Tác phẩm “Chiếc Lược Ngà” của Nguyễn Quang Sáng là một câu chuyện cảm động về tình cha con sâu sắc trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt. Chiếc lược ngà, biểu tượng của tình yêu thương và sự hối hận, đã trở thành một phần không thể thiếu trong chương trình Ngữ Văn lớp 9, gợi lên những suy ngẫm về giá trị gia đình và sự hy sinh.
Mỗi lần nhìn thấy cây lược ngà nhỏ ấy, người kể chuyện lại băn khoăn và ngậm ngùi. Chứng kiến bao cuộc chia tay trong cuộc đời kháng chiến, nhưng chưa bao giờ ông xúc động như lần chia tay của cha con ông Sáu.
Trong những ngày hòa bình vừa lập lại, ông cùng Sáu về thăm quê. Lúc đi kháng chiến, con gái đầu lòng của Sáu chưa đầy một tuổi. Suốt mấy năm, chị Sáu có đến thăm anh vài lần nhưng không dám đưa con qua rừng vì đường sá nguy hiểm.
Về đến quê, cái tình người cha cứ nôn nao trong người anh. Thấy một đứa bé độ tám tuổi đang chơi nhà chòi dưới bóng cây xoài, đoán là con, anh vội vàng bước tới kêu to:
– Thu! Con.
Con bé giật mình, tròn mắt nhìn. Nó ngơ ngác, lạ lùng. Với vẻ mặt xúc động và hai tay đưa về phía trước, anh chầm chậm bước tới, giọng run run:
– Ba đây con!
Con bé thấy lạ quá, mặt nó bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên: “Má! Má!”. Anh đứng sững lại, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương.
Trong ba ngày ngắn ngủi ở nhà, con bé không kịp nhận ra anh là cha. Suốt ngày anh vỗ về con, nhưng con bé càng đẩy ra. Anh mong được nghe một tiếng “ba”, nhưng con bé không bao giờ chịu gọi.
Nghe mẹ nó bảo gọi ba vào ăn cơm thì nó bảo lại:
– Thì má cứ kêu đi.
Mẹ nó đâm nổi giận quơ đũa bếp dọa đánh, nó phải gọi nhưng lại nói trống:
– Vô ăn cơm!
Anh Sáu vẫn ngồi im, giả vờ không nghe, chờ nó gọi “Ba vô ăn cơm.”. Con bé cứ đứng trong bếp nói vọng ra:
– Cơm chín rồi!
Anh cũng không quay lại. Con bé bực quá, quay lại mẹ và bảo:
– Con kêu rồi mà người ta không nghe.
Anh quay lại nhìn con, vừa khe khẽ lắc đầu vừa cười. Có lẽ vì khổ tâm đến nỗi không khóc được, nên anh phải cười vậy thôi.
Trong bữa cơm đó, anh Sáu gắp một cái trứng cá to vàng để vào chén nó. Nó liền lấy đũa xoi vào chén, để đó rồi bất thần hất cái trứng ra, cơm văng tung toé cả mâm. Giận quá, anh vung tay đánh vào mông nó và hét lên:
– Sao mày cứng đầu quá vậy, hả?
Nó ngồi im, đầu cúi gằm xuống. Nghĩ thế nào, nó cầm đũa, gắp lại cái trứng cá để vào chén, rồi lặng lẽ đứng dậy, bước ra khỏi mâm. Xuống bến, nó nhảy xuống xuồng, mở lòi tói, cố làm cho dây lòi tói khua rồn rảng, rồi lấy dầm bơi qua sông. Nó sang nhà ngoại, méc với ngoại và khóc ở bên ấy.
Sáng hôm sau, đến lúc chia tay, anh Sáu mới đưa mắt nhìn con, thấy nó đứng trong góc nhà. Anh nhìn với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu.
– Thôi! Ba đi nghe con! – Anh Sáu khe khẽ nói.
Đến lúc ấy, tình cha con như bỗng nổi dậy trong người nó, nó bỗng kêu thét lên:
-Ba…a…a… ba!
Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay. Nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy tót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó.
Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó vừa nói trong tiếng khóc:
– Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con!
Ba nó bế nó lên. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa.
Sau đó, anh Sáu hi sinh trong một trận càn của quân Mỹ. Trong giờ phút cuối cùng, anh đưa tay vào túi, móc cây lược, đưa cho người đồng đội và nhìn một hồi lâu.
Cây lược ngà ấy chưa chải được mái tóc của con, nhưng nó như gỡ rối được phần nào tâm trạng của anh.
Câu chuyện “Chiếc Lược Ngà” không chỉ là một bài học về tình phụ tử thiêng liêng mà còn là lời nhắc nhở về những mất mát, hy sinh mà chiến tranh đã gây ra cho mỗi gia đình Việt Nam. Tác phẩm là một phần quan trọng trong chương trình Ngữ Văn lớp 9, giúp học sinh cảm nhận sâu sắc về giá trị của tình thân và lòng yêu nước.