Dàn ý Phân tích bài thơ Đất Nước của Nguyễn Đình Thi
I. Mở bài
“Đất nước” là một trong những bài thơ tiêu biểu của Nguyễn Đình Thi và của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Đoạn thơ mở đầu thường được đánh giá cao bởi nó thể hiện trực tiếp cảm xúc về mùa thu mới trên quê hương.
II. Thân bài
Đoạn thơ được hình thành từ việc kết hợp các phần của hai bài thơ khác, sau đó được điều chỉnh và sửa đổi.
Mở đầu, tác giả gợi lại hình ảnh “mùa thu đã xa” với không khí “xao xác” và hình ảnh “người ra đi” lặng lẽ. Nỗi xao xác bâng khuâng là âm điệu chủ đạo.
Tiếp theo, tác giả thể hiện niềm vui giao hòa giữa con người và thiên nhiên khi chứng kiến “mùa thu nay” đầy sự háo hức, một mùa thu của đất trời giải phóng. Hai chữ “vui nghe” không chỉ diễn tả trạng thái tình cảm mà còn thể hiện cách cảm nhận, nhận thức mới của nhà thơ về cuộc đời.
Từ niềm vui đó, đoạn thơ chuyển ý rất tự nhiên, nhấn mạnh ý thức sở hữu của cái “ta” cộng đồng với non nước, đồng thời bộc lộ cảm xúc tự hào và sung sướng trước vẻ đẹp của Tổ quốc.
Phần cuối của đoạn thơ dẫn người đọc vào mạch suy tư về truyền thống anh hùng của dân tộc. Ở đây, xuất hiện một định nghĩa rất thơ về Tổ quốc Việt Nam.
III. Kết bài
Trong “Đất nước”, dường như cảm hứng thời đại đã hòa quyện với cảm hứng lịch sử, tạo nên một niềm xúc động thơ đẹp đẽ.
Phân tích bài thơ Đất Nước của Nguyễn Đình Thi – Mẫu 1
“Đất nước” là bài thơ nổi tiếng nhất của Nguyễn Đình Thi, được sáng tác trong thời gian dài (1948 – 1955), gắn liền với hành trình phát triển của đất nước và dân tộc. Bài thơ nằm trong tập thơ “Người chiến sĩ”.
“Đất nước” thể hiện cảm nhận về một Việt Nam hiền hòa, tươi đẹp, nhưng trong đau thương đã quật khởi đứng lên chiến đấu và chiến thắng với sức mạnh phi thường.
Vẻ đẹp đất nước khi mùa thu về
Hai câu thơ đầu gợi lên vẻ đẹp của đất nước khi mùa thu đến:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới.
Nguyễn Đình Thi gợi sắc thu, khí thu (“mát trong”), gió thu và hương thu (“hương cốm mới”). Cách viết hàm súc mở ra nhiều liên tưởng về bầu trời thu trong xanh, bao la và khí thu mát mẻ, về gió thu nhè nhẹ thổi từ những cánh đồng lúa, mang theo hương cốm mới. Đó là vẻ đẹp hiền hòa, tươi đẹp của đất nước.
Đoạn thơ tiếp theo là hoài niệm của “người ra đi” về “những ngày thu đã xa” – thu Hà Nội:
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
“Chớm lạnh” là cái lạnh đầu thu, Hà Nội như mở rộng lòng đón nhận cái lạnh ấy. “Hơi may” tỏa khắp nơi. Lá thu rụng, bay theo chiều gió, tạo nên tiếng “xao xác” trên những con phố.
Cảnh chia tay phố cũ của “người ra đi” buồn lặng lẽ. Khách chinh phu thời đại ra đi, cố nén lại bao tâm tư. “Đầu không ngoảnh lại” là một tâm thế của người đi xa. Tuy “đầu không ngoảnh lại” nhưng vẫn cảm thấy có bao nhiêu nắng thu, lá thu “rơi đầy” trên hè phố, thềm đường. Nhà thơ tả ít mà gợi nhiều. Tâm trạng người ra đi như vương vấn, mang theo một mảnh trời thu Hà Nội với nắng vàng và lá thu rơi.
Qua đoạn thơ, ta thấy ngòi bút của Nguyễn Đình Thi thật tài hoa. Lời thơ trong sáng, dịu buồn. Vẻ đẹp và hồn thu đất nước, hồn thu Hà Nội như được tinh lọc trong tâm hồn tác giả, trở thành hành trang của “người ra đi”.
