Hạn Chế Của Chủ Nghĩa Tư Bản

Bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận, chủ nghĩa tư bản cũng bộc lộ những hạn chế mang tính lịch sử, được C.Mác và V.I.Lênin chỉ ra ngay từ khi nó hình thành, tồn tại và phát triển.

Một trong những hạn chế lớn nhất của chủ nghĩa tư bản nằm ở nguồn gốc hình thành. Quá trình tích lũy nguyên thủy tư bản, như C.Mác đã phân tích, không phải là một câu chuyện “tình ca” mà là một “lịch sử đầy máu và bùn nhơ”.

Thực chất, đó là quá trình tích lũy tiền tệ thông qua các biện pháp tước đoạt, bóc lột người sản xuất nhỏ và nông dân tự do, thông qua buôn bán bất bình đẳng và nô dịch các nước lạc hậu.

Cơ sở tồn tại và phát triển của chủ nghĩa tư bản là quan hệ bóc lột giữa nhà tư bản và công nhân làm thuê. Mặc dù so với các hình thức bóc lột trước đây, bóc lột tư bản chủ nghĩa có những tiến bộ nhất định, nhưng chừng nào chủ nghĩa tư bản còn tồn tại, chừng đó quan hệ bóc lột vẫn còn, và sự bất bình đẳng, phân hóa xã hội là điều không thể tránh khỏi.

Chủ nghĩa tư bản cũng phải chịu trách nhiệm lớn đối với những cuộc chiến tranh thế giới nhằm tranh giành thị trường, thuộc địa và khu vực ảnh hưởng, để lại hậu quả nặng nề cho nhân loại: hàng triệu người vô tội bị giết hại, sức sản xuất của xã hội bị phá hủy, và sự phát triển kinh tế của thế giới bị kéo lùi hàng thập kỷ.

Ngoài ra, chủ nghĩa tư bản tạo ra hố sâu ngăn cách giữa các nước giàu và các nước nghèo trên thế giới.

Sự chênh lệch về mức sống giữa nước giàu nhất và nước nghèo nhất đã tăng từ 2,5 lần vào thế kỷ XVIII lên 250 lần hiện nay. Trong những năm 80 của thế kỷ XX, thế giới thứ ba bị trì trệ và suy thoái. Hàng trăm triệu người ở châu Phi và Mỹ Latinh đã phải chứng kiến sự suy tàn về kinh tế và sự thụt lùi trong phát triển. Mức sống ở nhiều nước châu Phi hiện nay còn thấp hơn 20 năm trước. Sự chênh lệch này là một vấn đề không thể chấp nhận được.

Comments

No comments yet. Why don’t you start the discussion?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *