Bài văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ

Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do – Mẫu 1

Bài thơ “Những cánh buồm” của nhà thơ Hoàng Trung Thông gợi lên trong em những rung động sâu sắc về tình cha con. Hình ảnh hai cha con dắt tay nhau trên bãi biển thật ấm áp và thân thiết. Hành động người cha mỉm cười xoa đầu con nhỏ thể hiện sự yêu thương trìu mến, gợi nhớ những khoảnh khắc em được cha yêu thương. Tình cảm ấy thật gần gũi và bình dị, như người cha vẫn thường làm với em.

Qua bài thơ, em cảm nhận được tình cảm ấm áp, yêu thương mà người cha dành cho con. Ông đã khơi gợi lên trong con những tò mò, thích thú về thế giới rộng lớn ngoài kia, thôi thúc con khám phá những điều mới mẻ. Đó chính là sự bao la của tình cha vĩ đại. Người con lớn lên trong tình thương ấy, cũng quấn quýt và yêu thương cha mình. Trong suy nghĩ non nớt, đứa trẻ đã mong mỏi mượn của cha cánh buồm trắng để rong ruổi ra khơi. Chính suy nghĩ ấy đã cho thấy sự tin tưởng, kính yêu mà người con dành cho cha. Cũng như trong tâm trí em, người cha luôn là mái nhà kiên cố nhất, có thể che chở mọi điều. Những rung cảm về tình phụ tử thiêng liêng và ấm áp ấy, đã được bài thơ “Những cánh buồm” khơi gợi và ấp ủ trong em.

Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do – Mẫu 2

Bài thơ “Mây và sóng” của Ta-go đã mang đến cho em những cảm nhận sâu sắc về tình mẫu tử thiêng liêng. Tác phẩm được viết theo thể thơ tự do, với những câu thơ có độ dài khác nhau, khiến bài thơ giống như một câu chuyện được kể lại. Em bé trong bài thơ được mời gọi đến thế giới kỳ diệu ở “trên mây” và “trong sóng”.

Với sự hiếu kỳ của một đứa trẻ, em đã cất tiếng hỏi: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”, “Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?”. Sau khi nghe câu trả lời, em bé chợt nhớ đến mẹ vẫn đang đợi mình ở nhà và từ chối: “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?”, “Làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”. Chẳng có niềm hạnh phúc nào bằng được ở bên cạnh mẹ, mặc dù thế giới ngoài kia có nhiều điều hấp dẫn. Để rồi, em bé đã sáng tạo ra những trò chơi còn thú vị hơn của những người “trên mây” và “trong sóng”. Trong trò chơi đó, em sẽ là mây, là sóng tinh nghịch nô đùa; còn mẹ sẽ là vầng trăng, là bờ biển dịu hiền, ôm ấp và che chở vào lòng. Tóm lại, “Mây và sóng” đã mang lại những cảm xúc thật đẹp đẽ cho người đọc về tình mẹ con, một tình cảm thiêng liêng và bất diệt.

Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do – Mẫu 3

Bài thơ “Đợi mẹ” của nhà thơ Vũ Quần Phương là một bài thơ viết theo thể thơ tự do mà em ấn tượng nhất. Bài thơ với các câu thơ dài ngắn bất đồng, không theo một quy luật cố định nào. Đặc biệt, có những câu thơ còn được tạo nên từ hai câu ngắn. Đặc điểm thú vị đó đã khiến bài thơ đồng nhất với mạch cảm xúc phập phồng của người con khi đang chờ mẹ về.

