Việc siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm đang được nhiều tỉnh thành triển khai nhằm thay đổi môi trường giáo dục. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của các quy định này vẫn còn bỏ ngỏ, khi mà áp lực học thêm vẫn đè nặng lên vai học sinh.
Một nghịch lý tồn tại là phụ huynh luôn than phiền về học thêm, nhưng lại thúc ép con cái tham gia. Nỗi lo sợ bị “đì”, bị phân biệt đối xử hoặc đơn giản là không muốn mất lòng giáo viên khiến nhiều bậc cha mẹ “thắt lưng buộc bụng” để con đi học thêm.
Giáo viên ngày nay khó có thể “ép” hay “đì” học sinh trong thời đại công nghệ thông tin. Một bức ảnh, video tố cáo trên mạng xã hội có thể gây rắc rối lớn. Có lẽ, chỉ có một số ít giáo viên dọa nạt, đánh vào tâm lý chuộng thành tích của phụ huynh để họ tự nguyện đưa con đến lớp học thêm. Vậy tại sao đa số học sinh vẫn phải học thêm?
Bệnh thành tích không chỉ nằm ở nhà trường, mà còn tồn tại sâu sắc trong chính phụ huynh. Họ ép con học cho bằng bạn bè, so sánh thành tích với “con nhà người ta”, săm soi bảng điểm và dằn vặt khi con điểm không như ý. Họ tìm kiếm thầy cô giỏi, chờ đợi để xin cho con vào lớp học thêm nổi tiếng. Một phần xuất phát từ tình yêu thương và mong muốn con có tương lai tốt đẹp, nhưng phần lớn đến từ lòng tự hào bất chấp, từ việc muốn “Mở Mày Mở Mặt” với thiên hạ vì con học giỏi.
Thêm vào đó là tâm lý “bụt nhà không thiêng”. Nhiều phụ huynh trí thức, cán bộ, thậm chí là nhà giáo vẫn gửi con đi học thêm, dù kiến thức trong sách không làm khó được họ. Họ tin rằng, chỉ có thầy cô bên ngoài mới có thể “truyền lửa”, giúp con họ đạt kết quả tốt nhất.
Rất ít phụ huynh khẳng định với con cái rằng “điểm số không quan trọng”. Số người giữ được sự bình tĩnh khi phong trào dạy thêm học thêm rầm rộ cũng rất ít. Không nhiều phụ huynh chịu khó đồng hành cùng con trong việc học, và càng ít người ưu tiên trang bị cho con phương pháp học tập và kỹ năng sống hơn là kiến thức.
Để giải quyết vấn đề học thêm, dạy thêm, phụ huynh cần thay đổi trước. Hãy tập trung vào việc phát triển toàn diện cho con, thay vì chỉ chạy theo thành tích ảo, để các em có thể tự tin “mở mày mở mặt” bằng chính năng lực và phẩm chất của mình.