Anh Chị Hãy Trình Bày: Bối Cảnh Quốc Tế, Việt Nam và Sự Hình Thành Tư Tưởng Hồ Chí Minh

Vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Chỉ một số ít cường quốc đã thống trị thế giới, biến phần lớn châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh thành thuộc địa hoặc quốc gia phụ thuộc. Người dân thuộc địa bị tước đoạt mọi giá trị văn hóa, tinh thần, quyền lợi kinh tế và địa vị xã hội. Mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa và chủ nghĩa đế quốc ngày càng trở nên gay gắt, thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ.

Trong bối cảnh đó, Lênin đã phát triển chủ nghĩa Mác, tạo ra chủ nghĩa Mác-Lênin, một nhân tố quan trọng đối với sự ra đời và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh.

Cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) do tranh chấp thuộc địa giữa các nước đế quốc gây ra, đã làm suy yếu chủ nghĩa tư bản và tạo điều kiện cho Cách mạng Tháng Mười Nga thành công. Cách mạng Tháng Mười mở ra một kỷ nguyên mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.

Những yếu tố quốc tế này đã tạo tiền đề cho phong trào giải phóng dân tộc, trong đó có Việt Nam, phát triển theo một xu hướng và tính chất mới.

Tình Hình Việt Nam

Giữa thế kỷ XIX (1858), Việt Nam từ một quốc gia phong kiến độc lập đã bị thực dân Pháp xâm lược, trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản Pháp đã tạo ra hai giai cấp mới trong xã hội Việt Nam: giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, nhân dân ta liên tục nổi dậy chống lại chúng.

Sau khi triều đình nhà Nguyễn ký Hiệp ước Patơnốt (6-6-1884), chịu sự bảo hộ của đế quốc Pháp, đại đa số nhân dân vẫn nuôi ý chí căm thù và chờ thời cơ vùng lên tự giải phóng. Các phong trào kháng chiến đều thất bại, đất nước lâm vào khủng hoảng đường lối.

Từ bối cảnh quốc tế và trong nước nêu trên, Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước và từng bước hình thành tư tưởng của mình, đáp ứng đòi hỏi bức thiết của dân tộc và thời đại.

Nguồn Gốc Hình Thành Tư Tưởng Hồ Chí Minh

Truyền Thống Tốt Đẹp Của Dân Tộc

Tư tưởng Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống cần cù lao động, anh dũng chiến đấu trong dựng nước và giữ nước, truyền thống đoàn kết, sống có tình, có nghĩa, nhân ái Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước là dòng chủ lưu xuyên suốt lịch sử dân tộc.

Chính sức mạnh truyền thống ấy đã thúc giục Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Đó là động lực chi phối mọi suy nghĩ, hành động của Người trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng.

Hồ Chí Minh viết: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”.

Tinh Hoa Văn Hóa Nhân Loại

Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng của văn hoá phương Đông, tiếp thu tư tưởng dân chủ, nhân văn của văn hoá Phục hưng, thế kỷ Ánh sáng, của cách mạng tư sản phương Tây và cách mạng Trung Quốc.

Đạo đức Nho giáo thấm vào tư tưởng tình cảm của Người không phải là những giáo điều phong kiến, mà là tinh thần “nhân nghĩa”, đạo “tu thân”, sự ham học hỏi, đức “khiêm tốn”, tính “hoà nhã”.

Trước khi đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh đã quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu tư tưởng dân chủ tư sản Pháp, Mỹ, đặc biệt là tư tưởng Tự do, Bình đẳng, Bác ái, chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn (Trung Quốc).

Trong quá trình hình thành phát triển tư tưởng của mình, Hồ Chí Minh đã kế thừa có chọn lọc tinh hoa văn hoá phương Đông phương Tây, nâng lên một trình độ mới trên cơ sở phương pháp luận Mác-Lênin.

Chủ Nghĩa Mác – Lênin

Từ khi rời Tổ quốc (1911) cho đến năm 1917, Hồ Chí Minh đã đến nhiều nước thuộc địa và nhiều nước tư bản đế quốc. Khoảng cuối năm 1917, khi trở lại Pari, Hồ Chí Minh đã làm quen với nhiều nhà hoạt động chính trị, xã hội của nước Pháp và nhiều nước trên thế giới. Năm 1919, Hồ Chí Minh tham gia Đảng Xã hội Pháp (SFIO).

Việc Hồ Chí Minh tiếp thu bản Luận cương của Lênin tháng 7-1920 và trở thành người cộng sản vào cuối năm đó đã tạo nên bước ngoặt căn bản trong tư tưởng của Người. Thế giới quan và phương pháp luận Mác – Lênin đã giúp Hồ Chí Minh nhìn nhận, đánh giá phân tích tổng kết các học thuyết, tư tưởng, đường lối các cuộc cách mạng một cách khoa học.

Chủ nghĩa Mác – Lênin là nguồn gốc lý luận cơ sở chủ yếu nhất của sự hình thành phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tài Năng và Hoạt Động Thực Tiễn

Ngay từ khi còn trẻ, Hồ Chí Minh đã có hoài bão lớn, có bản lĩnh kiên định, giàu lòng nhân ái và sớm có chí cứu nước, tự tin vào mình.

Tư chất thông minh, tư duy độc lập, sáng tạo, tính ham hiểu biết và nhạy bén với cái mới là những đức tính dễ thấy ở người thanh niên Nguyễn Tất Thành.

Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển Tư Tưởng Hồ Chí Minh

Từ nhỏ đến khi ra đi tìm đường cứu nước (trước tháng 6/1911)

Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nước mất, nhà tan. Người đã hấp thụ truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, nền văn hiến của nước nhà và những tinh hoa văn hoá phương Đông.

Đất nước, quê hương, gia đình và nhà trường đã hình thành nên ở người thanh niên Nguyễn Tất Thành một nhân cách giàu lòng yêu nước, nhân ái, thương người, có hoài bão cứu nước.

Thời kỳ tìm đường cứu nước (1911 – 1920)

Tháng 7-1911, Hồ Chí Minh đặt chân lên đất Pháp. Cuộc hành trình vạn dặm ấy đã giúp Người tìm ra mọi cội nguồn những khổ đau của nhân loại là các nước đế quốc “chính quốc”.

Ngày 11-1917, Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười nổ ra và thắng lợi, Hồ Chí Minh có cảm tình sâu sắc với cuộc cách mạng ấy và với lãnh tụ Lênin.

Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã gửi đến hội nghị Vécxây “Yêu sách của nhân dân An Nam” đòi các cường quốc thừa nhận quyền tự do, dân chủ, bình đẳng cho dân tộc Việt Nam. Hồ Chí Minh rút ra kết luận: các dân tộc muốn được giải phóng chỉ có thể dựa vào sức lực của bản thân mình.

Khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin (7-1920), Hồ Chí Minh tìm thấy những lời giải đáp đầy thuyết phục cho những câu hỏi của mình. Người khẳng định con đường cứu nước của mình: giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản, gắn giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp vô sản.

Tháng 12-1920, Hồ Chí Minh trở thành người cộng sản đánh dấu bước ngoặt trong quá trình phát triển tư tưởng và cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.

Thời kỳ tư tưởng Hồ Chí Minh hình thành về cơ bản (1920-1930)

Hồ Chí Minh đã mở rộng quan hệ xã hội và tri thức của mình. Người tiếp thu được kiến thức cổ, kim, đông, tây, nắm được cốt lõi của chủ nghĩa Mác – Lênin.

Từ khi trở thành người cộng sản, Hồ Chí Minh đã truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng của mình về nước chuẩn bị cho việc thành lập một Đảng cộng sản ở Việt Nam.

Ngày 3-2-1930, Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Với cột mốc lịch sử này, tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam đã hình thành về cơ bản.

Thời kỳ Hồ Chí Minh gặp những khó khăn, thử thách (1930-1941)

Quốc tế Cộng sản đã phê phán đường lối cách mạng Việt Nam do Hồ Chí Minh vạch ra. Tuy bị phê phán, song đường lối cách mạng của Hồ Chí Minh đã được thực tiễn chứng minh là đúng đắn.

Đến Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản (7-1935), những quan điểm đúng đắn của Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam đã được Quốc tế Cộng sản thừa nhận.

Ngày 28-1-1941 Hồ Chí Minh về nước. Đây là điều kiện thuận lợi để Hồ Chí Minh biến tư tưởng của mình thành sức mạnh quần chúng đưa cách mạng đến thắng lợi.

Thời kỳ Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng (1941-1969)

Tháng 5-1941, Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì Hội nghị trung ương lần thứ 8 của Đảng. Hội nghị này nêu cao vấn đề giải phóng dân tộc. Ngày 19-5-1941, Hồ Chí Minh sáng lập ra Mặt trận Việt Minh.

Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời.

Tháng 2-1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng khẳng định đường lối do Hồ Chí Minh vạch ra.

Trước hành động leo thang xâm lược của đế quốc Mỹ, Hồ Chí Minh khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Trong Di chúc, Người đã nói lên niềm tin tất thắng vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

Tư tưởng Hồ Chí Minh hình thành, phát triển cùng chiều với quá trình phát triển của xã hội Việt Nam và thời đại. Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần quý báu của dân tộc và nhân loại.

Comments

No comments yet. Why don’t you start the discussion?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *