Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân không chỉ là một bài thơ, mà còn là một tượng đài sừng sững về người lính Việt Nam trong cuộc kháng chiến. Bài thơ khắc họa chân dung người chiến sĩ một cách chân thực và đầy cảm xúc, khơi gợi lòng tự hào dân tộc sâu sắc.
Bức tranh mở đầu bài thơ vẽ nên hình ảnh người chiến sĩ kiên cường, bất khuất trên chiến trường ác liệt:
Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.
Dù ngã xuống, người chiến sĩ vẫn gượng dậy, tì súng vào xác trực thăng, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Hình ảnh “máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng” là một sự hy sinh cao cả, một vẻ đẹp bi tráng.
Sự hy sinh dũng cảm của anh đã gây nên sự kinh hoàng cho quân địch:
Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng
Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công
Sức mạnh tinh thần và lòng dũng cảm của người chiến sĩ đã lan tỏa, khiến quân giặc khiếp sợ. Dù đã hy sinh, nhưng tinh thần chiến đấu của anh vẫn tiếp tục thôi thúc đồng đội tiến lên, giành chiến thắng.
Tác giả đã khắc họa thành công hình tượng người lính giải phóng quân kiên trung, bất khuất. Dù đất nước có đổi mới và phát triển, lịch sử vẫn sẽ mãi ghi nhớ tên anh, những người anh hùng thầm lặng. Dẫu lúc hy sinh, họ chỉ để lại vỏn vẹn một đôi dép nhưng đó cũng chính là sự phi thường, kiệt xuất của người lính được hiện thực hoá trong những điều bình dị, giản đơn.
Những người lính ấy đã tạo nên dáng đứng oai hùng của Việt Nam:
Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng
Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường
Hình ảnh người lính đứng lặng im như bức thành đồng, đôi dép giản dị mà kiên cường, tất cả tạo nên một dáng đứng Việt Nam bất khuất, hiên ngang. Sự hy sinh của anh đã tạo nên dáng đứng oai hùng, là mốc son chói lọi đánh dấu thời kì đổi mới của tổ quốc.
Lê Anh Xuân đã sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu cảm xúc để khắc họa rõ nét hình tượng người chiến sĩ Việt Nam kiên trung, anh dũng, một dáng đứng lừng lẫy muôn đời. Bài thơ Dáng đứng Việt Nam sẽ mãi là một phần không thể thiếu trong văn học Việt Nam, là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ sau.