10 năm trước, rời Đà Lạt đến Bình Dương, tôi viết “Lưu chút hương quỳnh”. Nhớ về loài hoa nở muộn, tôi suy tư về thân phận.
Quỳnh, theo Sơn Nam, là “Ngọc Lam Quỳnh – Ngọc Tiết Tháo Trung Kiên”. Người Tàu gọi là “Quỳnh Hoa”, “Quỳnh Bôi”, “Quỳnh Tương”. Quỳnh thuộc họ xương rồng, sống trong bóng râm, dẻo dai, hoa nhiều màu sắc. Ngay cả khi bị lãng quên, quỳnh vẫn sống, lá vẫn xanh, hoa vẫn đẹp.
Vài năm sau, bạn tôi viết tản văn “Từ đó ta là đêm” sau khi đọc tùy bút của tôi. Cuộc sống xoay vòng, tôi lạc mất bạn. Nhưng đôi khi, tôi nhớ nhà, nhớ quỳnh, nhớ tùy bút xưa. Mọi người “hiểu quỳnh”, “thương quỳnh”, “cảm quỳnh” mà quên tác giả “Lam Quỳnh”. Tôi cũng nhớ Nhiên, người tặng tôi “Từ đó ta là đêm”.
Nhiên viết về bông quỳnh nở dưới cọc gỗ mục, giữa gạch đá ngổn ngang. Nụ hoa no tròn, cánh trắng xanh biếc bung ra trong đêm. Đài hoa mở chầm chậm, cuống hoa vươn dài. Gió thoảng, hương thơm bùng lên. Màu trắng hoa quỳnh kỳ lạ, liêu trai, trinh bạch, đẹp nao lòng. “Khán hoa là kiến Phật”, Nhiên viết.
Quỳnh nhà tôi có Bạch quỳnh, Hồng Quỳnh, Hoàng Quỳnh. Có lẽ đất Đà Lạt hợp quỳnh, nên cây khỏe, lá xanh, bông sai. Kiểu “liêu trai”, “ma mị”, “tinh khôi” gì đó tôi không cảm được. Quỳnh là tên tôi, hoa là tên tôi, đất là quê tôi. Tôi nâng niu, chăm chút, yêu thương nó.
10 năm xa nhà, tôi chưa từng nghĩ đến việc mang quỳnh về Bình Dương. Vậy mà hôm kia, tôi muốn trồng quỳnh!
Tìm hiểu về việc trồng quỳnh ở nơi nóng ẩm như Bình Dương, tôi quyết định đặt 2 chậu từ Đà Lạt. Một chậu hồng quỳnh 3 năm tuổi, một chậu hoàng quỳnh non. Tôi muốn đặt cả bạch quỳnh nhưng giá cao quá. Nếu 2 chậu này sống tốt, tôi sẽ tính tiếp.
Sau nhiều “bầm dập” với sen đá, tôi hiểu rằng cây muốn sống thì đất phải hợp. Quỳnh thích đất mùn, xốp, thoáng khí, rút nước tốt, chịu hạn nhưng không chịu úng. Nên trộn 40% đất mùn/ tro trấu ủ với 30% dớn khô, vỏ thông, xơ dừa, 10% phân bò/gà hoai mục hoặc phân trùn quế và 20% đá perlite. Vỏ thông, xơ dừa cần xử lý trước khi trộn.
Nếu trồng quỳnh từ nhánh, bạn nên làm theo hướng dẫn sau:
- Chọn cành bánh tẻ hoặc cành già dài 20 – 30cm. Để ở chỗ mát 10 ngày cho vết cắt khô.
- Cắm cành sâu 1 – 2cm vào chậu đất đã chuẩn bị.
- Cắm nọc trụ buộc cho nhánh quỳnh tựa vào.
- Trùm bao nilon lên trên (không phủ kín hoàn toàn) và để chỗ mát 1 tuần, sau đó mở bao nilong và đưa ra nắng từ từ.
- Không tưới nước trong 1-2 tuần đầu. Sau đó, tưới dần dần để giữ đất ẩm, tránh sũng nước.
Tôi mua quỳnh về, mọi công đoạn chủ vườn đã làm nên chỉ còn sang chậu. Nhưng sang chậu cũng khó khăn. Chậu Hồng quỳnh um tùm, cây già, nhánh cỗi, nhánh non đan xen. Tôi quyết định cắt bỏ những nhành già, dập nát, vàng úa, tách những nhánh khỏe mạnh ra làm 2 để trồng thành 2 chậu.
Chậu hoàng quỳnh toàn nhánh non nên dễ sang hơn. Chỉ cần trộn đất mới, nhẹ nhàng cắt bỏ chậu nhựa, rủ bớt đất cũ, xếp lại vị trí các nhánh và trồng vào chậu mới là xong.
Vậy là xong, tôi đã có “vườn quỳnh” nho nhỏ. Mong sao cây cũng như người, sẽ sống được nơi miền đất mới. Hy vọng một ngày không xa, Bầu Trời Trên Giàn Mướp sẽ rực rỡ sắc hoa quỳnh.
__________
Ghi chú thêm cho phần chăm sóc Quỳnh
- Cây quỳnh thường trồng ở chỗ có nhiều nắng chiếu vào nhưng tránh ánh nắng trực tiếp. Mỗi năm, thay đất cho quỳnh 1 lần vào khoảng tháng 10.
- Tưới nước cho chậu quỳnh từ 1 – 2 lần/tuần.
- Muốn quỳnh ra hoa, phải để đất của chậu quỳnh khô kiệt hẳn một thời gian, ngưng tưới nước trong vòng từ 3-4 tuần (tùy theo địa phương) có thể lâu hơn, chủ yếu để đất trong chậu quỳnh khô hẳn nước. Tạo tình trạng khô hạn như các cây xương rồng trong sa mạc, nhưng không để cây bị héo.
- Cây quỳnh không cần bón phân nhiều. Tuy nhiên, có thể tưới loại phân bón Peters 20-20-20, Miracle Gro hoặc Super Bloom. Mỗi tháng một cốc nhỏ (bón từ tháng 4-9), không nên dùng những loại phân bón có nồng độ nitơ cao.
(Theo bài Hướng dẫn trồng hoa quỳnh trên trang http://khoahocphattrien.vn)