Bằng Việt, một nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, đã để lại dấu ấn sâu sắc với giọng văn trữ tình, tự sự độc đáo. “Bếp Lửa,” trích từ tập thơ “Hương Cây – Bếp Lửa,” là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất, tái hiện ký ức về người bà và quê hương trong những năm tháng xa xứ.
Bếp lửa là kỷ niệm không phai về người bà, mỗi khi nhắc đến lại ùa về trong ký ức nhà thơ:
“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”
Hình ảnh “bếp lửa” được điệp lại hai lần, nhấn mạnh biểu tượng trung tâm của bài thơ, khơi nguồn cảm xúc về một hình ảnh thân quen. Từ láy “chờn vờn” gợi hình ảnh ngọn lửa, hay chính là kỷ niệm ùa về, thôi thúc người cháu. Nhớ về bếp lửa là nhớ về bàn tay tỉ mẩn của bà, chắt chiu, gìn giữ, lo lắng, kết tinh thành tình cảm thiêng liêng: “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.” Cụm từ “biết mấy nắng mưa” gợi sự khổ cực mà bà chấp nhận để vun vén cho gia đình.
Tuổi thơ của cháu gắn liền với 8 năm kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ. “Giặc đốt làng cháy tàn, cháy rụi” trong khi cha mẹ bận công tác xa, cháu sống trong vòng tay bà. “Bà bảo cháu nghe” từng câu chuyện quê hương, “bà dạy cháu làm” từng việc nhà, “bà chăm cháu học” mỗi đêm. Tất cả đặt lên đôi vai bà, khiến bà kiên cường hơn:
“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên”
Câu nói ấy theo tác giả suốt ngần ấy năm. Đó là sự hy sinh to lớn của những bà mẹ. Hình ảnh bà luôn ấm áp yêu thương, tình cảm hai bà cháu thắm thiết:
“Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…”
Từ “bếp lửa” được cụ thể ở trên, nhà thơ dùng từ “ngọn lửa” mang ý nghĩa khái quát hơn: ngọn lửa của hy vọng, sức sống bền bỉ của tình bà cháu, tình quê nhà nồng đượm. “Ngọn lửa” tỏa sáng từng dòng thơ lung linh hình ảnh bà ấm lòng người đọc. Bà là người nhóm lửa, giữ lửa và truyền lửa, ngọn lửa thiêng của sự sống niềm tin cho thế hệ sau.
Nhắc đến bà là nói đến những vất vả, tảo tần:
“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
…
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi”.
Cụm từ “ấp iu nồng đượm” được láy lại, không còn là “một bếp lửa” mà là “nhóm bếp lửa”. Đằng sau “biết mấy nắng mưa”, bà vẫn nhen nhóm thắp lên ngọn lửa, không chỉ của hiện tại mà còn của tình yêu thương, của sự ngọt bùi thơm thảo mang nặng tình cảm gia đình.
Nhà thơ 10 lần nhắc đến bếp lửa và người bà. Nhớ đến bà là nhớ đến bếp lửa, nói đến bếp lửa là nhớ đến bà, vì hai hình ảnh này gắn bó suốt những năm dài gian khổ. Bếp lửa gắn với cuộc đời bà với vẻ đẹp tảo tần, nhẫn nại, hy sinh. Bếp lửa đã thắp sáng niềm hy vọng, sức sống bền bỉ, tình ba cháu, tình quê hương. Hình ảnh bếp lửa vừa có nghĩa thực vừa có ý nghĩa tượng trưng, vừa gần gũi lại rất đỗi tự hào khiến Bằng Việt phải thốt lên: “Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa”.
Trở về với hiện tại, nhà thơ đang ở nơi “đất khách” trên hành trình chinh phục tri thức. Dù không gặp khó khăn của “những năm đói mòn đói mỏi”, hình ảnh người bà tần tảo với bếp lửa sớm hôm vẫn luôn hiển hiện, bởi đó là quá khứ, tuổi thơ, ký ức những tháng ngày khó nhọc cùng tình cảm thiêng liêng bất diệt: “- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?…”
Câu hỏi tu từ cùng nghệ thuật im lặng đã kết thúc bài thơ, nhưng lại mở ra biết bao cảm xúc về những hoài niệm ân tình tha thiết và sâu nặng về tình cảm bà cháu. Bài thơ đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa biểu cảm với miêu tả, tự sự và bình luận, thông qua việc sáng tạo hình ảnh bếp lửa gắn liền với hình ảnh của người bà, làm điểm tựa khơi gợi mọi kỷ niệm, cảm xúc, suy nghĩ về tình bà cháu.
Qua từng câu chữ, hình ảnh người bà hiện lên lung linh, đẹp đẽ, thật đáng quý trọng và thương yêu. Hình ảnh ấy gắn với bếp lửa bằng một vẻ đẹp bình dị trong đời sống thường nhật. Bếp lửa gợi lên những kỷ niệm ấm nồng, thắm thiết mà rất đỗi thiêng liêng, trọn đời nâng đỡ và dưỡng nuôi tâm hồn.