Cuộc đời đã đổi thay, đất nước đã đổi thay nên vẻ đẹp mùa thu đất nước cũng đổi thay. Câu thơ bảy tiếng bỗng co ngắn lại, giọng thơ như một tiếng reo:
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha.
Không gian nghệ thuật là núi đồi chiến khu, là “rừng tre phấp phới” trong gió thu. Cả một trời thu bao la, xao động, tươi sáng lên như “thay áo mới”. Đất nước buổi thu mang vẻ đẹp tươi lạ thường và dào dạt sức sống. Có sắc thu “trong biếc”, có tiếng thu là âm thanh “nói cười thiết tha”. Hình ảnh “tôi đứng vui nghe” biểu lộ một tâm thế, một tư thế, một cảm xúc nhiều thơ mộng, nhiều tự hào. Đó là mùa thu chiến khu Việt Bắc, mùa thu kháng chiến.
Những câu thơ bảy tiếng, năm tiếng đan xen vào nhau tạo nên giọng thơ mạnh mẽ, hào hùng. Hình ảnh đất nước hiện lên tráng lệ, hùng vĩ. Các tính từ “xanh, thơm mát, bát ngát, đỏ nặng” tô đậm cái hồn đất nước. Các điệp ngữ “đây là của chúng ta”, “những” (cánh đồng, ngả đường, dòng sông) như những nốt nhấn, thể hiện ý chí tự lập tự cường và tinh thần làm chủ đất nước.
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa.
Khổ thơ tiếp theo, tác giả nói lên những suy ngẫm về đất nước và dân tộc. Lời thơ vang lên như một tuyên ngôn:
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng tiếng về.
Câu thơ thất ngôn rút ngắn lại còn ba tiếng; vần trắc như dồn nén, thể hiện niềm tự hào, kiêu hãnh về truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc. Tiếng nói của tổ tiên, tiếng gươm khua trên sông Bạch Đằng, “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, “Bình ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi vẫn “đêm đêm rì rầm trong tiếng đất”, vẫn “vọng nói về”.
Đất nước trong máu lửa
Phần thứ hai bài thơ nói về đất nước trong máu lửa. Một chữ “ôi” cảm thán cất lên:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
Các từ ngữ “chảy máu”, “đâm nát” gợi tả cảnh đau thương của đất nước, dân ta đang bị tàn sát. Người chiến sĩ hành quân ra trận với lòng căm thù giặc và tình yêu quê hương. Các từ láy “nung nấu”, “bồn chồn” diễn tả quyết tâm và tình cảm ấy.
Trong chiến đấu, vẻ đẹp quê hương “ngời lên”. Lòng căm thù giặc thêm “sục sôi”. Các từ “bay, thẳng, đứa” thể hiện sự khinh bỉ của nhân dân ta đối với quân xâm lược.
Thằng giặc tây, thằng chúa đất
Đứa đè cổ đứa lột da.
Độc lập tự do là lí tưởng chiến đấu, là niềm tin “đi tới và làm nên thắng trận”. Tác giả phủ định: quân thù “không khóa được”, “không bắn được”, để khẳng định sức sống bền vững của đất nước, tinh thần yêu nước của nhân dân ta:
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Lòng dân ta yêu nước thương người.
Cuộc kháng chiến chống Pháp là cuộc chiến tranh nhân dân do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo. Cả đất nước quật khởi đứng lên. Cảnh tượng hào hùng diễn ra khắp nơi:
Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng.
Anh bộ đội Cụ Hồ là người nông dân mặc áo lính. Người anh hùng thời đại là “những người áo vải”:
Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng.
Con đường ra trận kéo dài. Có biết bao máu đổ. Trong chiến đấu, niềm tin vào một ngày mai chiến thắng tỏa sáng:
Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội
Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh.
Đất nước chiến thắng
Được viết theo thể thơ lục ngôn:
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ buồn đứng dậy sánh lòa.
Tác giả vận dụng thành ngữ “tức nước vỡ bờ” để ca ngợi sức mạnh chiến đấu của dân tộc. “Rũ buồn đứng dậy sáng lòa” là hình ảnh của người chiến sĩ Điện Biên từ chiến hào xông lên trong ngày tổng công kích tháng 5-1954.
