“Nỗi chìm kiếp sống lênh đênh
Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều.”
(Tố Hữu – Bài ca xuân 61)
Những con chữ đầu tiên đặt trên trang giấy đánh dấu sự khai sinh của một tác phẩm, là kết tinh từ trái tim người nghệ sĩ không ngừng rung động trước vẻ đẹp của vũ trụ và con người. Tình yêu văn chương nồng nhiệt thúc đẩy họ không ngừng sáng tạo, cho đến khi cuộc đời khép lại. Mỗi tác phẩm văn học, vì thế, mang trong mình một phần linh hồn của người nghệ sĩ, ghi lại những khoảnh khắc lịch sử, những cột mốc thời đại, và được lưu truyền qua bao thế hệ. Chính vì vậy, nhiều tác phẩm vẫn trường tồn cùng thời gian, bất chấp những biến động xã hội, sự đổi thay không ngừng của cuộc đời. Văn chương, như một ngọn lửa vĩnh cửu, kiêu hãnh vươn lên từ những mảnh vỡ quá khứ. Như nhà văn Aimatov từng khẳng định: “Tác phẩm văn học chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng”. Khi trang sách cuối cùng khép lại, tác phẩm mới thực sự bắt đầu sống, tiếp tục đồng hành cùng thời gian, mang theo những khát khao, trăn trở và tình cảm sâu kín của người đọc.
Để hiểu rõ hơn ý nghĩa của câu nói này, ta cần định nghĩa thế nào là một “tác phẩm văn học chân chính” và ý nghĩa sâu sắc của sự “kết thúc”. Một tác phẩm văn học được xem là chân chính khi nó mang giá trị đích thực, to lớn đối với thời đại, thể hiện được sứ mệnh của văn chương đối với cuộc đời. Văn chương, xét cho cùng, là một bộ môn nghệ thuật phản ánh nhận thức, khám phá hiện thực đời sống, xã hội và con người. Mạch cảm xúc trong văn chương dồi dào và phong phú, hướng con người đến những giá trị Chân – Thiện – Mỹ.
Cũng chính từ những bức tranh hiện thực sinh động, các nhà văn, nhà thơ gửi gắm tâm tư, tình cảm trước cuộc sống. Kết thúc không chỉ là dấu chấm hết, mà còn là sự mở ra cho những suy ngẫm, trăn trở. Sự bất lực, dồn nén có thể đẩy con người đến bờ vực của sự sống và cái chết, nhưng những cuộc đấu tranh trong tư tưởng nhân vật vẫn nổ ra, tạo nên những ấn tượng mạnh mẽ trong lòng độc giả. Dù có trốn chạy trong màn đêm như Chị Dậu, tương lai vẫn là một bóng tối mịt mờ. Tác phẩm có thể khép lại bằng một cái kết mở, thắp lên tia hy vọng cho mai sau. Đó chính là thông điệp của văn học nghệ thuật.
Nhà văn hiện thực Maxim Gorky từng nói: “Văn học giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân và làm nảy nở ở con người khát vọng hướng tới chân lý”. Tác phẩm nghệ thuật sinh ra từ trái tim và tâm hồn người nghệ sĩ, chất chứa những nỗi niềm sâu lắng. Nguyễn Minh Châu cho rằng: “Thiên chức của nhà văn là đi tìm những hạt ngọc ẩn trong bề sâu tâm hồn con người”. Vì vậy, nhà văn phải nắm bắt cảm xúc, thấu hiểu hiện thực cuộc sống để truyền tải nội dung một cách sâu sắc. Từ đó, tác phẩm mới tiếp cận được với độc giả, đưa họ cùng cảm nhận những giá trị nhân đạo, giá trị thẩm mỹ. Dù trang sách cuối cùng có khép lại với những số phận không lối thoát, nó vẫn khắc sâu vào tâm trí người đọc. Văn chương không chỉ là những dòng chữ khô khốc, mà còn là giai điệu cuộc sống và những mảnh linh hồn. Nếu như Nam Cao mang đến những kết thúc chua xót về cái chết của người nông dân bần cùng, thì Kim Lân trong “Vợ Nhặt” lại cho ta thấy chút lạc quan và khát vọng trong những năm tháng tăm tối.
Nhà phê bình Nga Belinsky từng viết: “Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu con người, một ước mơ cháy bỏng về một xã hội công bằng bình đẳng bác ái luôn thôi thúc nhà văn sống và viết, vắt cạn kiệt những dòng suy nghĩ và hiến dâng bầu máu nóng của mình cho nhân loại”. Tác phẩm nghệ thuật thực sự đưa ta đến những chân lý mới mẻ, bồi đắp tâm hồn. Sáng tạo nghệ thuật là một hành trình gian nan, đòi hỏi nhà văn phải tinh tế, khéo léo nắm bắt hiện thực và gửi gắm tâm huyết vào “những đứa con tinh thần”. Sau mỗi tác phẩm, nhà văn dồn hết tình cảm thiêng liêng và cái tâm của mình vào từng dòng văn, hội tụ đủ những nét tinh hoa, khắc sâu vào lòng người và tồn tại mãi với thời gian. “Truyện Kiều” của Nguyễn Du là minh chứng sinh động cho điều này, để rồi thế hệ sau phải thốt lên:
“Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc
Sắc tài sao mà lại lắm truân chuyên.”
