Hành trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh đã dẫn Người từ lòng yêu nước đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, nhận ra con đường giải phóng dân tộc theo Cách mạng Tháng Mười Nga và quỹ đạo cách mạng vô sản. Người hiểu rõ sự cần thiết của một tổ chức lãnh đạo để cách mạng thành công.
Từ năm 1920, khi tiếp cận “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lênin, đến năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Nguyễn Ái Quốc đã trải qua một quá trình chuẩn bị lâu dài về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Từ các tổ chức tiền thân sơ khai đến những tổ chức bí mật, hoạt động chặt chẽ, đỉnh cao là Đảng Cộng sản Việt Nam, đánh dấu một bước chuyển mình to lớn của cách mạng.
Ngay từ khi hoạt động ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã xây dựng và phát triển các tổ chức cách mạng, từ cải tổ Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, đến thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa. Qua những tổ chức này, Người học được cách tổ chức phong trào, thấu hiểu nguyện vọng của các dân tộc bị áp bức và sức mạnh của sự đoàn kết.
Vào những năm 1920, việc thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, một phần do người dân chưa hiểu rõ về chủ nghĩa cộng sản. Vì vậy, cần thành lập một đảng xã hội dân tộc với nhiệm vụ dần dần đưa các hội viên đến với chủ nghĩa Mác. Để quần chúng nhân dân hiểu và đi theo chủ nghĩa cộng sản, cần một tổ chức cách mạng có khuynh hướng mácxít để truyền bá học thuyết Mác – Lênin vào Việt Nam, giúp giai cấp công nhân Việt Nam nhận thức được sứ mệnh lịch sử trong việc giải phóng dân tộc.
Với mong muốn tập hợp thanh niên Việt Nam ưu tú, yêu nước, khát khao tìm con đường cứu nước đúng đắn, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập một nhóm bí mật tại Quảng Châu, làm hạt nhân cho một tổ chức rộng lớn hơn thông qua các lớp huấn luyện về phương pháp tổ chức. Tháng 2 năm 1925, Cộng sản Đoàn được thành lập, gồm những cá nhân tiêu biểu như Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu…
Tháng 6 năm 1925, trên cơ sở Cộng sản Đoàn, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, thông qua Chính cương, Điều lệ và Chương trình hành động. Hội được tổ chức thành 5 cấp: Tổng bộ, kỳ bộ, tỉnh bộ, huyện bộ và chi bộ. Mục đích của Hội là “Hy sinh tính mệnh, quyền lợi, tư tưởng để làm cuộc cách mệnh dân tộc (đập tan bọn Pháp và giành lại được độc lập cho xứ sở) rồi sau làm cách mệnh thế giới (lật đổ chủ nghĩa đế quốc và thực hiện chủ nghĩa cộng sản)”.
Để có tiếng nói rộng rãi trong quần chúng, ngày 21 tháng 6 năm 1925, Báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra đời do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và chỉ đạo. Những bài viết trên Báo Thanh niên ngắn gọn, dễ hiểu, đề cập đến các vấn đề quan trọng như đế quốc và thuộc địa, cách mạng và cải lương, thực tiễn cách mạng Việt Nam, đảng cách mạng và Đảng Cộng sản, cách mạng dân tộc và cách mạng thế giới, cách mạng và mặt trận dân tộc thống nhất, học tập lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin.
Thông qua Báo Thanh niên, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thống nhất về phương hướng và nội dung tuyên truyền giáo dục, góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức để tiến tới thành lập chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân Việt Nam.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt thực hiện nhiệm vụ truyền bá chủ nghĩa cộng sản cho cách mạng Việt Nam, cuối năm 1925, lớp huấn luyện chính trị chính thức khai mạc tại Quảng Châu, Trung Quốc. Học viên được nghiên cứu về tình hình thế giới, Quốc tế Cộng sản, các hình thức tổ chức của Đảng, hình thức tuyên truyền và cổ động, công tác vận động, tổ chức quần chúng.
Nguyễn Ái Quốc là giảng viên chính, vừa giảng bài vừa hướng dẫn và theo dõi các hoạt động, học tập, tham quan tình hình thực tế cách mạng tại Quảng Châu. Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn là phụ giảng. Nguyễn Ái Quốc còn mời một số nhà cách mạng Trung Quốc và cố vấn, chuyên gia Liên Xô đến giảng bài.
Tác phẩm quan trọng nhất được viết trên cơ sở những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại lớp huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu là cuốn “Đường Kách mệnh”. Đây là cuốn sách giáo khoa chính trị đầu tiên của cách mạng Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của lý luận cách mạng.
Nội dung cuốn sách bao hàm những vấn đề cơ bản của cách mạng: cách mạng là gì, các loại cách mạng trên thế giới và cách mạng Việt Nam, lực lượng cách mạng và nhân tố bảo đảm cho cách mạng thành công là phải có đảng cách mạng. “Đường Kách mệnh” chứa đựng những đường nét cơ bản của con đường giải phóng và phát triển của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới, là sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin về cách mạng giải phóng thuộc địa. Đề cập đến các nhân tố thành công của cách mạng, Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh vai trò to lớn của dân, nhưng phải biết làm cho dân giác ngộ, hiểu lý luận, phải hướng dẫn sách lược cho dân; và yếu tố quan trọng nhất là phải có đảng cách mạng.
Cùng với “Đường Kách mệnh” và Báo Thanh niên, các tờ báo và nguyệt san bí mật được chuyển về Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng và con đường giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc.
Từ năm 1925 đến tháng 4 năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp huấn luyện 75 học viên. Phần lớn được đưa về nước hoạt động tuyên truyền lý luận cách mạng và xây dựng tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc, sự nỗ lực của các hội viên được cử về nước hoạt động, hệ thống tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhanh chóng bắt rễ, phát triển trên phạm vi cả nước.
Phong trào “vô sản hóa” do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên xây dựng và tổ chức đã đưa hội viên vào các đồn điền, hầm mỏ, nhà máy, nông thôn để rèn luyện, học tập, nâng cao lập trường giai cấp công nhân, đồng thời truyền bá lý luận Mác – Lênin, đường lối cách mạng đúng đắn vào phong trào công nhân, giác ngộ họ, tổ chức họ đấu tranh cách mạng một cách tự giác, thúc đẩy phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ, tiến tới sự ra đời của các tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt Nam, tạo điều kiện cho sự ra đời của Đảng.
Đến giữa năm 1929, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, truyền bá rộng rãi chủ nghĩa Mác – Lênin và các luận điểm cách mạng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc vào Việt Nam, tập hợp và đào tạo đội ngũ cán bộ cách mạng, tạo nên bước nhảy vọt và sự chuyển hóa của phong trào công nhân và phong trào yêu nước theo khuynh hướng vô sản.
Đây là tổ chức tiền thân có tính chất quá độ, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam bấy giờ, giúp những người Việt Nam yêu nước dễ dàng tiếp thu tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, đồng thời thúc đẩy phong trào công nhân và yêu nước theo khuynh hướng vô sản. Sự trưởng thành của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chứng minh tài tổ chức sâu sắc, tư duy sáng tạo và là thành công của Nguyễn Ái Quốc trong chuẩn bị về mặt tổ chức, xây dựng lực lượng cho cách mạng, tạo tiền đề cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.