Tình yêu, nguồn cảm hứng vô tận của thi ca, được Xuân Quỳnh khắc họa bằng những cung bậc cảm xúc chân thành và cháy bỏng trong bài thơ “Sóng”. Không gò bó trong khuôn khổ của nhiệm vụ cách mạng, nữ thi sĩ dũng cảm khám phá những góc khuất sâu kín của tâm hồn, nơi tình yêu trỗi dậy mạnh mẽ và đầy khát khao.
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nưóc
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức!
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng vỗ
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tinh yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
Bài thơ “Sóng” ra đời năm 1967, thời điểm mà thơ ca tình yêu cá nhân còn khá hiếm hoi. Xuân Quỳnh đã dũng cảm phá vỡ những rào cản, thể hiện một tình yêu nồng nàn, mãnh liệt, luôn khao khát tìm kiếm sự rõ ràng và cụ thể.
Trong thơ Xuân Quỳnh, tình yêu không chỉ là cảm xúc đơn thuần mà còn là sự trăn trở, suy tư. Nữ thi sĩ không ngần ngại bộc lộ những băn khoăn, day dứt trong lòng:
“Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức!”
Cái sức mạnh của tình yêu đã cuốn con người vào thế giới thần tiên, thơ mộng. Tất cả những lo toan, tính toán, những phức tạp, rắc rối trên cõi đời đều nhường chỗ cho ước mơ, cho khát vọng đắm say trong lòng người. Tất cả những gì tồn tại bên ngoài đều chốn hết, xua hết ra ngoài ý tưởng. Khẳng định nỗi lòng, nhà thơ đưa ra trạng thái “trong mơ còn thức” đề thuyết phục.
Trạng thái bồn chồn, xao xuyến, bứt rứt như cắn xé, cào cấu, như giục giã lòng người. Người con trai đứng ngồi không yên thì ở đây Xuân Quỳnh lại ngủ, thức không yên.
Chính vì lẽ đó mà mờ đầu bài thơ nhà thơ cũng nói lên cái tâm trạng băn khoăn, trạng thái không ổn định trong tâm hồn mình:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Hai trạng thái tâm lí ngược nhau lại được dồn trong một ngữ cảnh cụ thể hơn là trong một người, ở cùng một lúc dĩ nhiên nói “ dữ dội”, “ồn ào”, “lặng lẽ” là nói về sóng nhưng trong bài thơ này sóng là em, và em là sóng: Hai câu này hoà lẫn trong nhau, quyện vào nhau.
Để rồi, từ những trăn trở ấy, Xuân Quỳnh đặt ra những câu hỏi về cội nguồn của tình yêu:
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau?
Những câu hỏi ấy không có lời giải đáp, bởi tình yêu vốn dĩ là một điều bí ẩn, vượt ra ngoài mọi lý lẽ thông thường. Tình yêu đến một cách tự nhiên, bất ngờ, và chiếm trọn trái tim người ta lúc nào không hay.
Tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh không giản đơn. Yêu thương cháy bỏng, nồng say nhưng không vì thế mà hời hợt.
Điệp từ “em nghĩ” nhắc đi nhắc lại càng làm rõ hơn sự suy nghĩ trong lòng người. “Em nghĩ” có nghĩa là em đã thao thức, đã lo lắng, đã đặt ra nhiều câu hỏi… chứ không phải em chỉ quen bồng bềnh, quen si mê, đến chỉ yêu và đơn thuần là yêu.
Tình yêu thường đồng hành với nỗi nhớ, sự mong đợi, vì lẽ đó mà trong thơ Xuân Quỳnh điều đó cũng thể hiện khá rõ. Yêu cuồng nhiệt thì nhớ cũng nát tan. Nỗi nhớ cứ dồn lên tầng tầng, lớp lớp như từng đợt sóng:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Khổ thơ được viết theo thể tăng dần, cảm xúc trong thơ được hun nóng đến tận cùng dào dạt, nóng bỏng.
Trong tình yêu Xuân Quỳnh yêu hết mình. Yêu cuồng nhiệt, đắm say, cháy bỏng, nồng nàn. Nhà thơ tha thiết tắm mình trong nguồn cảm hứng vô tận này.
Càng đến cuối bài thơ Xuân Quỳnh càng tỏ ra mình là một con người sâu sắc thuỷ chung. Tình yêu của Xuân Quỳnh là tình yêu từ hai phía, ở đây, nhân vật trữ tình đã có đối tượng để hướng tới chứ không vu vơ.
Đến đây, câu thơ “Dẫu xuôi về phương bắc, dẫu ngược về phương nam, nơi nào em cũng nghĩ hướng về anh – một phương” vang lên như một lời khẳng định về sự thủy chung, son sắt trong tình yêu. Dù cho cuộc đời có bao nhiêu thử thách, dù cho khoảng cách có xa xôi đến đâu, trái tim em vẫn luôn hướng về anh, về một phương duy nhất.
Câu thơ như một lời khẳng định rắn rỏi, mạnh mẽ, dứt khoát, rõ ràng. Khổ thơ đặt ra nhiều thử thách, nhiều cách trờ nhưng cũng đưa ra được sự quyết tâm của con người. Tình yêu sẽ chiến thắng tất cả, nếu như đó là tình yêu chân thật, thuỷ chung. Lời thơ vang lên như một lời thề nguyện đọc lên cứ rưng rưng xúc động.
Dường như để khẳng định thêm cho lời nói của mình nhà thơ đã đưa ra hàng loạt các dẫn chứng về thiên nhiên, tạo vật. Tất cả rồi sẽ chiến thắng nếu có sự kiên nhẫn, có sức mạnh. Mọi vật rồi sẽ bị chinh phục nếu con người có ý chí, quyết tâm:
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng vỗ
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa.
Cuối cùng, khát vọng về một tình yêu vĩnh cửu, bất diệt được thể hiện qua ước muốn:
Làm sao tan được ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm sóng vỗ.
Khổ thơ kết là một ước muốn khôn cùng. Không có tình yêu cuộc sống tha thiết, không có sự đam mê đến tột cùng, không có sự thuỷ chung làm sao có được những câu thơ như vậy.
Bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh là một khúc ca tình yêu đầy rung động, lay động trái tim của bao thế hệ độc giả. Đó là một tình yêu nồng nàn, mãnh liệt, nhưng cũng đầy trăn trở và suy tư. Đặc biệt, câu thơ “Dẫu xuôi về phương bắc, dẫu ngược về phương nam, nơi nào em cũng nghĩ hướng về anh – một phương” đã trở thành một biểu tượng cho sự thủy chung, son sắt trong tình yêu, là lời hứa hẹn vĩnh cửu của những trái tim yêu nhau.