Hình tượng văn học không chỉ là những nhân vật, sự kiện được mô tả trong tác phẩm, mà còn là chìa khóa mở ra những cuộc đối thoại sâu sắc, đa chiều. Bài viết này sẽ đi sâu vào Nhận định Về Hình Tượng Văn Học, phân tích cách chúng khơi gợi sự đồng cảm, cuốn hút người đọc vào những cuộc trò chuyện không hồi kết, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của hình tượng trong việc truyền tải thông điệp và giá trị nhân văn.
Văn học, như dòng chảy không ngừng, luôn mang đến những thanh âm vang vọng, đánh thức những tiềm thức ngủ quên trong mỗi con người. Qua từng trang sách, độc giả được hòa mình vào những dòng sông cuộc đời, trải nghiệm những thăng trầm, hỉ nộ ái ố. Trong vô vàn hình tượng nghệ thuật đa dạng, phức tạp, ta có thể bắt gặp bóng dáng của chính mình, đồng cảm với những số phận, những cảnh ngộ. Văn học là sự gặp gỡ, là những cuộc đối thoại nối dài, được Giáo sư Trần Đình Sử khẳng định: “Hình tượng nghệ thuật không chỉ khơi dậy sự đồng cảm mà còn có khả năng cuốn hút ta vào những cuộc đối thoại: đối thoại giữa các nhân vật trong truyện, đối thoại với tác giả và đối thoại với chính bản thân mình“.
Văn học, thông qua hình tượng nghệ thuật, phản ánh đời sống, thể hiện tư tưởng, tình cảm, khát vọng và ước mơ của con người. Khác với khoa học, nghệ sĩ không diễn đạt trực tiếp bằng khái niệm trừu tượng mà thông qua hình tượng, làm sống lại những sự kiện, hiện tượng đời sống một cách cụ thể và gợi cảm. Hình tượng nghệ thuật là phương thức giao tiếp đặc biệt giữa nhà văn và độc giả, là thế giới sống do nhà văn tạo ra bằng sức mạnh ngôn từ. Hình tượng vừa có tính chung, phổ biến, vừa có tính riêng, độc đáo, cá biệt, được biểu hiện qua hình dáng, lời nói, tính cách, số phận của nhân vật. Hình tượng có khả năng “khơi dậy sự đồng cảm”, làm người đọc xúc động, đồng điệu, thấu hiểu. Hình tượng còn “cuốn hút ta vào những cuộc đối thoại” về đời sống nhân sinh. Ý kiến của Trần Đình Sử là một nhận định về hình tượng văn học vô cùng xác đáng và sâu sắc về vai trò và chức năng của nó.
Milan Kundera từng nói: “Văn chương là nơi sự phán xét ngưng lại để nhường chỗ cho sự thấu hiểu”. Văn chương ươm mầm yêu thương, gieo vào lòng người “lòng thương, tình bác ái, sự công bình”. Hình tượng nghệ thuật, dù nhỏ bé như một bông hoa, một vầng trăng hay điển hình như Thúy Kiều, người chinh phụ, người lính, đều khái quát hiện thực, hướng người đọc đến cái chân – thiện – mỹ. Văn học là tấm gương phản ánh cuộc sống, phản ánh sự thật của con người thông qua hình tượng. Văn học trở thành sứ giả của trái tim, trở thành cây đàn muôn điệu tấu lên muôn vàn cung bậc rung động trong tâm hồn. Khác với đạo đức học, triết học, văn học tác động từ trái tim đến khối óc, từ tình cảm đến lý trí, từ cảm tính đến lí tính. Văn học đi từ nhận thức đến tự nhận thức, giáo dục đến tự giáo dục. Để con người có sức mạnh cải tạo xã hội, văn học, thông qua hình tượng nghệ thuật, cần truyền cảm hứng sống, cho họ nhận ra bầu máu nóng trong tim, đồng cảm với những “tiếng cười hân hoan hay những tiếng khóc than đau khổ” của thời đại, giúp họ nhận ra ước mơ, khát vọng. Văn học tác động vào trái tim, “khơi dậy sự đồng cảm” để tiếp thêm tình yêu cuộc sống, để từ đó họ cải tạo, thay đổi cuộc sống.
