Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cách mạng vĩ đại và nhà văn hóa lớn, đã kết hợp hài hòa tâm hồn của người chiến sĩ và thi sĩ. Sự hòa quyện này tạo nên “chất thép” và “chất tình” đặc trưng trong thơ ca của Người, mà tập thơ Nhật ký trong tù là minh chứng tiêu biểu.
Sau thời gian hoạt động ở nước ngoài, mùa xuân năm 1941, Nguyễn Ái Quốc trở về Việt Nam, trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Tháng 8 năm 1942, Người lên đường sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ. Trên đường đi, Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và trải qua 13 tháng tù đày, giam cầm tại gần 30 nhà giam thuộc 13 huyện tỉnh Quảng Tây. Trong thời gian này, Người đã sáng tác 133 bài thơ bằng chữ Hán, ghi lại trong cuốn sổ tay mang tên Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù).
Nhật ký trong tù là tiếng lòng của người tù. Mở đầu tập nhật ký, Bác viết:
Ngâm thơ ta vốn không ham
Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây?
Ngày dài ngâm ngợi cho khuây,
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.
Ngay từ bài thơ đầu tiên, ta đã thấy sự khác biệt ở người tù Hồ Chí Minh. Bị bắt giam nhưng Người vẫn khẳng định niềm tin vào ngày tự do và chọn làm thơ để thi vị hóa cuộc sống. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt “Một ngày tù bằng nghìn thu ở ngoài” và “Trên đời ngàn vạn điều cay đắng/ Cay đắng chi bằng mất tự do”, Người tự nhắc nhở mình phải sống kiên cường, lạc quan:
Thân thể ở trong lao,
Tinh thần ở ngoài lao;
Muốn nên sự nghiệp lớn,
Tinh thần càng phải cao.
(Nhật ký trong tù)
Chỉ có sự thấu hiểu sâu sắc về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng mới có thể tạo nên những vần thơ bi tráng, hào hùng và sâu lắng như vậy. Hồ Chí Minh đã thẩm thấu những quy luật của cuộc sống, của thời cuộc, của cách mạng, tin tưởng vào ngày vui sau khổ đau, vào ánh nắng sau cơn mưa và vào sự vùng lên của nhân dân: “Thà chết chẳng cam nô lệ mãi / Tung bay cờ nghĩa khắp trăm miền”.
Từ những vần thơ mở đầu, ta thấy được tinh thần “thép” của Hồ Chí Minh, bắt nguồn từ tâm hồn, ý chí của người chiến sĩ cách mạng, với trí tuệ và tầm hiểu biết sâu sắc về quy luật của đời người, của đất trời và của sự nghiệp cách mạng.
Đọc Nhật ký trong tù, ta còn bắt gặp “chất thép” ẩn sau những dòng thơ hóm hỉnh, hài hước. Người ví sợi dây trói mình với tua, đai trên người quan võ: “Rồng cuốn vòng quanh chân với tay/ Trông như quan võ cuốn tua vai/ Tua vai quan võ bằng kim tuyến/ Tua của ta là một cuộn gai”; ví tiếng xích va vào nhau như tiếng ngọc: “Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung”; coi những trói buộc như một cuộc ngao du: “Mặc dù bị trói chân tay / Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng / Vui say ai cấm ta đừng / Đường xa âu cũng bớt chừng quạnh hiu”; coi cai ngục như vệ sĩ: “Ăn cơm nhà nước, ở nhà công / Binh lính thay phiên đến hộ tòng”. Thậm chí, Người coi mình như thần tiên: “Mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới / Tỉnh ra trong ngục vẫn nằm trơ”.
Ẩn sau những vần thơ bình thường là “chất thép” mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất: “Tuy bị tình nghi là gián điệp / Mà như khanh tướng vẻ ung dung”. Từ những xiềng xích và khổ ải, người tù Hồ Chí Minh đã lên tiếng tố cáo tội ác của nhà tù Tưởng Giới Thạch.
