Vừa rời nhà, trời đã lấm tấm mưa phùn. Đường trơn và tối khiến tôi lái xe rất chậm, dù tuổi đời còn trẻ. Đêm nay, đêm giao thừa, tôi chính thức bước sang tuổi ba mươi theo âm lịch. Tam thập nhi lập, nhưng tôi lại có chút bấp bênh khi vừa bắt đầu cuộc đời tị nạn.
Nghề ngỗng không có, tiền bạc cạn kiệt, vốn tiếng Anh cũng chẳng đáng là bao. May mắn thay, tôi không đến nỗi thất nghiệp. Công việc chỉ với đồng lương tối thiểu, nhưng bù lại rất nhẹ nhàng và dễ dàng. Tôi có thể đi học ban ngày. Đến 10 giờ tối, tôi mới phải có mặt ở trạm xăng, thay ca cho người làm buổi chiều, rồi làm việc loanh quanh cho đến sáng sớm hôm sau.
Tháng Giêng, tháng Hai ở California thường mưa, khách hàng rất thưa thớt, thỉnh thoảng mới có người ghé xe, và càng về khuya càng vắng. Tôi gần như chẳng phải làm gì cả nên đóng kín cửa, bật máy sưởi tay, kê lọ thức ăn làm sẵn đựng trong lọ thủy tinh sát bên cạnh, rồi ngồi học bài hoặc đọc báo. Sau một lúc lâu, khi đã hơi đói bụng, tôi sẽ có một bữa ăn nóng sốt ngon lành.
Giữa một đêm đông mưa lạnh mà được ở trong phòng kín, có máy sưởi ấm áp, với một lọ cơm đầy bốc khói (thịt cá gia vị tiêu ớt đầy đủ) thì không còn gì để phàn nàn. Tôi sắp sửa thưởng thức bữa ăn khuya thì một vị khách lạ xuất hiện, một người đàn ông trung niên, trông có vẻ là dân Mexico.
Ông đứng trước khung cửa kính nhìn vào, ướt sũng như chuột lột, áo quần nhầu nhĩ, dáng điệu thiểu não, với ánh mắt lo âu. Một người vô gia cư, cần đi vệ sinh, tôi đoán vậy.
Nhà vệ sinh của trạm xăng chỉ dành cho khách hàng. Nếu để cho dân homeless sử dụng tự do, họ sẽ đến hoài, và đám nhân viên chúng tôi sẽ phải lau chùi và dọn dẹp mệt bở hơi tai.
Tuy biết vậy, tôi vẫn bước ra bên ngoài, đưa chìa khóa nhà vệ sinh như thường lệ. Ông không cầm, dường như không hiểu tại sao, cho đến khi tôi chỉ tay vào cánh cửa có hai chữ WC thì người khách lạ mới gật đầu, vội vã đi vào bên trong.
Vài phút sau, ông trở ra (chắc đã bỏ quên chìa khóa bên trong), đứng ở chỗ cũ, vai run run vì lạnh, ngơ ngác nhìn quanh. Cái gì chứ đói lạnh thì tôi “rành” lắm nên không khỏi chạnh lòng. Người khách lạ khiến tôi nhớ đến những ngày tháng không nhà của chính mình, sau một chuyến vượt biên thất bại, và lạc mất hết giấy tờ cùng tiền bạc ở một thành phố không một người quen.
Vào mùa mưa, Rạch Giá hay có những ngày biển động. Trời thấp, ẩm, lạnh, mây xám xịt. Lòng buồn, bụng đói, dạ hoang mang, tôi bước đi không thấy phố, không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ. Sáng nào tôi cũng loanh quanh trong chợ Nhà Lồng của thị xã, mắt láo liên nhìn quanh những bàn ăn, chỉ chờ thực khách buông đũa là nhào vào húp vội phần ăn thừa còn lại. Tôi trải qua nhiều tháng ngày như thế (ngay giữa lòng quê hương của chính mình) nhưng chưa bao giờ nhận được một nụ cười thân thiện, hay một cử chỉ thân ái, của bất cứ ai.
