Thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói giải phóng cá tính, khẳng định bản lĩnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Bà là nhà thơ tiên phong đưa cá tính vào thơ, tạo nên sắc thái riêng khi viết về người phụ nữ, khác biệt so với các nhà thơ khác. Hình tượng người phụ nữ trong thơ bà luôn hiên ngang, bản lĩnh, không chìm trong bi lụy.
Người Phụ Nữ Với Số Phận Nhỏ Bé, Bất Hạnh
Trong thơ Xuân Hương, thân phận người phụ nữ thường nhỏ bé, long đong, sống trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ. Họ không có địa vị, dù tài giỏi vẫn không được coi trọng, công việc vất vả ít được cảm thông. Họ tài sắc nhưng cuộc đời lận đận, bé nhỏ trong xã hội.
Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
Bảy nổi, ba chìm với nước non
(Bánh trôi nước)
Xuân Hương không chỉ than cho người đàn bà mà còn nói lên nỗi đau của bản thân, phản kháng mạnh mẽ, gắn bó với số phận chung của phụ nữ trong xã hội cũ.
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng
Người phụ nữ trong thơ bà nói riêng và trong xã hội phong kiến nói chung đều có số phận bi đát. Ta càng hiểu thêm bối cảnh xã hội và trân trọng họ, những đóa hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Ta cảm thông sâu sắc cho số phận người phụ nữ Việt Nam xưa, chịu nhiều khổ cực, tủi nhục, hiu quạnh, tình duyên hẩm hiu.
Người Phụ Nữ Với Nỗi Đau Trong Đường Tình Duyên
Sống trong xã hội phong kiến coi thường phụ nữ, bị lễ giáo trói buộc, người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi. Họ không chỉ bất hạnh trong cuộc sống mà còn đau khổ trong tình duyên. Có lẽ vì hai lần làm lẽ ngắn ngủi, Hồ Xuân Hương rất hiểu và đồng cảm với phận của những người phụ nữ không may mắn. Bà dám tố cáo gay gắt xã hội phong kiến thối nát. Bà khắc họa thân phận khổ nhục của người làm lẽ, năm thì mười họa mới được gần chồng, làm mướn không công và để thỏa ham muốn nhục dục của bọn nhà giàu.
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.
Năm thì mười họa hay chăng chớ,
Một tháng đôi lần có cũng không,
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm
Cầm bằng làm mướn, mướn không công.
(Làm lẽ)
Nhà thơ nói về thân phận người làm lẽ nhưng đó cũng là cảnh ngộ của bà. Trong cuộc đời cũ, đau khổ là phần lớn dành cho phụ nữ và nỗi đau của họ bao giờ cũng chua xót, tái tê. Hồ Xuân Hương là nhà thơ của phụ nữ, bà thấu hiểu nỗi đau đó bằng kinh nghiệm cuộc đời và bằng tiếng thơ, chia sẻ với họ. Thơ Xuân Hương luôn là tiếng kêu xé lòng của những người con gái nhẹ dạ. Trong bài Không chồng mà chửa, nhà thơ lại viết về một cảnh ngộ của một người phụ nữ có mang với người yêu nhưng không được xã hội chấp nhận.
Cả nể cho nên hóa dở dang,
Nỗi niềm chàng có biết chăng chàng…
Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc,
Phận liễu sao đà nảy nét ngang.
Cái nghĩa trăm năm chàng nhớ chửa?
Mảnh tình một khối thiếp xin mang.