Đi vào cuộc đời bằng ngòi bút, thiên chức của nhà văn là khúc chiết hiện thực vào từng trang văn. Thế nhưng, một tác phẩm chân chính không chỉ dừng ở đường biên sự thật, nó phải thoát thai ra khỏi những định lý thông thường, phải chấp nhận phủ định sự sao chép y nguyên. Goeth từng nói: “Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ có cây đời mãi xanh tươi”. Hình tượng nghệ thuật, do vậy, ngoài “khả năng cuốn hút ta vào những cuộc đối thoại giữa các nhân vật trong truyện”, còn tạo ra một diễn đàn dân chủ nơi tác giả và bạn đọc đối thoại, và hơn thế, là cầu nối giữa tâm hồn với tâm hồn, giữa trái tim với trái tim, nơi nhà văn giãi bày tâm tư, và gửi gắm vào đó một tiếng lòng mong chờ sự đồng vọng. Đến lượt mình, khi cảm nhận được tiếng lòng ấy, khi rung cảm với những cung bậc cảm xúc trong tác phẩm văn học, bạn đọc dường như cũng tìm thấy chính mình trong đó, cảm thấy được khích lệ hay được an ủi, cảm thấy được thấu hiểu, từ đó có những cuộc tự đối thoại. Đây chính là một khía cạnh quan trọng trong nhận định về hình tượng văn học, thể hiện khả năng kết nối và lay động tâm hồn của nó.
Povlenko từng chiêm nghiệm: “Tôi thu thập hình tượng cũng như con ong hút mật vậy. Một con ong phải bay một đoạn đường bằng sáu lần xích đạo trong một năm ba tháng và đậu lên bảy triệu bông hoa để làm nên một gam mật”. Tạo ra một hình tượng nghệ thuật là công việc “hao mòn tim và mai một tâm hồn” người nghệ sĩ. Khi dừng tay trên trang văn của Nam Cao, đón nhận hình tượng Lão Hạc trong cái đói cái nghèo của giai đoạn 1930-1945, ta thấy càng trân trọng hơn nữa. Tác phẩm chính là một minh chứng tiêu biểu cho tính đúng đắn của lời nhận định mà Trần Đình Sử đã luôn tâm niệm. Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc nhất của Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Nhân vật Lão Hạc là hình ảnh tiêu biểu về người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám chịu nhiều bất hạnh nhưng vẫn sáng ngời phẩm chất.
Cuộc đời Lão Hạc là một chuỗi những đau khổ và bất hạnh. Lão góa vợ từ lúc còn trẻ, một mình gà trống nuôi con trong cảnh đói nghèo, lam lũ. Vì không đủ tiền cưới vợ, anh con trai phẫn chí đăng tên làm phu đồn điền cao su. Lão thấy mình có lỗi với con và điều này làm cho lão day dứt mãi. Nỗi thương nhớ mong chờ con thường trực trong lòng người cha biến thành sự khắc khoải ngóng trông. Cuộc đối thoại giữa lão Hạc và ông giáo đã phần nào khẳng định tình thương của một người cha túng quẫn, nghèo khổ dành cho đứa con của mình.