Nhân vật trữ tình là một em bé, đang chờ mẹ đi làm đồng chưa về. Điệp ngữ “em bé nhìn” xuất hiện ba lần đã khắc họa rõ hành động của em. Em đang chờ mẹ, chờ sự xuất hiện của mẹ từ các hướng xung quanh mình. Đầu tiên em nhìn lên cao, nhìn vầng trăng nhưng không thấy mẹ. Rồi em nhìn ra trước mặt, xa xăm – đó là cánh đồng lúa, nhưng nó đã lẫn vào bóng tối rồi nên em chẳng thấy mẹ. Cuối cùng em nhìn vào trong nhà, nơi vốn phải ấm áp nay lại lạnh lẽo trống trải, bởi mẹ vẫn chưa về, nên bếp lửa còn chưa nhen. Dường như, cả trăng, cả cánh đồng, cả bếp lửa và cả đom đóm đều cùng em bé nhớ mẹ. Cuối bài thơ, người mẹ đã trở về nhà nhưng con đã ngủ quên mất. Người con ngủ say rồi nhưng vẫn còn chờ mẹ. Sự chờ đợi ấy đi theo em cả vào giấc mơ, ngự trị trong tâm trí non nớt của em. Qua bài thơ “Đợi mẹ”, em cảm nhận được tình yêu thương thuần khiết và sâu sắc của người con dành cho mẹ của mình. Mẹ là tất cả yêu thương, là tất cả nỗi mong chờ, là cả thế giới của em. Tình mẫu tử đã hiện lên qua bài thơ thiêng liêng như thế đó.

Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do – Mẫu 4

Bài thơ “Lá đỏ” được nhà thơ Nguyễn Đình Thi chắp bút sau khi đến với mảnh đất Tây Nguyên. Với thể thơ tự do và cách ngắt nhịp, gieo vần phóng khoáng, linh hoạt, bài thơ đã khắc họa được bối cảnh Trường Sơn hùng vĩ cùng khí thế hào hùng, tâm thái lạc quan của quân ta. Người lính trong bài thơ chợt gặp một “em gái tiền phương” giữa chốn rừng núi.

Lá rừng đỏ rơi ào ào như cơn mưa, tạo khung cảnh đậm chất trữ tình cho cuộc gặp gỡ ấy. Người lính trẻ ví “em gái tiền phương” với quê hương, đã giúp người đọc tưởng tượng ra vẻ đẹp mộc mạc, bình dị và gần gũi của cô gái ấy. Các anh rời đi, mang theo khát vọng độc lập của hậu phương, thẳng tiến vào Sài Gòn. Với quyết tâm và hi vọng ngút ngàn, người lính để lại lời hẹn gặp mặt tại Sài Gòn. Đó không chỉ là một lời hứa mà còn là một lời thề mang nặng quyết tâm của người lính. Kết thúc bài thơ, là nụ cười và đôi mắt trong veo của em gái tiền phương. Đó là ánh nhìn của sự tin tưởng và hi vọng của hậu phương dành cho những người lính. Tác phẩm thơ “Lá đỏ” đã kể lại cuộc gặp gỡ chóng vánh đầy thi vị giữa chốn Trường Sơn bom đạn, giúp em cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh.

Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do – Mẫu 5

Bài thơ “Con là…” của Y Phương đã chạm đến trái tim tôi bằng những cảm xúc chân thành và sâu lắng. Tác giả đã sử dụng ngôn ngữ giản dị, mộc mạc nhưng lại chứa đựng tình yêu thương vô bờ bến mà người cha dành cho đứa con của mình. Điệp ngữ “Con là” được lặp đi lặp lại ở mỗi khổ thơ như một lời khẳng định về vai trò quan trọng, không thể thiếu của con trong cuộc đời cha mẹ.

Con là “nỗi buồn” nhưng lại là động lực để cha mẹ vượt qua những khó khăn, thử thách. Con là “niềm vui” dù nhỏ bé nhưng lại thắp sáng cả gia đình bằng tiếng cười và hạnh phúc. Đặc biệt, con còn là “sợi dây hạnh phúc” kết nối tình yêu thương giữa cha và mẹ, giúp gia đình luôn ấm áp và tràn đầy tiếng cười. Bài thơ đã giúp tôi cảm nhận sâu sắc hơn về tình phụ tử thiêng liêng và cao đẹp, đồng thời trân trọng hơn những khoảnh khắc hạnh phúc bên gia đình. “Con là…” không chỉ là một bài thơ, mà còn là một lời nhắn nhủ, một lời tri ân đến những người con đã mang đến cho cuộc đời cha mẹ thêm ý nghĩa và niềm vui.

Comments

No comments yet. Why don’t you start the discussion?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *