Ngày 26/12/2018, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT về Chương trình giáo dục phổ thông (Thông tư 32), bao gồm chương trình tổng thể và chương trình các môn học, hoạt động giáo dục của 3 cấp học.
Chương trình mới được thực hiện theo lộ trình, bắt đầu từ năm học 2020-2021:
- Năm học 2020-2021: Lớp 1.
- Năm học 2021-2022: Lớp 2 và lớp 6.
- Năm học 2022-2023: Lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
- Năm học 2023-2024: Lớp 4, lớp 8 và lớp 11.
- Năm học 2024-2025: Lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Chương trình giáo dục phổ thông bao gồm chương trình tổng thể và chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Chương trình tổng thể quy định những vấn đề chung nhất, có tính chất định hướng của chương trình giáo dục phổ thông. Chương trình môn học và hoạt động giáo dục xác định vị trí, vai trò môn học và hoạt động giáo dục trong thực hiện mục tiêu giáo dục phổ thông, mục tiêu và yêu cầu cần đạt, nội dung giáo dục cốt lõi của môn học và hoạt động giáo dục.
Chương trình giáo dục phổ thông mới tập trung vào hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh:
- Phẩm chất: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.
- Năng lực: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Ngoài ra, còn có các năng lực đặc thù như năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực khoa học, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mĩ, năng lực thể chất. Chương trình cũng góp phần phát hiện, bồi dưỡng những năng lực đặc biệt (năng khiếu) của học sinh.
Chương trình giáo dục phổ thông mới được chia thành hai giai đoạn:
- Giai đoạn giáo dục cơ bản (lớp 1-9): Trang bị tri thức, kỹ năng nền tảng, hình thành phẩm chất và năng lực cốt lõi, chuẩn bị tâm thế cho việc thích ứng với xã hội tương lai.
- Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10-12): Phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng, đảm bảo học sinh tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông hoặc tham gia lao động.
Hệ thống môn học và hoạt động giáo dục gồm môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, môn học tự chọn và môn học lựa chọn.
- Đối với cấp tiểu học: Có 11 môn học bắt buộc và 2 môn học tự chọn.
- Đối với cấp THCS: Có 12 môn học bắt buộc và 2 môn học tự chọn. Môn Lịch sử và Địa lý là một trong những môn học bắt buộc.
- Đối với cấp THPT: Có 5 môn học bắt buộc, 2 môn học tự chọn và các môn học lựa chọn theo 3 nhóm: khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, công nghệ và nghệ thuật. Địa lý là một trong các môn thuộc nhóm khoa học xã hội.
Chương trình giáo dục phổ thông mới kế thừa 6 điểm từ chương trình hiện hành:
- Mục tiêu giáo dục: Giáo dục con người toàn diện, phát triển hài hòa về đức, trí, thể, mĩ.
- Phương châm giáo dục: “Học đi đôi với hành”, “Lý luận gắn liền với thực tiễn”, “Giáo dục ở nhà trường kết hợp với giáo dục ở gia đình và xã hội”.
- Nội dung giáo dục: Kiến thức nền tảng của các môn học được kế thừa từ chương trình hiện hành, nhưng được tổ chức lại để giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực hiệu quả hơn.
- Hệ thống môn học: Kế thừa các môn học truyền thống, song có một số môn học và hoạt động giáo dục mới hoặc bố cục lại.
- Thời lượng dạy học: Giảm tải so với chương trình hiện hành nhưng tương quan về thời lượng dạy học giữa các môn học không có sự xáo trộn.
- Phương pháp giáo dục: Phát huy tính tích cực của học sinh, khắc phục nhược điểm của phương pháp truyền thụ một chiều.
Một số điểm khác biệt của Chương trình giáo dục phổ thông mới so với chương trình hiện hành:
- Chương trình mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực và phẩm chất người học, còn chương trình hiện hành được xây dựng theo định hướng nội dung, nặng về truyền thụ kiến thức.
- Chương trình mới chú trọng giáo dục định hướng nghề nghiệp, còn ở chương trình hiện hành việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh chưa được xác định rõ ràng.
- Trong chương trình hiện hành, sự kết nối giữa chương trình các cấp học trong một môn học và giữa chương trình các môn học chưa chặt chẽ.
- Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành thiếu tính mở nên hạn chế khả năng chủ động và sáng tạo của địa phương và nhà trường.
Tóm lại, chương trình giáo dục phổ thông mới đã tiếp thu kinh nghiệm của nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển và khắc phục những hạn chế, bất cập của chương trình hiện hành.