Nam Cao luôn nhìn đời bằng con mắt tình thương. Chính vì quan niệm ấy mà những trang văn của Nam Cao luôn đặt nhân vật của mình trong tình thế cheo leo giữa nhân tính và thú tính, giữa say và tỉnh, giữa sự sống và cái chết. Nhưng đến cuối cùng Nam Cao vẫn cho thấy sự tin tưởng của mình vào phẩm chất lương thiện của người nông dân. Lão Hạc là một người cha giàu lòng yêu thương con, có lòng tự trọng cao và đặc biệt là một người ân nghĩa, lão nghĩa tình với cả con vật của mình. Khi đã tuổi già sức yếu, không làm gì để kiếm ăn được, lão chẳng dám đụng vào số tiền bòn vườn của con, chỉ dám ăn sung luộc. Và chính trong cảnh ngộ thê thảm, buồn bã ấy, cậu Vàng xuất hiện, con chó đã mang lại cho lão ý nghĩ để tiếp tục sống, tiếp tục bám víu vào cuộc đời. Trước khi bán lão đắn đo suy nghĩ rất nhiều. Rồi sau khi bán lão sang nhà ông giáo với một thân xác hoàn toàn vụn vỡ, sự vụn vỡ của một tâm hồn đôn hậu, rất mực thiện lương. Nam Cao đã phác thảo nên một chân dung hết sức chân thực, sinh động. Bằng nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, nhà văn đã bóc trần một tâm hồn quá đau đớn, day dứt, hối hận, ăn năn. Từng lời văn như cứa vào trái tim độc giả, để ta như rung lên cùng với những đớn đau của một ông lão tội nghiệp đã phải sống một cuộc đời cô đơn, bất hạnh. Hình tượng ấy “khơi gợi” trong ta nỗi xót xa với những phận người nhỏ bé, quằn quại sống, khao khát yêu thương nhưng vì cái nghèo mà phải bất lực buông xuôi.
Lão Hạc là một nhân vật giàu tình yêu thương và lòng tự trọng ở ngay trong xã hội tàn ác. Xã hội vô nhân đạo đã đẩy lão vào bước đường cùng, không cho lão được sống tiếp, lão chỉ có thể lựa chọn cho mình con đường duy nhất là tìm đến cái chết. Người đọc sẽ mãi ám ảnh với cái chết của lão. Đấy là cái chết được chuẩn bị chu đáo “đâu vào đấy”, một cái chết chạy trốn tương lai. Nhưng khi chứng kiến cái chết đau đớn dữ dội vì ăn bả chó của Lão Hạc, ông giáo mới vỡ ra. Nam Cao bằng ngòi bút lạnh lùng khi sử dụng ngôi kể thứ ba, đã để cho tâm tư chất chứa của ông giáo tuôn trào theo dòng mạch suy nghĩ chân thành, sâu sắc về Lão Hạc và người nông dân. Người con đất Hà Nam ấy đã gửi vào “Lão Hạc” một trái tim nhân đạo cao cả, một triết lý nhân sinh sâu sắc. Để Lão Hạc chết là cất Lão khỏi xã hội tha hóa lúc bấy giờ, là bảo vệ những phẩm chất cao đẹp nơi người nông dân ấy. Để lão chết là để gửi gắm độc giả những triết lý nhân sinh về lòng tự trọng đẹp đẽ của con người. Có như vậy, “Lão Hạc” mới bất diệt với thời gian và sống mãi trong lòng bạn đọc. Lão Hạc lựa chọn cái chết trước khi đánh mất nhân tính, trước khi cái ác chiếm hữu linh hồn lão, trước khi lão chấp nhận làm ác để sống, để tồn tại. Sự sáng tạo ấy của Nam Cao có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, nó gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, riết róng vẫy gọi đấu tranh chính chúng ta thay đổi xã hội để cứu lấy những con người cùng khổ, những phận người “sống mòn”, “chết mòn”, bị xã hội phi nhân tước đoạt cả nhân hình lẫn nhân tính. Cuộc đối thoại với chính bản thân mình đã cất tiếng, nó thúc giục ta ráo riết cải tạo cuộc sống, để đất nước này thêm văn minh, giàu đẹp, để không có bất cứ một Lão Hạc nào phải lang bạt, đau khổ và phải tự kết liễu cuộc đời mình để bảo toàn hay chữ “con người”. Đây là nhận định về hình tượng văn học sâu sắc, thể hiện khả năng phản ánh hiện thực và tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người đọc.
