Phong Hóa Hóa Học là quá trình CO2 bào mòn đá, biến chúng thành các hạt trầm tích nhỏ. Nghiên cứu mới đây cho thấy quá trình này có thể diễn ra nhanh hơn nhiều so với những ước tính trước đây, mang đến hy vọng về khả năng chống lại một phần ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học trước đây cho rằng phong hóa hóa học diễn ra trong hàng trăm ngàn đến hàng triệu năm, giúp giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu nhưng với tốc độ chậm chạp. Tuy nhiên, nghiên cứu mới này cho thấy quá trình này có thể xảy ra trong hàng chục ngàn năm, nhanh hơn nhiều so với dự đoán.
Tiến sĩ Theodore Them, trưởng nhóm nghiên cứu từ Đại học bang Florida, cho biết: “Gia tăng phong hóa hóa học là một phản ứng tự nhiên của Trái Đất đối với sự gia tăng CO2. Quá trình này có thể giúp cân bằng các tác động tiêu cực từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, phá rừng và hoạt động nông nghiệp. Tuy nhiên, nó không thể chống lại lượng CO2 dư thừa do con người thải ra trong ít nhất vài ngàn năm tới.”
Ông Theodore Them và trợ lý Emma Tulsky đang nghiên cứu mẫu đá, minh họa quá trình phong hóa hóa học trong tự nhiên.
Khí hậu ấm lên do nồng độ CO2 tăng cao thúc đẩy phong hóa hóa học. Quá trình này tiêu thụ CO2 từ khí quyển, giúp giảm hiệu ứng nhà kính và làm mát bầu khí quyển.
Để đưa ra kết luận này, các nhà khoa học đã xác định tốc độ phong hóa hóa học trong giai đoạn Trái Đất nóng lên nhanh ở kỷ Jura sớm, thời điểm xảy ra sự kiện tuyệt chủng lớn khoảng 183 triệu năm trước.
Sử dụng các thiết bị phân tích hiện đại, các nhà nghiên cứu đã đo đạc các nguyên tố vi lượng trong mẫu đá.
Tiến sĩ Them chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy phong hóa hóa học tăng đáng kể trong giai đoạn này, nhưng không nhanh như giả thuyết ban đầu. Điều đáng chú ý là khả năng phản ứng của hành tinh trước những thay đổi môi trường trong thời gian ngắn.”
Phong hóa hóa học gia tăng cũng có thể gây ra những hệ lụy tiêu cực. Dư thừa chất dinh dưỡng từ trầm tích do phong hóa đá chảy vào đại dương, gây ra tình trạng thiếu oxy trên diện rộng trong kỷ Jura sớm.
Nghiên cứu dự đoán rằng Trái Đất nóng lên sẽ dẫn đến nhiều thay đổi khí hậu trong tương lai, làm tăng lượng mưa, mực nước sông và lượng chất dinh dưỡng vận chuyển đến vùng ven biển. Điều này có thể làm tăng quy mô và thời gian của quá trình oxy hóa khử ở các vùng biển, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống sinh vật.
Giáo sư Jeremy Owens, đồng tác giả nghiên cứu, nhấn mạnh: “Hiểu được sự thay đổi khí hậu ở thời kỳ cổ đại sẽ giúp chúng ta dự đoán được thời điểm, tác động và phản ứng của môi trường, từ đó tiên đoán tốt hơn kịch bản khí hậu trong tương lai.”