(Chế Lan Viên – Đọc Kiều)
Thiên chức của nhà văn là truyền tải cảm xúc cá nhân thông qua nhân vật trữ tình, ghi lại dấu ấn đậm sâu trong lòng người đọc sau khi trang cuối cùng khép lại. “Nhà văn sáng tạo nhân vật để gửi gắm tư tưởng, tình cảm và quan niệm của mình về cuộc đời” (Chekhov). Nguyễn Tuân trong “Chữ người tử tù” đã khắc họa hình tượng Huấn Cao tài hoa, ngạo nghễ, với tâm hồn và vẻ đẹp thiên lương sâu sắc. Cuộc gặp gỡ giữa Huấn Cao và viên quản ngục là một tình tiết mang tính biểu tượng độc đáo. Huấn Cao là người tài đức vô lượng, luôn hướng tới cái thiện, còn viên quản ngục lại là người quý trọng cái đẹp, mong muốn xin chữ của Huấn Cao. Kết thúc câu chuyện là cảnh tượng xưa nay chưa từng có: người tử tù thanh thản cho chữ viên quản ngục khúm núm.
Giữa nơi tăm tối, dơ bẩn, hình tượng Huấn Cao hiện lên như ngọn đèn soi sáng cả không gian ngục tù. Giây phút cho chữ ấy thật thiêng liêng, không chỉ là viên quản ngục được chứng kiến thần tượng, mà còn là khoảnh khắc người đàn ông làm việc ở nơi tận cùng của tội lỗi tìm lại được chính mình. Khoảnh khắc cao đẹp này mở ra một lối thoát, tiếp thêm ngọn lửa chân lý. Huấn Cao không hề lo sợ cái chết, bởi lẽ nhờ viên quản ngục mà con tim ông như đánh lên một nhịp sống mới. Ông thả lòng vào từng nét chữ, thỏa sức với đam mê. Và sau khi Huấn Cao rời khỏi cuộc đời, những lời giáo huấn của ông sẽ đọng mãi trong tâm hồn viên cai ngục về hai chữ “thiên lương”. Hình ảnh cho chữ độc đáo vẫn sẽ mãi trường tồn, và tác phẩm sống mãi với thời gian về một thời vang bóng. Qua tác phẩm, ta thấy cả hai tâm hồn đều đẹp đẽ với những phẩm chất đáng trân quý. Cái đẹp có thể sinh ra từ nơi xấu xa và tăm tối nhất, và cái thanh cao cũng có thể được sinh ra từ những cái thấp hèn. “Chữ người tử tù” sẽ có những giá trị lâu dài, chạm đến trái tim người đọc, khiến họ có cảm giác như đang sống cùng nhân vật, cùng cảm nhận, thấu hiểu. Tác phẩm không chỉ gieo vào lòng người đọc những nhận thức, suy nghĩ, tình cảm, niềm tin, khát vọng, mà còn thúc đẩy, mở ra một lối thoát cho họ hướng về chân lý. Chính vì vậy, tác phẩm phải có cái kết thúc ấn tượng, là sự kết hợp hài hòa của nội dung và hình thức nghệ thuật độc đáo, tạo cảm hứng cho người đọc. Giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mỹ phải cùng nhau kết tinh để tạo nên một sự sống cho người đọc sau khi tác phẩm kết thúc.
Đề tài hiện thực cuộc sống, lòng yêu nước cùng hình ảnh người nông dân gắn liền với miền quê Việt Nam luôn là một đề tài lớn và phổ biến trong văn học. Những áng thiên cổ hùng văn mãi tồn tại trong tâm hồn những hào khí dân tộc:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
…
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo.”
(Nguyễn Trãi – Bình Ngô đại cáo)
Nhờ những cây bút hiện thực xuất sắc như Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam đã khai thác sâu hơn vào những mặt tối của xã hội nửa thực dân phong kiến, độc giả ngày nay mới có cái nhìn bao quát nhất về chuỗi ngày tăm tối để vun đắp tình người trong cuộc sống. Đó là những thành tựu đáng trân quý trong kho tàng văn học nước nhà.
“Tác phẩm văn học chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện”, lời khẳng định của Aimatov thật sâu sắc. Tác phẩm đã vượt qua sự băng hoại của thời gian và có sức sống bất diệt. Những người nghệ sĩ kiến tạo nên vẻ đẹp văn chương đã vắt cạn trái tim và tâm trí để viết lên những dòng thơ văn sâu sắc. Không chỉ phản ánh đời sống xã hội, văn chương còn ca ngợi vẻ đẹp thanh cao cùng những phẩm chất quý giá của con người. Từ đó, càng khiến người đọc thêm yêu quý văn học và yêu cả chính bản thân mình, yêu thêm cuộc sống xung quanh mình.
« Mai sau, dù có bao giờ…Câu thơ thuở trước, đâu ngờ hôm nay! »
(Tố Hữu – Kính gởi cụ Nguyễn Du)