Ở vùng quê Thái Bình xưa, những cánh đồng bao la trải dài nhưng đất đai cằn cỗi khiến cây lúa chẳng thể lớn mạnh, không đủ nuôi sống người dân. Nạn mất mùa liên tiếp đẩy cuộc sống của bà con vào cảnh khốn cùng, bữa ăn hàng ngày chỉ là bát cháo loãng.
Một ngày, một cô bé ra đồng bắt cua, nhìn thấy những cây lúa gầy yếu, không thể trổ bông, em ngồi bên bờ ruộng, ôm mặt khóc nức nở. Bỗng nhiên, từ giữa ruộng lúa phát ra một luồng ánh sáng chói lóa, Bụt hiện ra và hỏi han:
- Vì sao con khóc?
Cô bé nghẹn ngào trả lời:
- Dạ, con thương cây lúa không thể ra hạt.
Bụt nhẹ nhàng bảo:
- Nếu con muốn cứu lấy cây lúa, hãy trao cho ta một vật mà con trân quý nhất!
Cô bé vội vàng lục túi áo, nhưng túi đã rỗng không. Nhìn vào giỏ cua vừa bắt, em chợt nhớ đến đôi hoa tai bằng ngọc mà mình đang đeo. Em vội gỡ đôi hoa tai, dâng lên Bụt:
- Thưa Bụt, con chỉ có đôi hoa tai này là vật quý giá nhất, được mẹ con trao lại trước khi qua đời. Mẹ con dặn, đôi hoa tai này là bảo vật của dòng họ…
Thấy cô bé ngập ngừng, Bụt khẽ giục cô nói tiếp.
-
Mẹ con còn nhắc đến lời nguyền của dòng họ: Nếu ai làm mất hoặc bán đôi hoa tai này, người đó sẽ bị dòng họ xa lánh suốt đời, phải sống cuộc đời cô đơn và buồn tủi.
-
Vậy con không sợ bị trừng phạt sao?
-
Để cứu lúa, con xin chấp nhận mọi sự trừng phạt.
Bụt bảo cô bé ném đôi hoa tai xuống đám ruộng. Một điều kỳ diệu xảy ra! Đôi hoa tai phát sáng rực rỡ màu xanh lục rồi chìm xuống nước, ngay sau đó, một cây bèo có hình dáng giống như hoa dâu trồi lên mặt nước.
Bụt dặn dò:
- Con hãy chạm vào cây bèo này để nhân giống nó thành hàng triệu triệu cây, dùng nó để bón cho lúa tốt tươi.
Nói xong, Bụt biến mất. Cô bé chạm tay vào một cây bèo, kỳ lạ thay, nó biến thành hai cây. Chạm vào hai cây, chúng biến thành bốn cây… Cứ như vậy, bèo sinh sôi nảy nở nhanh chóng, lan rộng ra, phủ xanh khắp cánh đồng.
Mùa màng năm đó, lúa trĩu hạt vàng óng. Nghe được câu chuyện cô bé gặp Bụt, người cha vô cùng cảm động nói với con gái: “Con đã hy sinh vật quý giá vì dân làng, vì dòng họ, dòng họ sẽ xóa bỏ lời nguyền và yêu thương con mãi mãi”. Đúng vậy, cô bé lớn lên trong tình yêu thương và sự kính trọng của bà con xóm giềng. Sau khi qua đời, dân làng La Vân, tỉnh Thái Bình đã lập đền thờ cô để tỏ lòng biết ơn sâu sắc và tôn kính gọi cô là Bà Chúa Bèo.
Câu chuyện về Bà Chúa Bèo không chỉ là một truyền thuyết cảm động về lòng hy sinh cao cả, mà còn là biểu tượng của sự biết ơn đối với những người đã có công lớn trong việc cải tạo đất đai, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân. Đến nay, người dân Thái Bình vẫn lưu truyền câu chuyện này và tôn kính Bà Chúa Bèo như một vị thần bảo hộ cho mùa màng bội thu.