Nhật ký trong tù còn cho thấy cuộc sống khổ ải của nhà thơ: bị giải đi giải lại qua nhiều nhà lao, cơm không no, áo không ấm, không khí ngột ngạt, bẩn thỉu, không được tắm giặt, ghẻ lở, ốm đau, thiếu thốn, răng rụng, tóc bạc, bị cùm xích, bị coi thường: “Lủng lẳng chân treo tựa giảo hình”; thậm chí đêm không được ngủ: “Ngồi trên hố xí đợi ngày mai”. Tuy vậy, Người vẫn ung dung tự tại, vượt lên, coi đó là thử thách, là môi trường tôi luyện: “Nghĩ mình trong bước gian truân/ Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng” hay “Gian nan rèn luyện mới thành công”. Đọc những bài thơ như Tự khuyên mình, Bốn tháng rồi, Dây trói, Hụt chân ngã, Ghẻ lở, Ốm nặng…, ta mới thấy được tinh thần, ý chí, nghị lực phi thường của Hồ Chí Minh, và hiểu được tấm lòng yêu nước thiết tha, luôn hướng về Tổ quốc, về nhân dân, về cách mạng.
Nhật ký trong tù không chỉ thể hiện “chất thép” của ngòi bút xung phong diệt quân thù, đối mặt với hiểm nguy, tin tưởng vào sự tất thắng: “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong” mà còn là tiếng lòng của tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu cảnh vật: “Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ/ Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không” hay “Núi cao rồi lại núi cao trập trùng”. Trăng là người bạn tri kỷ trong tâm hồn thi sĩ Hồ Chí Minh, đặc biệt trong tù, ánh trăng càng ngời lên vẻ đẹp yêu thương và uy quyền: “Chẳng được tự do mà thưởng nguyệt / Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu” hay “Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ / Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”.
.jpg)
Nhật ký trong tù còn là tiếng lòng của tâm hồn yêu cuộc sống, yêu con người với tình yêu lớn. Dù bị trói, bị cùm, bị giải đi trong hoàn cảnh khắc nghiệt, Người vẫn hướng về cuộc sống, về những điều tốt đẹp: “Khắp chốn nông dân cười hớn hở/ Đồng quê vang dậy tiếng ca vui.”; cảm thông, chia sẻ với những mảnh đời kém may mắn: “Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu / Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu / Muôn dặm quan hà khôn xiết nỗi / Lên lầu ai đó ngóng trông nhau” hay “Gần nhau trong tấc gang/ Mà biển trời cách mặt”; thương cháu nhỏ phải vào tù: “Oa…! Oa…! Oa…! / Cha trốn không đi lính nước nhà / Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi /Phải theo mẹ đến ở nhà pha”; thương người tù cờ bạc, người phu làm đường, người nông dân mất mùa… Tình yêu thương của Người còn dành cho cả những vật vô tri: “Suốt đời ngay thẳng lại kiên cường / Dìu dắt nhau đi mấy tuyết sương / Giận kẻ bất lương gây cách biệt / Hai ta dằng dặc nỗi buồn thương” hay sự ghi nhận công lao của chú gà gáy sáng: “Một tiếng, toàn dân bừng tỉnh mộng / Công mi đâu có phải là xoàng”.
Nhật ký trong tù còn thể hiện nỗi nhớ quê hương da diết: “Nghìn dặm bâng khuâng hồn nước cũ / Muôn tơ vương vấn mộng sầu nay”; niềm tin sắt đá vào tương lai tươi sáng: “Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”. Đó chính là chất tình đầy lãng mạn, chan chứa yêu thương và nhiệt huyết cách mạng của Hồ Chí Minh.
Nhật ký trong tù là tập thơ thể hiện rõ nét nhất con người vừa là chiến sĩ, vừa là thi sĩ ở Hồ Chí Minh: một người chiến sĩ quả cảm, kiên cường, bất khuất, luôn tiến về phía trước với niềm tin mãnh liệt vào chính nghĩa và một tâm hồn thi sĩ đầy lãng mạn, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, yêu con người.
Hoàng Trung Thông đã viết:
“Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp
Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh
Vần thơ của Bác vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”.