“Đất nước” là hồn thơ chiến sĩ, tiêu biểu cho thơ Nguyễn Đình Thi. Viết về quê hương, đất nước trong chiến tranh, thơ Nguyễn Đình Thi mang tính khái quát, chất trữ tình đằm thắm kết hợp với chất chính luận sâu sắc, ngôn ngữ tinh luyện, sắc nét, chan chứa cảm xúc. Câu thơ biến hóa đã làm cho giọng thơ biến hóa: lúc man mác, bồn chồn, lúc dồn dập.
Hình tượng đất nước vừa mang vẻ đẹp hiền hòa trong sắc thu, hương thu, vừa mang cái bát ngát của quân và dân ta.
“Đất nước” là bài thơ kiệt tác, mà người đọc luôn cảm thấy mới mẻ, niềm tự hào dân tộc cứ lâng lâng mãi trong tâm hồn.
Phân tích bài thơ Đất Nước của Nguyễn Đình Thi – Mẫu 2
Nguyễn Đình Thi sáng tác “Đất nước” từ năm 1948 và hoàn thành năm 1955, sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Bài thơ gồm hai phần. Phần đầu được hình thành trên cơ sở những đoạn trích từ hai bài “Sáng mát trong như sáng năm xưa” (1948) và “Đêm mít tinh” (1949). Phần sau được viết năm 1955. “Đất nước” được nhìn qua không gian – thời gian độc đáo: mùa thu.
Nguyễn Đình Thi đã đúc kết những cảm xúc và suy ngẫm về đất nước trong chín năm kháng chiến chống Pháp. Cảm hứng kéo dài theo hành trình kháng chiến, nối kết với lịch sử bốn ngàn năm dựng nước, giữ nước và liên tưởng tới tương lai tươi sáng. Đó là cảm hứng về một đất nước vất vả đau thương, tươi thắm vô ngần được triển khai theo hướng từ cụ thể đến khái quát.
Trong bài thơ, Nguyễn Đình Thi thể hiện cảm xúc và suy nghĩ về đất nước bằng hình ảnh mùa thu xưa, mùa thu nay và hình ảnh đất nước đau thương, bất khuất, anh hùng trong cuộc kháng chiến. Thông qua đó, nhà thơ bày tỏ tình yêu đất nước, lòng căm thù giặc, niềm tự hào, niềm tin vào tương lai tươi sáng.
Bài thơ chia làm hai đoạn. Mạch cảm xúc và suy tưởng cũng là kết cấu cơ bản. Khởi đầu là cảm xúc về một sớm mùa thu ở chiến khu Việt Bắc gợi nhớ về mùa thu đã xa của Hà Nội. Nỗi nhớ dẫn dắt cảm xúc về mùa thu nay, mùa thu cách mạng với niềm tự hào làm chủ đất nước. Cảm xúc nâng cao về đất nước trong đau thương đã vùng lên chiến đấu và chiến thắng vẻ vang.
Mở đầu bài thơ là cảm giác lâng lâng trước vẻ đẹp của thiên nhiên mùa thu:
Sáng mát trong như sáng năm xưa,
Gió thổi mùa thu hương cốm mới.
Tác giả đã thể hiện không gian, thời gian, màu sắc, hương vị của mùa thu: không khí mát trong, gió thổi mùi hương cốm mới. Hình ảnh mùa thu trong quá khứ và thực tại đan xen.
Mùa thu Hà Nội với những nét đặc trưng hiện ra thật sinh động:
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
Làn gió heo may se lạnh thổi dọc những con phố, làm xao xác hàng cây, với những thềm nắng lá rơi đầy. Ẩn sau những câu thơ tả cảnh là Hà Nội thanh lịch với bề dày lịch sử. Mùa thu Hà Nội giống như một bức tranh với đường nét mềm mại, màu sắc hài hòa. Trên cái nền phong cảnh ấy nổi bật lên hình ảnh những chiến sĩ hào hoa, dũng cảm, tạm xa Thủ đô. Người ra đi đầu không ngoảnh lại đầy ý chí nhưng lòng vẫn vấn vương.
