Chức Năng Văn Học: Từ Nhận Thức, Giáo Dục Đến Thẩm Mỹ và Giải Trí

Chức Năng Văn Học là vai trò và vị trí của văn học trong đời sống xã hội, là tác dụng và giá trị xã hội của văn học đối với đời sống tinh thần của con người. Văn học là một hiện tượng đa chức năng, với các chức năng gắn bó hữu cơ và không thể tách rời. Sự gắn bó này tạo nên sức tác động sâu xa, bền bỉ và lâu dài của văn học trong đời sống tinh thần. Khi nói đến chức năng của văn học, chúng ta đề cập đến mục đích sáng tác và câu hỏi “viết để làm gì?”.

1. Chức năng nhận thức

Văn học có chức năng khám phá những quy luật khách quan của đời sống xã hội và đời sống tâm hồn con người. Tác phẩm văn học là quá trình nhà văn khám phá và lý giải hiện thực, sau đó phản ánh vào tác phẩm. Mỗi nhà văn đều gắn liền với một thời đại nhất định, do đó văn chương trở thành tiếng nói của thời đại, phản ánh hiện thực đời sống, đạo đức xã hội và thậm chí phơi bày những mặt trái để góp phần cải tạo xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà có người cho rằng văn học có khả năng cung cấp tri thức bách khoa về đời sống, ví von “Văn học là cuốn sách giáo khoa của đời sống”.

Văn học đáp ứng nhu cầu hiểu biết về thế giới xung quanh và chính bản thân mình. Nó thể hiện một cách tinh tế và sắc sảo từng đổi thay, từng bước vận động của xã hội, tựa như “chiếc chìa khóa vàng mở ra muôn cánh cửa bí ẩn, đưa con người tới ngưỡng cửa mới của sự hiểu biết thế giới xung quanh”.

Văn học có thể đem đến những nhận thức, hiểu biết sâu rộng cho con người về nhiều mặt của cuộc sống ở:

  • Không gian khác nhau: tri thức về các quốc gia, vùng miền, xứ sở… khác nhau.
  • Thời gian khác nhau: quá khứ, hiện tại, tương lai.
  • Lĩnh vực phong phú: văn học, lịch sử, địa lí, văn hóa…
  • Bản chất con người: tư tưởng, tình cảm, khát vọng, sức mạnh, mục đích tồn tại, giúp con người mài sắc cảm giác, biết phân biệt thật giả, cảm nhận tinh tế sự phong phú của thế giới cảm tính, phát hiện cái chung, cái bản chất, cái mới lạ, sâu xa qua cái ngẫu nhiên cá biệt, cái quen thuộc, cái bình thường.

Tác phẩm văn học đem tới cho người đọc những kiến thức xã hội phong phú. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của nhà văn không chỉ dừng lại ở đó. Văn học giúp người đọc từ chỗ nhận thức về con người, về cuộc sống rồi tự nhận thức được chính mình, khám phá được giá trị và năng lực vô tận để phấn đấu, sáng tạo.

2. Chức năng giáo dục

Giá trị giáo dục của văn học xuất phát từ nhu cầu hướng thiện của con người, thường được xem là giáo dục đạo đức, phẩm chất. Ngay từ thời cổ đại Hi Lạp, Aristot đã đưa ra phạm trù thanh lọc, cho rằng việc xem kịch và khóc có thể giúp con người trở nên trong sạch và cao thượng hơn. Nhà mỹ học Lessing của Đức cho rằng “Nghệ thuật là hình thái đặc trưng, hình thành từ những tìm tòi, khám phá của người nghệ sĩ về hiện thực đời sống. Nghệ thuật mang đến cái nhìn toàn diện và đầy đủ hơn về xã hội, thể hiện những quan điểm của người nghệ sĩ, từ đó tác động mạnh mẽ đến nhận thức, tình cảm, cảm xúc của người tiếp nhận. Chính vì vậy, nghệ thuật luôn ẩn chứa sử mệnh cao cả và thiêng liêng, góp phần làm đẹp cho cuộc đời”. Tố Hữu từng phát biểu: “Nghệ thuật là câu trả lời đầy thẩm mĩ cho con người; thay đổi, cải thiện thế giới tinh thần của con người, nâng con người lên”. Còn Nguyên Ngọc thì khẳng định: “Nghệ thuật là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính người cho con người”.

