Sản Xuất Của Cải Vật Chất Giữ Vai Trò Quan Trọng Như Thế Nào Trong Xã Hội?

Trong xã hội loài người, mọi sự thay đổi đều bắt nguồn từ sự biến đổi của lực lượng sản xuất. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trình độ lực lượng sản xuất đã có bước phát triển vượt bậc. Sự phát triển này cung cấp thêm chứng cứ thực tiễn để khẳng định quan điểm đúng đắn của C. Mác về lực lượng sản xuất, đồng thời đặt ra yêu cầu cần bổ sung, phát triển quan điểm này cho phù hợp với thực tiễn.

Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất

Lực lượng sản xuất là khái niệm trung tâm của chủ nghĩa duy vật lịch sử, là cơ sở để hiểu toàn bộ sự vận động và phát triển của quá trình sản xuất vật chất. C. Mác đã nghiên cứu khái niệm này từ rất sớm.

Năm 1845, trong tác phẩm “Về cuốn sách của Phi-đrích Li-xtơ “Học thuyết dân tộc về kinh tế chính trị học””, C. Mác phê phán quan điểm duy tâm của Ph. Li-xtơ về lực lượng sản xuất. Theo C. Mác, lực lượng sản xuất không phải là cái “bản chất tinh thần” mà là những cái có sức mạnh vật chất.

Trong các tác phẩm tiếp theo, như “Hệ tư tưởng Đức”, “Sự khốn cùng của triết học”, “Lao động làm thuê và tư bản”, “Tiền công, giá cả và lợi nhuận”, đặc biệt là trong bộ “Tư bản”, nội hàm của khái niệm lực lượng sản xuất ngày càng được C. Mác và Ph. Ăng-ghen làm sáng tỏ.

Theo C. Mác, sản xuất vật chất là hoạt động đặc trưng của con người, quyết định sự tồn tại và phát triển của con người và xã hội loài người. Trong quá trình sản xuất vật chất, con người đồng thời có hai mặt quan hệ: quan hệ với tự nhiên và quan hệ với nhau. Mặt con người quan hệ với tự nhiên chính là biểu thị của lực lượng sản xuất. Chỉ những quan hệ mà trong đó sự tác động giữa con người với tự nhiên tạo thành của cải vật chất phục vụ nhu cầu của họ, đồng thời giúp họ cải biến chính bản thân mình mới được gọi là quan hệ tạo ra lực lượng sản xuất.

C. Mác cho rằng, lực lượng sản xuất thể hiện năng lực thực tiễn của con người trong quá trình cải biến giới tự nhiên. Khi tiến hành sản xuất vật chất, con người dùng công cụ lao động để tác động vào giới tự nhiên nhằm tạo ra của cải vật chất. Sản xuất vật chất luôn thay đổi nên lực lượng sản xuất là một yếu tố động và là một quá trình luôn được đổi mới, phát triển không ngừng.

Lực lượng sản xuất tạo ra tiền đề vật chất cho sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người, là tiêu chí cơ bản để đánh giá sự tiến bộ xã hội.

Như vậy, lực lượng sản xuất là sự kết hợp giữa người lao động với tư liệu sản xuất nhằm tạo ra một sức sản xuất vật chất nhất định.

Khi bàn đến lực lượng sản xuất, C. Mác chỉ ra những yếu tố cơ bản cấu thành nên nó, đó là người lao động và tư liệu sản xuất. Theo ông, để cải biến giới tự nhiên, người lao động cần phải có một sức mạnh tổng hợp, đó là sức mạnh của thể chất và trí tuệ. Nếu tư liệu sản xuất là điều kiện cần của quá trình sản xuất vật chất thì người lao động chính là chủ thể, đóng vai trò quyết định sự phát triển của sản xuất.

Ngoài việc bàn đến hai yếu tố cơ bản cấu thành lực lượng sản xuất, C. Mác cũng đề cao vai trò của khoa học đối với sản xuất vật chất nói chung và với sự phát triển của lực lượng sản xuất nói riêng. Tri thức khoa học được ứng dụng, được vật hóa thành máy móc, thành công cụ sản xuất và được người lao động sử dụng trong quá trình sản xuất, do đó, nó trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.