Ta còn nhớ năm xưa đại thi hào Nguyễn Du đặt ra câu hỏi, cũng là lời khát khao, rồi 300 năm nữa liệu có ai nhớ thương và đồng cảm với ông qua hình tượng nàng Tiểu Thanh? Ông khát khao tìm được một người đối thoại với mình, hiểu thấu được nỗi lòng mình. Và thật kì diệu, chưa đến 200 năm sau, Tố Hữu đã tìm thấy và đồng cảm với Nguyễn Du, Tố Hữu bày tỏ. Ta với họ có thể ở những thời đại khác nhau, có những rào cản cách xa nhau, song tìm đến văn chương chúng ta là một, bằng những cuộc đối thoại, giữa tác giả với hình tượng, giữa người sáng tác và người tiếp nhận và chính độc giả tự đối thoại với bản thân mình. Hình tượng văn học bằng sức mạnh của mình đã thực hiện trọn vẹn chức năng “khơi dậy sự đồng cảm mà còn có khả năng cuốn hút ta vào những cuộc đối thoại: đối thoại giữa các nhân vật trong truyện, đối thoại với tác giả và đối thoại với chính bản thân mình”.
Tuy nhiên, ta hiểu rằng, để có thể vun xới cho “đứa con tinh thần”’ của mình những sức mạnh lớn lao ấy không phải là điều dễ dàng. Hình tượng ấy không chỉ được gửi gắm tầm tư tưởng và tình cảm lớn, mà chúng còn phải được xây dựng công phu với những thủ pháp đẽo gọt kì công tài tình. Tác giả cần khắc họa những hình tượng sống động và đôi khi còn chân thật hơn chính nguyên mẫu ngoài đời thực. Bởi hình tượng là điển hình, là đại diện cho một tầng lớp, một thời đại, thậm chí sự tồn tại của chúng là vĩnh hằng. Hơn ai hết người nghệ sĩ phải sống hết mình, đào sâu vào những góc khuất đời sống để tìm ra sự thật tâm tình, trạng thái sống của thời đại. Người nghệ sĩ không làm công việc của người chép sử, anh thực hiện sứ mệnh của “làm cho người gần người hơn” và “vạch cái xấu, vun cái tốt phần minh” cho xã hội. Làm được điều này thì ánh sáng mà tác phẩm tỏa ra mới được tiếp nhận “biến thành của ta” và sống một cuộc đời mới.
Isago từng cho rằng: “Cuộc sống của ngôn từ lâu dài hơn chính bản thân đời Người”. Sự lâu dài ấy có được phần lớn nhờ vào sự tiếp nhận của người đọc. Văn chương chân chính dù viết về cái gì cũng hướng về con người, bởi thế mới nói “Văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người” (Nguyễn Minh Châu). Mỗi thời đại, mỗi tâm hồn sẽ tìm thấy ở tác phẩm lớn những hình tượng nghệ thuật riêng biệt, chúng đa dạng và phong phú bởi cuộc đời là rộng lớn vô cùng. Tất cả dù đến bằng con đường nào thì cũng sẽ gặp nhau ở một điểm: phát lộ những điều đẹp đẽ, khơi dậy sự rung động nơi trái tim và lắng nghe những tiếng nói tri âm. Đó là sức mạnh, là chức năng lớn nhất của văn học mà Trần Đình Sử quan niệm. Nhận định về hình tượng văn học này nhấn mạnh vai trò trung tâm của con người trong văn học, đồng thời khẳng định giá trị trường tồn của những hình tượng nghệ thuật chân chính.
“Nền đất ẩm, chiếu manh, trang giấy trắng,
Anh khai sinh bao nhân vật cho đời
Nên anh chết như chuyến đi dài hạn
Bởi họ sống tiếp cho anh đang có mặt giữa muôn người”
(Đào Cảng)
Có lẽ, đó là lí do dù Nam Cao đã không còn nhưng hình tượng Lão Hạc vẫn sống mãi trong tâm trí bạn đọc. Nàng Kiều vẫn sẽ làm lay động bao trái tim và nhỏ lệ bao tâm hồn dù đại thi hào Nguyễn Du đã rời xa cõi tạm mấy thế kỉ qua. Văn chương thấm vào lòng người và bất tử với thời gian, không có biên giới bởi được nhận thức và thể hiện bằng hình tượng nghệ thuật. Và bằng cách này hay cách khác, người đọc hôm nay sẽ tiếp tục những cuộc đối thoại, để lời của Giáo sư Trần Đình Sử mãi luôn là chân lý đúng đắn về sức mạnh của hình tượng nghệ thuật.