Văn học bồi đắp, định hướng tư tưởng, tình cảm và thanh lọc tâm hồn con người, giáo dục về:

  • Tư tưởng: giúp con người lựa chọn những giá trị sống tích cực, đẹp đẽ như lòng yêu nước, lòng nhân ái, lý tưởng sống cao đẹp…
  • Tình cảm: giúp con người biết yêu, ghét, vui, buồn đúng đắn, có tâm hồn trong sáng, cao thượng.
  • Đạo đức: nâng đỡ nhân cách con người khi giúp họ biết phân biệt đúng sai, phải trái, tốt xấu, từ đó hình thành mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người.

Mỗi tác phẩm văn học chân chính đều là một lời đề nghị về lẽ sống để con người tự rèn luyện bản thân ngày càng tốt đẹp hơn.

Giáo dục về đạo đức, phẩm chất trong văn học diễn ra qua cuộc đối thoại giữa tác giả và người đọc, được gợi mở qua hệ thống hình tượng nghệ thuật độc đáo và cảm xúc mãnh liệt của nhà văn. Vì thế, chức năng giáo dục của văn học không khô khan, giáo điều mà sinh động, đầy sức thuyết phục, không phải ngay lập tức mà ngấm dần, thấm sâu, có giá trị lâu bền, gợi được những suy nghĩ sâu xa của con người về cuộc đời.

Văn học có khả năng giáo dục và nhân đạo hóa con người, giúp con người hoàn thiện bản thân và có những hành động thiết thực để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

3. Chức năng thẩm mỹ

Nghệ thuật sáng tạo trên nguyên tắc cái đẹp, vì thế không thể thoát khỏi quy luật của cái đẹp. Giá trị thẩm mĩ xuất phát từ nhu cầu cảm thụ và thưởng thức cái đẹp của con người. “Cái đẹp là điều kiện không thể thiếu được của nghệ thuật, nếu thiếu cái đẹp thì không và không thể có nghệ thuật”.

Chức năng thẩm mĩ của văn học được thể hiện rõ trên hai bình diện:

  • Nhà văn khám phá và thể hiện cái đẹp để thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ, khơi dậy những khoái cảm nghệ thuật ở bạn đọc: Cái đẹp mà văn học mang tới là cái đẹp của cuộc đời, như: cảnh thiên nhiên, tạo vật; vẻ đẹp của cảnh đời cụ thể; vẻ đẹp hào hùng của chiến trận; vẻ đẹp của tình đời, tình người; vẻ đẹp của một con người, dân tộc… Đặc biệt, văn học có thể khám phá và thể hiện những vẻ đẹp ấy từ hình thức bên ngoài đến bản chất bên trong của đời sống, con người. Ngoài ra, cái đẹp trong tác phẩm văn học còn có thể được thể hiện qua hình thức nghệ thuật của tác phẩm như nghệ thuật xây dựng hình tượng, nghệ thuật sử dụng ngôn từ, hình ảnh, kết cấu…
  • Văn học giúp hình thành thị hiếu, lí tưởng thẩm mĩ, đánh thức bản chất nghệ sĩ và cảm hứng sáng tạo của con người. Thị hiếu là năng lực định giá thẩm mĩ (năng lực nhận biết, đánh giá cái đẹp). Nó giúp con người có khả năng phân biệt cái đẹp, cái xấu; cái thẩm mĩ với cái phi thẩm mĩ, nhận ra nét bi và hài trong các sự vật và hiện tượng, làm giàu kho kinh nghiệm thẩm mĩ, mài sắc các giác quan thẩm mĩ. Thường xuyên tiếp xúc với văn học nghệ thuật, ta sẽ thành người sành sỏi, tinh tế, nhạy bén, có chuẩn mực đánh giá riêng để phân biệt cái đẹp và không đẹp trong văn học và trong cuộc sống quanh ta. Từ đó, đánh thức bản chất nghệ sĩ và niềm say mê sáng tạo trong mỗi cá nhân.