Đứng trên lập trường duy vật về lịch sử, C. Mác khẳng định, lực lượng sản xuất thể hiện năng lực thực tiễn của con người trong việc tác động vào giới tự nhiên để tạo ra của cải vật chất. Do đó, lực lượng sản xuất cũng chính là thước đo đánh dấu sự phát triển hoạt động sản xuất vật chất của con người ở mỗi hình thái kinh tế – xã hội nhất định. Sản Xuất Của Cải Vật Chất Giữ Vai Trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội.

Bổ sung, phát triển quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất trong bối cảnh toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp 4.0

Ngày nay, khoa học – công nghệ có những bước tiến nhảy vọt, tạo ra một lực lượng sản xuất mà xưa nay nhân loại chưa từng được chứng kiến. Nền kinh tế tri thức đã ra đời và đang được vận hành khá hiệu quả ở nhiều nước phát triển. Quá trình quốc tế hóa đã thực sự trở thành quá trình toàn cầu hóa.

Những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra bước phát triển nhảy vọt của đời sống xã hội nói chung và lực lượng sản xuất nói riêng. Những thành tựu của khoa học – công nghệ hiện đại đã tác động trực tiếp đến sự phát triển của lực lượng sản xuất ở tất cả những yếu tố cấu thành của nó: trình độ của tư liệu sản xuất và trình độ của người lao động.

Từ sự phát triển của lực lượng sản xuất hiện đại trong giai đoạn hiện nay, có thể đề xuất bổ sung, phát triển quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất trên một số điểm cơ bản như sau:

Thứ nhất, khi bàn đến sự phát triển của lực lượng sản xuất ở thời kỳ tư bản chủ nghĩa, C. Mác cho rằng, lực lượng lao động chủ yếu của xã hội tư bản là người công nhân, là giai cấp vô sản. Ngày nay, giai cấp công nhân không chỉ có những người lao động chân tay thuần túy, mà còn bao gồm cả tầng lớp những người trí thức. Hơn nữa, bản thân người lao động là công nhân cũng có sự thay đổi đáng kể. Những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm cho công cụ lao động ngày càng được cải tiến; sức lao động của con người được giải phóng; trình độ kiến thức, tay nghề, kỹ năng, kỹ xảo của người lao động không ngừng được nâng cao. Đội ngũ công nhân trí thức xuất hiện và có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Do đó, việc bổ sung nội hàm của khái niệm “người lao động” là rất cần thiết.

Thứ hai, khi đề cập đến phạm trù “lực lượng sản xuất” mà chỉ nhấn mạnh đến hoạt động chinh phục giới tự nhiên, xem nhẹ hoạt động thích nghi với giới tự nhiên là chưa đầy đủ. Với mục tiêu phát triển bền vững, quan niệm về lực lượng sản xuất cần được bổ sung khía cạnh “con người sống hài hòa với tự nhiên”. Thay vì phát triển lực lượng sản xuất như trước kia, ngày nay cần phải phát triển lực lượng sản xuất một cách chọn lọc.

Thứ ba, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhất là mạng in-tơ-nét, khoa học nói riêng và tri thức nói chung được phổ biến nhanh chóng. Đầu ra của lực lượng sản xuất hiện đại không còn là sản phẩm riêng của lao động ở một quốc gia nữa, mà là sản phẩm mang tính toàn cầu. Do đó, lực lượng sản xuất hiện đại trở thành một yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc đẩy mạnh quá trình toàn cầu hóa. Cần mở rộng nội hàm của khái niệm này không chỉ ở trong một nền sản xuất vật chất ở một quốc gia nhất định, mà còn ở trong một nền sản xuất vật chất trên phạm vi toàn thế giới.

Như vậy, vai trò của sản xuất của cải vật chất là yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy tiến bộ xã hội và định hình tương lai của nhân loại.

***

Toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có vai trò to lớn đối với sự phát triển của xã hội loài người, đặc biệt là đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Sự phát triển đó cung cấp những bằng chứng thuyết phục để chúng ta tiếp tục khẳng định những giá trị đúng đắn, bền vững của chủ nghĩa Mác, đồng thời, cũng đặt ra yêu cầu cần phải bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác nói chung và quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất nói riêng.

Comments

No comments yet. Why don’t you start the discussion?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *