Tổng hợp những bài văn phân tích tác phẩm “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân, tập trung làm nổi bật vẻ đẹp của hình tượng người lái đò và con sông Đà.
Chân dung nhà văn Nguyễn Tuân, người nghệ sĩ tài hoa đã khắc họa thành công hình tượng người lái đò sông Đà và vẻ đẹp hùng vĩ của dòng sông.
Dàn ý phân tích “Người lái đò sông Đà”
I. Mở bài
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Tuân và phong cách nghệ thuật độc đáo của ông.
- Giới thiệu khái quát về tác phẩm “Người lái đò sông Đà” và vị trí của nó trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Tuân.
II. Thân bài
-
Lời đề từ:
- Phân tích ý nghĩa hai câu thơ được Nguyễn Tuân sử dụng làm lời đề từ: “Đẹp vậy thay tiếng hát trên dòng sông” và “Chúng thuỷ giai đông tẩu, Đà giang độc bắc lưu”.
- Nhấn mạnh vai trò của lời đề từ trong việc gợi mở chủ đề và tư tưởng của tác phẩm.
-
Hình tượng sông Đà:
a) Khái quát:
- Sông Đà – biểu tượng cho vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ và thơ mộng.
- Vị trí địa lý và đặc điểm dòng chảy của sông Đà.
b) Vẻ đẹp hung bạo, hùng vĩ:
- Miêu tả cảnh đá bờ sông dựng vách thành, lòng sông hẹp và hiểm trở.
- Diễn tả sự dữ dội ở ghềnh Hát Loóng, nơi “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió”.
- Khắc họa sự nguy hiểm của những cái hút nước ở Tà Mường Vát.
- Phân tích “thạch trận” trên sông Đà, với những trùng vi giăng bẫy đầy chết chóc.
Hình ảnh thạch trận trên sông Đà, thể hiện sự hung bạo và hiểm trở của dòng sông.
c) Vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng:
* Miêu tả dáng sông kiều diễm từ trên cao, như "dải dây thừng" hay "mái tóc mun".
* Phân tích màu sắc sông nước thay đổi theo mùa, từ xanh ngọc bích đến "lừ lừ chín đỏ".
* Khắc họa khung cảnh bờ bãi ven sông hoang sơ và quyến rũ.
_Vẻ đẹp trữ tình của sông Đà, như một dải lụa hiền hòa uốn lượn giữa núi rừng._
-
Hình ảnh người lái đò sông Đà:
-
Giới thiệu chung về nghề nghiệp và cuộc sống của người lái đò.
-
Phân tích cuộc chiến đấu của người lái đò trên sông Đà:
- Kinh nghiệm và sự am hiểu sông nước.
- Sự mưu trí, dũng cảm và bản lĩnh.
- Nghệ thuật lái đò tài hoa.
-
Khắc họa cuộc sống đời thường giản dị và đáng khâm phục của người lái đò.
-
Người lái đò trên sông Đà, hình ảnh người lao động dũng cảm và tài hoa.
III. Kết bài
- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
- Nêu cảm nhận về “Người lái đò sông Đà” và tài năng của Nguyễn Tuân.
Phân tích chi tiết “Người lái đò sông Đà”
Nguyễn Tuân, người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp, đã khắc họa chân thực vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên Tây Bắc và vẻ đẹp hào hùng của con người trong lao động qua tác phẩm “Người lái đò sông Đà”. Tác phẩm được trích từ tập bút kí “Sông Đà”, là kết quả của chuyến đi thực tế của nhà văn lên mảnh đất Tây Bắc vào những năm 1958-1960.
Mỗi lời đề từ xuất hiện đều tập trung tư tưởng của tác phẩm, là chìa khóa mở cánh cửa vào tác phẩm, hé lộ tư tưởng, chủ đề, cảm hứng chủ đạo. “Người lái đò sông Đà” sử dụng hai lời đề từ:
- Lời đề từ thứ nhất: “Đẹp vậy thay, tiếng hát trên dòng sông”, ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn lạc quan, yêu thiên nhiên, yêu lao động của những người chèo đò, kéo thuyền vượt thác.
- Lời đề từ thứ hai: “Chúng thủy giai đông tẩu/ Đà giang độc bắc lưu”, khẳng định sự độc đáo của Đà giang và hé lộ cá tính nghệ thuật của Nguyễn Tuân – nhà văn của những phong cảnh tuyệt mĩ, cảm giác mãnh liệt.
Hình tượng con sông Đà được Nguyễn Tuân miêu tả trên nhiều phương diện, vừa mang vẻ đẹp hung bạo, vừa hết sức nên thơ, trữ tình.
