ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
Đọc văn bản sau:
Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:
“Ai bảo chăn trâu là khổ?”
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Những ngày trốn học
Đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được… Chưa đánh roi nào đã khóc!
Có cô bé nhà bên
Nhìn tôi cười khúc khích…
***
Cách mạng bùng lên
Rồi kháng chiến trường kỳ
Quê tôi đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ tôi đi
Cô bé nhà bên – (có ai ngờ!)
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)
Giữa cuộc hành quân không nói được một lời
Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại…
Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi…
***
Hoà bình tôi trở về đây
Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày
Lại gặp em
Thẹn thùng nép sau cánh cửa…
Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ
Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!)
Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi
Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng…
***
Hôm nay nhận được tin em
Không tin được dù đó là sự thật
Giặc bắn em rồi quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích, em ơi!
Đau xé lòng anh, chết nửa con người!
Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi…
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi.
1960
(Quê hương, Giang Nam)
Chọn đáp án đúng nhất: (mỗi câu đúng 0,5 điểm)
Câu 1: Bài thơ được viết bằng thể thơ nào?
- Bảy chữ
- Tám chữ
- Tự do
- Lục bát
Câu 2: Dòng nào nói lên đề tài chính của bài thơ?
- Người lính
- Nỗi nhớ bạn bè
- Chiến tranh và kí ức
- Anh hùng lịch sử
Câu 3: Chủ thể trữ tình trong bài thơ là ai?
- Cô gái
- Nhân vật “tôi”
- Người mẹ
- Chủ thể ẩn
Câu 4: Trong kí ức của nhà thơ, quê hương hiện lên như thế nào?
- Bức tranh thiên nhiên vừa giản dị, gần gũi vừa thân thương.
- Quê hương điêu tàn dưới tiếng bom đạn của kẻ thù.
- Bức tranh thiên nhiên rộn ràng, đầy ắp tiếng cười.
- Quê hương buồn thương, không có tiếng cười.
Câu 5: Hình ảnh cô gái trong tâm trí nhà thơ như thế nào khi hòa bình gặp lại?
- Cô bé nhà bên xinh đẹp, nhanh nhẹn, tác giả không thể quên.
- Cô bé nhà bên vẫn hiện lên thật đẹp, cảm giác thân thương đến lạ.
- Cô bé nhà bên hiền lành, dễ mến, làm tác giả thương nhớ.
- Cô bé nhà bên dũng cảm, kiên cường khiến tác giả khâm phục.
Câu 6: Cụm từ: “Có ai ngờ!” thể hiện cảm xúc gì của nhân vật trữ tình?
- Không thể hiểu được vì sao cô gái lại tham gia vào du kích.
- Không muốn tin rằng cô gái lại đi du kích.
- Không thể tin được việc làm của cô gái.
- Ngạc nhiên trước việc cô gái tham gia vào du kích.
Câu 7: Vì sao tác giả lại yêu quê hương?
- Vì quê hương có phong cảnh thật bình dị.
- Vì quê hương có nhiều kỉ niệm gắn liền với tuổi thơ.
- Vì nơi ấy có người cô gái cùng chung lí tưởng.
- Tất cả các ý trên.
Câu 8: Nêu cảm hứng chủ đạo trong bài thơ? (1,0 điểm)
Câu 9: Phân tích và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong đoạn thơ sau: (1,0 điểm)
Cô bé nhà bên – (có ai ngờ!)
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)
Câu 10: Anh/chị cảm nhận như thế nào về tình yêu quê hương của tác giả được bộc lộ trong khổ thơ cuối? Từ đó nêu suy nghĩ của anh/chị về lòng yêu nước của thanh niên thời hiện đại. Trả lời trong khoảng 5-7 dòng. (0,5 điểm)
Giang Nam đã khắc họa thành công hình ảnh quê hương không chỉ là nơi chôn rau cắt rốn mà còn là nơi gắn liền với những ký ức tuổi thơ tươi đẹp và sự hy sinh cao cả.
VIẾT (4,0 điểm)
Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và giá trị nghệ thuật đặc sắc trong bài thơ Quê hương của Giang Nam.
Gợi ý trả lời:
ĐỌC HIỂU
Câu 1. C. Tự do
Câu 2. C. Chiến tranh và kí ức
Câu 3. B. Nhân vật “tôi”
Câu 4. A. Bức tranh thiên nhiên vừa giản dị, gần gũi vừa thân thương.
Câu 5. B. Cô bé nhà bên vẫn hiện lên thật đẹp, cảm giác thân thương đến lạ.
Câu 6. D. Ngạc nhiên trước việc cô gái tham gia vào du kích.
Câu 7. D. Tất cả các ý trên.
Câu 8.
Cảm hứng chủ đạo trong bài thơ là:
- Nỗi đau mất mát trong chiến tranh
- Tình yêu quê hương tha thiết
Câu 9.
- Biện pháp tu từ: chêm xem (có ai ngờ!), (thương thương quá đi thôi!)
- Tác dụng: Bộc lộ cảm xúc ngạc nhiên và tình cảm của nhân vật trữ tình dành cho cô gái.
Câu 10.
- HS trình bày theo suy nghĩ của bản thân (viết thành đoạn, hợp lí), có thể theo gợi ý sau:
- Tình yêu quê hương sâu nặng của nhà thơ.
- Lòng yêu nước của thanh niên thời hiện đại: xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước.
“Quê hương” Giang Nam không chỉ là một bài thơ, nó là tiếng lòng của một người con yêu nước, là hồi ức về một thời gian khó nhưng đầy ắp tình người.
VIẾT
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề
b. Xác định đúng yêu cầu của đề.
Nội dung và nghệ thuật tác phẩm Quê hương của Giang Nam
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
HS có thể viết bài nhiều cách trên cơ sở kết hợp được lí lẽ và dẫn chứng để tạo tính chặt chẽ, logic của mỗi luận điểm; đảm bảo các yêu cầu sau:
- Giới thiệu ngắn gọn về tác giả và tác phẩm
- Phân tích về chủ đề và nghệ thuật của tác phẩm:
- Về chủ đề: ký ức tươi đẹp của tuổi thơ tại vùng quê thanh bình và những khó khăn, mất mát khi chiến tranh xảy ra, qua tất cả tác giả đã nâng mối quan hệ đôi lứa lên thành lý tưởng cách mạng, khát vọng chiến đấu và giành hòa bình cho đất nước.
- Về nghệ thuật:
- Sử dụng thể thơ tự do, câu dài, câu ngắn tạo nên sự phóng khoáng cho bài thơ.
- Những hình ảnh liên tưởng độc đáo, gợi cảnh làm nổi bật tình cảm day dứt, xao xuyến.
- Giọng điệu: buồn thương, da diết
- …
- Đánh giá chung lại giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