Có thể nói bốn câu thơ miêu tả mùa thu Hà Nội là những câu thơ gây ấn tượng nhất. Nó phản ánh tâm hồn tinh tế và ngòi bút tài hoa của Nguyễn Đình Thi. Dường như nỗi buồn, sự lưu luyến, xao xuyến, nhớ nhung của nhà thơ, vương vấn trong cái chớm lạnh, trong “xao xác hơi may”, trong thềm nắng lá rơi đầy.
Từ cảm nhận về Hà Nội, nhà thơ chuyển sang miêu tả mùa thu của chiến khu:
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha.
Bức tranh mùa thu cách mạng tươi sáng, rộn ràng. Cảnh vật, không khí mang niềm vui, niềm tin của con người.
Tiếp theo, nhà thơ khẳng định quyền làm chủ đất nước:
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Điệp ngữ “của chúng ta” vang lên mạnh mẽ.
Cuối cùng, Nguyễn Đình Thi khẳng định truyền thống bất khuất của dân tộc:
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về.
Phân tích bài thơ Đất Nước của Nguyễn Đình Thi – Mẫu 3
Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003) là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Thơ Nguyễn Đình Thi thể hiện sự tìm tòi về hình ảnh. “Đất nước” là những tìm tòi độc đáo nhất. Bài thơ lấy hình tượng đất nước làm trung tâm với hai màu sắc vừa tươi đẹp vừa bất khuất.
Trước hết, Nguyễn Đình Thi cảm nhận đất nước trong mùa thu hoài niệm và mùa thu hiện tại.
Thi sĩ mở đầu bằng một vài chiêm nghiệm:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Không gian tươi sáng của một buổi sớm thu đặc trưng. Một chút “hương cốm” gợi nhiều điều.
Từ hương cốm, mùa thu năm xưa hiện về:
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
Hai câu đầu là cảnh, hai câu sau là người. Cảnh và người hợp hảo trong cuộc chia ly năm ấy. Mỗi câu từ chứa một nét chạm khắc thú vị như cái buồn vắng lặng của “những phố dài”, chút “chớm lạnh” cô đơn, đẹp nhưng buồn của cái “xao xác” và chút “hơi may”.
Cuối cùng, thi sĩ về với mùa thu hiện đại.
Mùa thu nay khác rồi
Thi sĩ reo vang về thu nay với tâm trạng phơi phới. Từ trong tư thế “đứng vui”, “phấp phới” mà tác giả cảm nhận được thiên nhiên như “thay áo mới”, “trong biếc”, “nói cười”… Mùa thu ngày nay đầy hứng khởi và niềm vui sống. Tâm trạng đơn côi xưa cũ đã thay thế cho tâm trạng hào phóng. Nó được chứng minh từ những hình ảnh trải rộng về địa lí “trời xanh”, “núi rừng”, “cánh đồng”, “ngả đường”, “dòng sông”…
Cùng với việc thể hiện đất nước tươi đẹp trong mùa thu, Nguyễn Đình Thi còn khắc họa hình ảnh đất nước trong chiến tranh. Đó là một đất nước kiên cường và bất khuất:
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!
Đất nước như có một sức sống bền bỉ. Đất nước anh dũng đã thành truyền thống. Mặt khác, những từ láy “đêm đêm”, “rì rầm” thể hiện sức sống tiềm ẩn, sự tự cường trong lớp trầm tích ngàn năm.
Đất nước đau thương mà quật khởi vô cùng:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Tác giả tố cáo tội ác của giặc.
Thế rồi, đất nước cũng quật khởi vô cùng. Nguyễn Đình Thi đã sử dụng biện pháp đối lập. Đó là sự đối lập giữa tàn bạo ác liệt của cuộc chiến đấu với sức mạnh quân ta.
Cuối cùng, cả đất nước đọng lại trong tư thế “rũ bùn đứng dậy”:
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà
Hình ảnh “người lên như nước vỡ bờ” hay “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” thể hiện sức mạnh cộng đồng vừa đau thương vừa anh dũng. Cũng từ cái kết này, người đọc thấy được niềm tin vào chiến thắng và tương lai của đất nước.
Bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi rất đặc sắc trong cách sáng tạo ngôn từ, diễn đạt liền mạch, giọng thơ phong phú, nhiều hình ảnh thú vị, giàu sức gợi. Nguyễn Đình Thi đã mang tới một bài ca về đất nước đậm nét đặc trưng và tinh thần chung của người Việt.