Vẻ đẹp hung bạo của dòng sông được thể hiện ở:
- Cảnh đá bờ sông dựng vách thành: “mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời”, “vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu”.
- “Quãng mặt ghềnh Hát Loóng”: “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió”, nhịp điệu dồn dập, điệp từ, điệp cấu trúc tạo nên âm hưởng dữ dội.
- Những cái hút nước tàn độc: “giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu”, “thành giếng xây toàn bằng nước sông xanh ve một áng thủy tinh khối đúc dày, khối pha lê xanh như sắp vỡ tan ụp vào…”.
- Các trùng vi thạch trận: “cả một chân trời đá”, “mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này”.
Bên cạnh vẻ đẹp hung bạo, sông Đà lại hiện lên một vẻ đẹp rất khác, hoàn toàn đối lập, đó chính là vẻ đẹp trữ tình:
- Từ trên cao nhìn xuống, dòng chảy uốn lượn giống như “cái dây thừng ngoằn ngoèo dưới chân mình”, đặc biệt là giống như mái tóc của người thiếu nữ “con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”.
- Ở những thời điểm khác nhau, sông Đà cũng mang vẻ đẹp riêng: Mùa xuân, nước Sông Đà xanh màu “xanh ngọc bích”; Mùa thu, nước Sông Đà lại “lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa”.
- Vẻ đẹp sông Đà con như được bước ra từ miền cổ tích xa xôi, với những bãi bờ hoang dại như thời tiền sử: “bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên sông Đà”.
Người lái đò sông Đà không chỉ nổi bật ở hình tượng con sông Đà, mà để điểm tô, hoàn thiện vẻ đẹp sông Đà cần có sự xuất hiện của con người, và thật đẹp đẽ, chân dung người lái đò đã được Nguyễn Tuân thể hiện tài tình, rõ nét. Người lái đò không có một tên gọi cụ thể, mà chỉ được gọi tên là người lái đò Lai Châu.
Nghệ thuật tương phản đã làm nổi bật một cuộc chiến không cân sức: một bên là thiên nhiên bạo liệt, hung tàn, sức mạnh vô song với sóng nước, với thạch tinh nham hiểm, một bên là con người bé nhỏ trên chiếc thuyền con én đơn độc và vũ khí trong tay chỉ là những chiếc cán chèo. Nhưng dù sông Đà gian ngoan, xảo quyệt bao nhiêu thì người lái đò lại kiên cường bám trụ bấy nhiêu “hai tay giữ mái chèo khỏi bị hất lên khỏi sóng trận địa phóng thẳng vào mình”.
Đặc biệt trong lần vượt trùng vi thạch trận thứ ba, ông lái đò đã thể hiện rõ tài nghệ của mình: “phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa… vút qua cổng đá”, “vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được”… để rồi chiến thắng vinh quang. Câu văn “thế là hết thác” như một tiếng thở phào nhẹ nhõm khi ông lái đã bỏ lại hết những thác ghềnh ở phía sau lưng.
Chiến thắng của ông trước hết xuất phát từ sự ngoan cường, lòng dũng cảm, ý chí quyết tâm vượt qua những thử thách khốc liệt của cuộc sống. Đây đông thời cũng là chiến thắng của tài trí con người, của sự am hiểu đến tường tận tính nết của sông Đà.
Người lái đò còn được Nguyễn Tuân khắc họa ở vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ. Tài hoa là khi con người đạt tới trình độ điêu luyện, thuần thục trong công việc của mình, đến độ có thể sáng tạo được, có thể vươn tới tự do. Chính vì vậy, Nguyễn Tuân đã tập trung bút lực ca ngợi hình ảnh ông lái băng băng trên dòng thác sông Đà một cách ung dung, bình tĩnh, tự tại trong cuộc chiến đầy cam go nhưng cũng thật hào hùng.
Bằng ngòi bút tài hoa, tinh tế, Nguyễn Tuân đã tạo nên những trang văn đẹp cả về hình thức và tư tưởng. Tác phẩm được tạo nên từ tình yêu quê hương đất nước sâu nặng, tha thiết. Không chỉ ngợi ca vẻ đẹp hùng vĩ của quê hương đất nước mà còn khẳng định sự lớn lao, sức mạnh phi thường của những con người bình thường trong hành trình chinh phục thiên nhiên.
“Người lái đò sông Đà” là một áng tùy bút xuất sắc, cho thấy tài năng và tấm lòng của người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái Đẹp – Nguyễn Tuân.