Tôi mở cửa mời người khách lạ bước vào bên trong, rồi xẻ phần cơm sắp ăn vào một cái đĩa giấy, cắm thêm vào cái nĩa nhựa, ra dấu mời bằng một nụ cười hơi vụng về. Không khách sáo hay ngượng ngùng gì, ông vội vã làm dấu rồi cắm cúi ăn ngay.
Để cho không khí đỡ ngượng nghịu, tôi chỉ vào ngực mình tự giới thiệu:
- My name is Tien, my name is Tien…
- Ông ta hiểu nên cũng chỉ chỉ vào ngực, đáp lại ngay dù đang nhai ngồm ngoàm:
- Domingo, Domingo …
- Chúng tôi vui vẻ bắt tay nhau. Nụ cười hiền lành của người khách lạ khiến tôi yên tâm và cảm thấy dễ chịu:
- You speak English?
- No!
- No English?
- No!
Xong, tôi lấy một lon cà phê và một bao thuốc lá, hàng bán của trạm, ngỏ ý “thân tặng” trước khi từ giã. Domingo đón nhận, gật đầu cảm ơn, rồi miễn cưỡng mở cửa lầm lũi bỏ đi. Tôi nhìn theo, áy náy và ái ngại, nhưng còn biết làm gì hơn và làm sao khác!
Chỉ độ vài ba phút sau thì Domingo quay lại, nhẹ nhàng gõ vào khung kính. Tôi chưa biết nói sao thì ông móc túi chìa ra một mảnh giấy nhỏ, với vài dòng chữ mực xanh nguệch ngoạc và nhoè nhoẹt. Tôi đọc chữ được chữ mất, nhưng vẫn đoán được nội dung, vì giản dị đây chỉ là một cái địa chỉ của một tiệm bánh nhưng không rõ số nhà (King Bakery … King Road … San Jose) và số điện thoại.
Nơi tôi làm việc cách trạm xe buýt Greyhound không xa lắm, chỉ chừng một giờ đi bộ. Có lẽ Domingo là di dân lậu. Ông băng qua biên giới vào được San Diego, một thành phố cực Nam của Mỹ giáp ranh với Mexico. Từ đây chắc có người giúp ông mua vé xe buýt lên San Jose để tìm người thân. Đến một nơi xa lạ, giữa đêm mưa, đi loanh quanh mãi rồi không biết đi đâu nữa nên ông dừng chân ở nơi này.
Chúng tôi bất đồng ngôn ngữ nên mọi suy đoán của tôi vô phương kiểm chứng. Tần ngần một lát, tôi lấy cuốn niên giám điện thoại trang vàng, Yellow Pages San Jose, lật kiếm vần B coi thử:
Bingo!
Chắc phải có đến mấy trăm tiệm bánh ở thành phố đông cả triệu dân này, nhưng riêng trên đường King thì tôi tìm được hơn chục. Tôi bắt đầu bấm số, giữa khuya không ai bắt máy, nhưng tôi để lại được lời nhắn rõ ràng và gọn gàng:
Tôi gọi từ cây xăng Shell, số 1455 đường The Alameda, có ông Domingo vừa từ Mexico đến đây. Xin đến đón ông ấy ngay hay gọi lại tôi càng sớm càng tốt (ASAP, as soon as possible) ở số này …
Domingo có vẻ an tâm hơn đôi chút sau khi thấy tôi gọi xong hơn chục cú phone. Đồng hồ mới chỉ 11:45 PM, cũng sắp giao thừa, tôi nghe tiếng pháo nổ lác đác đó đây. Những tiệm bánh không mở cửa trước 6 hay 7 giờ sáng, nhưng chắc chắn họ đến làm việc rất sớm để chuẩn bị ra lò cho loạt hàng đầu tiên.