Quản bao miệng thế lời chênh lệch
Không có, nhưng mà có mới ngoan
Hồ Xuân Hương nhấn mạnh cái nghĩa, cái trách nhiệm của người đàn ông vô tâm và đứng về phía cô gái, dùng một ý của câu ca dao:
Không chồng mà chửa mới ngoan
Có chồng mà chửa thế gian sự thường
Không chỉ cảm thông với thân phận của người làm lẽ, người phụ nữ không chồng mà chửa mà Hồ Xuân Hương còn muốn an ủi những người phụ nữ mất chồng, muốn dịu dàng với họ, để cho họ khuây khỏa nỗi đau và dìu họ trở lại với cuộc sống bình thường:
Văng vẳng tai nghe tiếng khóc chồng
Nín đi kẻo thẹn với non sông
(Dỗ người đàn bà khóc chồng)
Lúc thì đùa nghịch nhưng rất thân tình:
Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì
Thương chồng nên mới khóc tì ti…
(Bỡn bà lang khóc chồng)
Trong văn học phong kiến hiếm có nhà thơ nào độc đáo mà nhân tình đến thế. Từ sự ý thức sâu sắc về giá trị của người phụ nữ và cảnh ngộ ngang trái của họ trong xã hội phong kiến, Hồ Xuân Hương đã trở thành một nhà thơ chống đối phong kiến quyết liệt, đả kích gay gắt những kẻ đại diện cho giai cấp thống trị cùng những gì chà đạp con người. Đọc thơ bà, người đọc có cảm giác người phụ nữ trong thơ Xuân Hương gần như chưa một lần nhận diện được hạnh phúc.
Người Phụ Nữ Phê Phán, Đả Kích Giai Cấp Phong Kiến Thống Trị
Hồ Xuân Hương là một nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa, vì thơ bà là tiếng nói tâm tình của phụ nữ, những người phụ nữ bình thường, lao động có nhiều bất hạnh trong cuộc sống. Trong xã hội lúc bấy giờ, phụ nữ là người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Họ không chỉ bị áp bức về mặt giai cấp mà còn bị áp bức về mặt giới tính. Tuy nhiên, họ không lặng câm mà vẫn nói, vẫn kêu, vẫn đòi hỏi. Hồ Xuân Hương với thân phận nữ nhi, mắng nhẹ mà đau vô kể:
Hồng hồng má phấn duyên vì cậy
Chúa dấu yêu vua một cái này
Hồ Xuân Hương châm biếm, đã kích từ vua đến quan, nhưng nhiều nhất là bọn “hiền nhân quân tử”, bọn mô phạm phong kiến. Đối với “quân tử”, Xuân Hương không chỉ chôn chân chúng trước bức tranh thiếu nữ ngủ ngày, mà còn bắt chúng “mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo” lên đèo Ba Dội. Bên cạnh những “hiền nhân quân tử” là đám nho sĩ dốt nát lại còn huênh hoang. Xuân Hương gọi chúng là “phường lòi tói”, là “lũ ngẩn ngơ”, xưng chị và đòi dạy chúng làm thơ:
Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ?
Lại đây cho chị dạy làm thơ
Không những thế, hàng ngũ đại diện cho Nho giáo bà cũng không bỏ qua:
Khen thay con tạo khéo khôn phàm
(Hang Thánh Hóa)
Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc
(hang Cắc Cớ)
Qua thơ Xuân Hương ta thấy cả một xã hội phong kiến thời bà bị chế giễu, đả kích. Bà dùng tiếng cười, thông qua yếu tố tục, xoáy vào đời sống bản năng của giai cấp thống trị để từ đó đả kích, tố cáo thói đạo đức giả của chúng. Nhưng thơ Xuân Hương đâu chỉ biết cười, mà đọc thơ bà ta nghe như có tiếng nấc bên trong.
Vẻ Đẹp Của Hình Tượng Người Phụ Nữ Trong Thơ Hồ Xuân Hương
Viết về người phụ nữ, Hồ Xuân Hương có những bài thơ bày tỏ niềm kiêu hãnh về vẻ đẹp hình thức, vẻ đẹp tâm hồn và vẻ đẹp của tài năng, trí tuệ.
Vẻ đẹp hình thức
Người phụ nữ trong văn học giai đoạn này xuất hiện không còn cái khép nép. Hồ Xuân Hương sáng tác trong bối cảnh ấy, với tính cách và cảnh ngộ riêng của mình, nhà thơ viết rất nhiều về phụ nữ, nữ thi sĩ xứng đáng là nhà thơ của phụ nữ. Điều này càng được làm rõ hơn qua bài thơ “Đề tranh tố nữ”:
Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình
Chị cũng xinh mà em cũng xinh
Đôi lứa như in tờ giấy trắng.
Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh.
Xiếu mai chi dám tình trăng gió,
Bồ liễu thôi đành phận mỏng manh,
Còn thú vui kia sao chẳng vẽ,
Trách người thợ vẽ khéo vô tình
Trong thời buổi suy tàn của xã hội phong kiến, con người bị chà đạp, nhà thơ giữ cho mình nguyên vẹn cặp mắt trong veo để nhìn người, nhìn đời, để thấy hết mọi giá trị đẹp của con người. Cũng vì thế mà thơ Xuân Hương có giá trị nhân đạo sâu sắc.
Vẻ đẹp tâm hồn.
Từ những tiếng nói cảm thông ấy, Xuân Hương còn lên tiếng đề cao ca ngợi họ, tìm thấy vẻ đẹp thực sự chân chính ở họ. Trong một loạt hình tượng nói về số phận bấp bênh, hẩm hiu của người phụ nữ như “chiếc bánh trôi” “bảy nổi ba chìm”; hay quả mít “vỏ nó xù xì”; con ốc nhồi “đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi”… nhà thơ luôn chú trọng nêu bật cái đẹp bên trong, cái đẹp tâm hồn của họ. Quả mít tuy “vỏ nó xù xì” nhưng “múi nó dày”. Trong bài Bánh trôi nước, nhà thơ đã ca ngợi, đề cao, trân trọng phẩm chất kiên trinh của người phụ nữ. Dù sống trong hoàn cảnh nào họ cũng giữ được tấm lòng son sắt:
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son
(Bánh trôi nước)
Mặc dù, số phận người phụ nữ không được định đoạt, lênh đênh giữa cuộc đời nhưng họ không cam chịu, họ vẫn giữ sự thủy chung, son sắt, bất biến với tình yêu. Một lời nói thể hiện niềm tự hào về phẩm chất thủy chung của người phụ nữ.
Bài Mời trầu lại là cái nhìn về vẻ đẹp của khát vọng sống.
Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương mới quệt rồi.
Có phải duyên nhau thì thắm lại,
Ðừng xanh như lá, bạc như vôi.
Giống như bao cô gái khác, Xuân Hương cũng khao khát có một tình yêu bền chặt, nồng cháy. Nàng cũng muốn mở lòng mình ra để đón lấy tình yêu nồng thắm từ người bạn đời tri âm tri kỉ, đón những hương sắc của cuộc đời. Xuân Hương hồi hộp chờ đợi. Nhưng rồi năm tháng trôi qua, những mùa xuân đi không trở lại, nhà thơ dần dần nhận ra cái bạc bẽo của con người và cuộc đời, cái hẩm hiu của số phận.
Vẻ đẹp của tài năng, trí tuệ
Có thể nói rằng, trong cái xã hội phong kiến “trọng nam khinh nữ”như vậy, Xuân Hương vẫn dám khẳng định tài năng, trí tuệ hơn người của mình.
Hay trong bài Ðề đền Sầm Nghi Ðống, tác giả đã thể hiện được sự tự ý thức về mình, thể hiện được tài năng của người phụ nữ.
Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo
Kìa đền thái thú đứng cheo leo
Ví đây đổi phận làm trai được.
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu.
Qua đây, ta cũng hiểu thêm ít nhiều về người phụ nữ xưa, không chỉ đẹp về hình thể mà họ còn là những con người có đầy tài năng.
Đến với thơ Hồ Xuân Hương, người đọc càng thấu rõ khát vọng hạnh phúc cũng như sự tự ý thức về phẩm giá của bà, cũng là của người phụ nữ trong xã hội cũ. Càng nếm trải nhiều nỗi bất hạnh, đa đoan, nhà thơ càng khát khao hạnh phúc, khát khao được đánh giá đúng giá trị của mình. Mời trầu và Bánh trôi nước là hai bài thơ chứng minh rõ điều ấy. Người phụ nữ tài hoa và đa cảm ấy luôn khắc khoải một khát vọng về tình yêu thắm ngọt, thủy chung. Với Hồ Xuân Hương, tình yêu luôn gắn với tình duyên. Đó phải chăng là phẩm chất muôn đời của phụ nữ Việt. Họ luôn tìm kiếm bến bờ bền vững để neo đậu tình yêu. Họ sợ vô cùng sự bạc bẻo, bội ước của những đấng nam nhi. Và dù cho cuộc đời này gió dập sóng dồi, dù cho thân phận chìm nổi lênh đênh, họ vẫn luôn kiêu hãnh, gìn giữ một trái tim son sắt thuỷ chung.