Những câu hát về ước mơ trở về tuổi thơ cứ văng vẳng trong tâm trí khi tôi bắt đầu khám phá thế giới trong cuốn sách “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ”. Cuốn sách mở ra một hành trình khám phá nội tâm đầy cảm xúc, một cuộc đối thoại sâu sắc về những ảnh hưởng của tuổi thơ lên cuộc sống trưởng thành.
Cảm giác khi đọc cuốn sách này giống như việc bóc từng lớp vỏ của một củ hành tây. Để chạm đến trái tim, ta phải đi qua từng lớp vỏ, đối diện với những cảm xúc cay xè, những nỗi đau tiềm ẩn.
Mỗi con người là một câu chuyện, và việc kể lại những câu chuyện ấy không hề dễ dàng. Cuốn sách như một căn phòng thiếu ánh sáng, đòi hỏi sự can đảm để bước vào và khám phá. Mỗi bước đi là một câu chuyện được kể, về những đứa trẻ chưa kịp lớn đã phải đối mặt với bão tố cuộc đời. Mỗi nhân vật là một sự đối lập, một mâu thuẫn, khiến ta muốn dang tay ôm lấy họ. Họ đã phải gánh vác quá nhiều, trưởng thành quá sớm.
Mạch truyện lúc gấp gáp, lúc chậm rãi, lúc cuồng giận, lúc thờ ơ đến lạ. Mỗi cung bậc cảm xúc lại khơi gợi trong tôi mong muốn được sẻ chia, được đồng cảm với những nhân vật ấy. Nỗi đau mà họ gánh chịu thường bắt nguồn từ gia đình. Điều khiến tôi trăn trở là liệu những người cha, người mẹ ấy có phải cũng đã bị buộc phải trưởng thành quá sớm? Phải chăng sự nóng giận và áp đặt của họ cũng là sự tiếp nối từ những thế hệ trước? Liệu họ có yêu thương con mình, chỉ là không biết cách thể hiện? Và những người trẻ này, liệu họ sẽ đi về đâu trong tương lai?
Những trang sách là tiếng lòng của những người trẻ khi họ có cơ hội giãi bày qua con chữ. Không che giấu, không tô vẽ, họ hiện lên với những sắc thái đa dạng, những hoàn cảnh khác nhau. Thế nhưng, đâu đó trên con đường trưởng thành, họ lại gặp nhau, chia sẻ và giãi bày câu chuyện riêng. Tôi thực sự muốn được ủi an và ở bên cạnh họ, để họ biết rằng sự tồn tại của họ luôn có ý nghĩa và họ không hề đơn độc.
Hành trình cùng tác giả còn hé lộ hình ảnh những đứa trẻ “nhầm vai”, khao khát được nâng đỡ nhưng lại phải dìu dắt cha mẹ. Bởi chính người lớn cũng là hệ quả của những sang chấn tâm lý “hậu tuổi thơ”. Đó là Đan, cậu con trai phải làm chỗ dựa tinh thần cho mẹ, trong khi chính cậu cũng chênh vênh vì một tuổi thơ được nuông chiều quá mức. Hay Li, cô gái với thành tích học tập xuất sắc, hai bằng đại học ở Mỹ, tự nhận mình là một “cỗ xe tăng” nhưng không hề hạnh phúc. Nỗ lực của cô xuất phát từ việc tự “giao cho mình trách nhiệm bù đắp cho sự bất hạnh của mẹ”. Có lẽ nhiều người trẻ sẽ thấy hình bóng mình trong phần “Trong ngục tù của tình yêu”, câu chuyện về những người trẻ bị kiểm soát từ nhỏ, không thể theo đuổi ước mơ vì phải sống theo định hướng của người khác. Hải Như mong muốn học vẽ, nhưng bị gia đình phản đối kịch liệt. Hương đam mê nhạc điện tử, nhưng bị ép theo đuổi con đường hàn lâm đến mức trầm cảm.
Vậy làm thế nào để chữa lành những “vết thương hậu tuổi thơ”? Đây là một câu hỏi khó, nhưng có lẽ cần đến sự thấu cảm từ cả cha mẹ và con cái. Đọc “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ”, người đọc được lắng nghe câu chuyện từ cả hai phía, người trẻ và cha mẹ của họ. Qua những phân tích chuyên môn về các khía cạnh tâm lý sâu xa, người đọc và nhân vật sẽ tìm thấy những lối thoát để chữa lành. Đó là học cách mở lòng, đối diện với nỗi đau, rộng lượng hơn với mọi người và yêu thương bản thân.
Tôi luôn bị cuốn hút bởi những cuốn sách của tác giả Đặng Hoàng Giang. Đến với cuốn sách này sau khi đã đọc những tác phẩm trước, tôi trân trọng sự quan tâm sâu sắc, nỗ lực và cần mẫn của tác giả khi dành thời gian tiếp cận, trò chuyện và đồng hành cùng nhân vật, cũng như viết nên cuốn sách này.
Đặng Hoàng Giang là một cây viết nghị luận xã hội đầy lôi cuốn. Những trang viết của ông hiện ra với nhiều gam màu đối lập, nhắc nhở ta hãy sống ở thực tại, nhìn ra thế giới, sử dụng trí óc và sự tò mò để soi mình vào các vấn đề xã hội, và sống với “tình người” hơn. Hay đơn giản hơn, những trang viết của ông là lời giục giã “hãy sống” và “hãy mở rộng lòng mình” nhiều hơn.