4. Chức năng giao tiếp

Giao tiếp là sự giao lưu, thông báo, trao đổi, bao gồm người nói, người nghe, người gửi, người nhận và phương tiện liên hệ. Trong sáng tác, người viết muốn giãi bày, chia sẻ, cần nói ra, không nói ra không được. Sống cần phải giao tiếp, nếu không giao tiếp có nghĩa là không sống. Vì thế, con người sử dụng nghệ thuật như một con đường quan trọng để giao lưu với nhau, tương tự như cây cối cần giao lưu với không khí và ánh sáng mặt trời. Sáng tác đầu tiên là muốn giãi bày, mang những tâm tư trăn trở của nhà văn tác động vào người khác, gợi sự chia sẻ, đồng cảm, hoặc trở thành “tiếng nói đồng ý, đồng tình” (Tố Hữu), thành sợi dây liên kết, tiếng kèn tập hợp. Lúc đó, nó không chỉ là hoạt động của một người hướng đến một người mà trở thành hoạt động giao tiếp rộng rãi của mọi người.

Trong hoạt động giao tiếp này, nhà văn không chỉ đơn thuần là người đưa tin, mà tác phẩm văn học còn chứa đựng tư tưởng, tình cảm và mang khuynh hướng xã hội rõ nét. Tác phẩm văn học không đơn thuần là thông báo sự kiện, tri thức mà thể hiện thái độ của con người trước cuộc sống, những suy nghĩ của con người trước cuộc sống. Tác phẩm văn học đưa con người xích lại gần nhau không phải bằng không gian, thời gian mà bằng tình cảm, tinh thần. Tác phẩm nghệ thuật nối liền tác giả – người đọc, người đọc xích lại gần nhau hơn: họ quen nhau, hiểu nhau qua giao tiếp bằng tác phẩm nghệ thuật. Đặc biệt, nhờ nghệ thuật, con người có thể giao lưu cả quá khứ – hiện tại – tương lai, mang tiếng nói của dân tộc này đến dân tộc khác, thế hệ trước đến thế hệ sau; nó khắc phục khoảng cách về không gian và thời gian, đem lại sự giao tiếp nhiều chiều, đem con người trở nên gần nhau hơn.

“Chừng nào tâm hồn một con người cần đến với một tâm hồn khác, chừng đó tác phẩm nghệ thuật còn cần thiết cho con người” (Dêgơcx ).

5. Chức năng giải trí

Bên cạnh chức năng giao tiếp, văn học còn là nơi để chúng ta giải trí, nhưng đây không phải là giải trí thông thường mà là sự giải trí có tính nghệ thuật, nhẹ nhàng, thanh cao và trong sáng. Sự giải trí trong văn học không những giúp chúng ta giải tỏa bớt sự căng thẳng mệt nhọc, đem lại phút giây thư giãn mà khi đắm mình trong không gian nghệ thuật ấy, văn học thanh lọc tâm hồn và cung cấp thêm những hiểu biết về cuộc sống, xã hội, học tập,… Văn học đã đem đến cho nhân loại chúng ta một cách nghỉ ngơi khá lí thú, như Ranh Gamzatop đã từng nói nó vừa là nơi nghỉ ngơi vừa là cuộc hành trình khiến ta hứng thú. Chính vì vậy, giải trí bằng văn học vừa mang lại niềm vui phấn khích, vừa làm cho con người trở nên có văn hóa hơn, hiểu và sáng yêu hơn.

Những chức năng của văn học không tồn tại tách rời mà gắn bó chặt chẽ với nhau, làm tốt chức năng này thì đồng thời cũng tạo điều kiện để các chức năng khác phát huy tác dụng. Toàn bộ các chức năng của văn học luôn tác động qua lại với nhau, luôn tồn tại trong mối quan hệ chuyển hóa nhân quả, và tùy theo điều kiện lịch sử cụ thể của sự phát triển văn học ở các thời đại khác nhau, các dân tộc khác nhau, mối tương quan và trọng tâm của các chức năng cũng thay đổi. Điều đó đòi hỏi khi xem xét chức năng của văn học phải có quan điểm lịch sử đúng đắn.

Comments

No comments yet. Why don’t you start the discussion?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *