“Nghêu, Sò, Ốc, Hến” là một trong những vở tuồng kinh điển của nền văn học dân gian Việt Nam, nổi bật với những màn hài hước sâu cay, đả kích xã hội. Trong đó, trích đoạn “Huyện Trìa, Đề Hầu, Sư Nghêu mắc lỡm Thị Hến” không chỉ mang lại tiếng cười mà còn khắc họa rõ nét hình tượng người phụ nữ thông minh, bản lĩnh qua nhân vật Thị Hến.
Thị Hến hiện lên với một hoàn cảnh éo le: “Dốc thờ chồng suối bạc cho toàn, Lại bị quỷ nhà chay tới phá.” Câu thơ mở đầu đã cho thấy Thị Hến là một người phụ nữ thủ tiết thờ chồng, nhưng cuộc sống yên bình của cô lại bị phá rối bởi những kẻ vô lại. Sau khi thoát khỏi sự quấy rối ở huyện đường, Thị Hến lại phải đối mặt với sự tán tỉnh của Sư Nghêu. Chính từ đây, bằng sự mưu trí và khôn khéo của mình, Thị Hến đã từng bước giăng bẫy, khiến ba tên háo sắc phải bẽ mặt.
Trước hết, Thị Hến thể hiện sự thông minh khi tạo ra “cuộc hội ngộ” bất đắc dĩ giữa Sư Nghêu, Đề Hầu và Huyện Trìa. Đây chính là mấu chốt của kế hoạch, khiến ba kẻ háo sắc tự chui đầu vào rọ.
Trong lúc nói chuyện với Sư Nghêu, khi nghe tiếng gọi ngoài cửa, Thị Hến giả vờ ngạc nhiên “(Ủa) Tiếng ai kêu chi lạ? Hay thầy Lại tới đây”. Thậm chí, cô còn khéo léo mời Sư Nghêu ra chào hỏi để tránh “mắc tội” với thầy Đề. Hành động này càng khiến Sư Nghêu thêm phần lo lắng và hỏi xin chỗ trốn. Đó chính xác là điều Thị Hến đã dự tính. Cô mách nước cho hắn chui xuống gầm phản: “Dưới phản ngựa thầy mau xuống đó”. Thực chất, đây chỉ là một bước trong kế hoạch lớn hơn của Thị Hến.
Khi Đề Hầu bước vào nhà, Thị Hến dùng những lời lẽ ngọt ngào để đón tiếp: “Đành đôi ta là cái duyên hằng/ (Thế mà) Không nghe đó, sao cho nên việc, (thưa thầy)”. Cô tỏ ra ân cần, niềm nở với thầy Đề như một vị khách quý. Trong khi Đề Hầu vội vàng muốn “giao duyên”, Thị Hến lại tỏ ra bình tĩnh: “Ái ân việc còn thong thả,/ Rượu trà xin hãy vui chơi”. Tiếp đó, cô còn khéo léo hỏi thăm về tội phá giới của thầy tu: “Tu (mà) phá giới tội chi trọng khinh (thưa thầy?)”. Cuộc trò chuyện tưởng chừng vô thưởng vô phạt này lại chính là ngòi nổ cho mâu thuẫn giữa Sư Nghêu và Đề Hầu, từng bước thực hiện kế hoạch của Thị Hến.
Sự thông minh, khôn khéo của Thị Hến tiếp tục được thể hiện khi Huyện Trìa xuất hiện. Tương tự như Đề Hầu, Thị Hến dùng lời lẽ nhẹ nhàng để mời chào tên quan tham lam, dối trá: “Rượu trà hãy xin mời,/ Ái ân rồi có đó.”. Cô vờ như không biết gì và hỏi về tội của thầy tu phá giới. Câu trả lời của Huyện Trìa đã khiến thầy Nghêu sợ hãi, chui ra khỏi gầm giường. Bản chất hèn nhát, tham sống sợ chết của gã thầy tu sa đọa đã khiến hắn sẵn sàng tố cáo tội trạng của Đề Hầu: “…chớ thầy Đề ngồi trong thúng mơ nói mới ức chớ!”, “(Chứ thầy Đề)/ Chỉ thị dâm ô chi loại!”. Lúc này, âm mưu của Thị Hến đã thành công, thầy Đề phải lồm cồm bò ra, ba tên háo sắc cùng nhau lộ diện.
Sau khi khiến thầy tu phá giới và hai tên chức dịch đồi bại nhân cách – Huyện Trìa, Đề Hầu – mắc mưu, Thị Hến vô cùng vui mừng. Cô cảm thấy hạnh phúc khi kế hoạch đã thành công: “Kế hoan nhiên! Kế hoan nhiên!”. Từ đây, không còn ai dám đến nhà Thị quấy rối nữa: “Thế thầy tu hết tới ngõ nói điên/ Rày quan huyện hết đến nhà làm bậy”. Sau tất cả, Thị vẫn giữ vững phẩm chất đáng quý của người phụ nữ.
Bằng cách xây dựng nhân vật thông qua lời nói và hành động, tác giả dân gian đã khắc họa rõ nét một Thị Hến thông minh, sắc sảo. Từ đó, thể hiện sự đề cao, trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ. Đồng thời, tác giả cũng phê phán, mỉa mai hiện thực xã hội đương thời với sự suy đồi về đạo đức.
Có thể nói, Thị Hến trong đoạn trích “Huyện Trìa, Đề Hầu, Sư Nghêu mắc lỡm Thị Hến” là một người phụ nữ khôn khéo, sáng suốt. Trước những kẻ dung tục, tầm thường, Thị đã dũng cảm vạch trần bộ mặt thật của chúng, khiến chúng phải chịu nhục nhã. Nhân vật Thị Hến là minh chứng cho sức mạnh của trí tuệ và bản lĩnh của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa.