hương. Món nhộng tằm xào tóp mỡ lá chanh là món khoái khẩu của cả gia đình. Nhộng tằm vừa vớt ra khỏi nồi kéo tơ còn nóng hổi, được xào cùng tóp mỡ phi thơm, thêm lá chanh thái sợi và chút nước mắm xào cho săn lại. Nhộng xào chắc thịt, da dai dai, thơm nồng mùi lá chanh, béo ngậy vị tóp mỡ khiến ai cũng ăn không ngừng đũa. Lần nào tôi cũng cố gắng ăn thật nhanh trước khi nồi cơm bị vét sạch.
Giờ đây, mỗi khi về quê, tôi vẫn thấy tiếc nuối cho một nghề truyền thống đang dần mai một. Thỉnh thoảng, tôi lại bắt gặp những chiếc nong, những phiên liếp cũ kỹ nằm im lìm trong góc bếp, gợi nhớ về một thời “tằm ăn rỗi” đầy ắp kỷ niệm.