Hy vọng là sẽ có người đến đón Domingo trước khi đổi ca, chứ không thì cũng lôi thôi lắm. Thật là hy vọng mong manh. Lỡ không ai tới thì sao? Tôi sẽ “làm gì” với người khách lạ này vào sáng ngày mai, sáng mùng một Tết? Domingo lo lắng đã đành, tôi cũng bắt đầu lo thấy mẹ luôn, vì “tình trạng cư trú” của tôi không được sáng sủa gì cho lắm.
Tôi đang “chia” chỗ nằm, ở phòng khách, trong apartment một phòng, với một người đồng hương. Ông cũng mới chân ướt chân ráo tới Mỹ y như tôi vậy, và đang làm assembler cho một hãng điện tử nhỏ. Lương lậu cũng gần ở mức tối thiểu, nghĩa là chẳng khá hơn tôi bao nhiêu, nhưng cả vợ lẫn con vẫn còn kẹt ở VN, đó là chưa kể khoản nợ tiền vượt biên, nghe đâu cũng gần chục cây vàng, nên thằng chả phải “cày hai job” lận.
Chúng tôi chẳng mấy khi trò chuyện, vì ông làm việc suốt ngày, còn tôi thì vắng mặt suốt đêm, nhưng tôi biết đương sự không phải là người dễ tính. Mấy tháng trước, vào một đêm đông cận ngày Lễ Tạ Ơn, cũng đúng lúc tôi sắp ăn bữa khuya thì một con chihuahua bé tí teo xuất hiện. Chó lạc ở Mỹ ngó là biết liền: mệt lả, xơ xác, ngác ngơ, và nhếch nhác cũng y như Domingo bữa nay vậy. Chỉ có điều khác là con thú khô ráo, vì đêm đó không mưa.
Tôi cũng xẻ phần cơm của mình cho chó. Gần đến giờ về, trong khi tôi loay hoay chùi rửa cầu tiêu nhà tiểu, chú chó nhỏ vẫn kiên nhẫn đứng đợi bên ngoài. Nó theo tôi ra đến nơi đậu xe với ánh mắt lo âu và dò hỏi.
Tôi ngần ngừ một lát, có lẽ chưa tới một giây, rồi bồng nó lên xe. Tới lúc đó tôi mới nhận ra là con vật nhỏ bé này bẩn thỉu hôi hám quá. Tôi phải hạ cả hai kính xe phía trước, dù trời bên ngoài lạnh buốt.
Về đến nhà, tôi mang con chó vào phòng tắm, mở nước nóng, xát xà phòng tắm luôn. Trời ơi là nó dơ dễ sợ. Tôi phải xối nước ào ào nên mãi mới nghe tiếng nói bên ngoài:
- Làm gì ở trong đó hoài vậy, cha nội? Cho tui tắm rửa đi làm nữa chớ, trễ rồi.
Cửa mở, hơi nước mù mịt khiến cho ông bạn chung nhà nhăn mặt. Rồi ngay sau khi nhìn thấy con chihuahua đang loi ngoi trong bồn tắm thì ông bạn đồng hương của tôi bất chợt nổi điên. Tôi bị chửi rủa không tiếc lời, và toàn những lời nặng nề thái quá. Ông lớn tiếng quát tháo tới mức hàng xóm có kẻ phải ghé mắt vào xem.
Khi hiểu ra sự việc, may quá, có người mách là nếu tôi không muốn nuôi chó thì có thể mang nó đến animal shelter của thành phố. Tôi bồng con thú đi ngay, dù lòng buồn vời vợi!
Kinh nghiệm “hãi hùng” sáng hôm đó vẫn chưa phai thì hôm nay tôi lại lâm vào hoàn cảnh khó xử khác, và khó xử hơn. Tôi thực không biết sẽ xoay trở ra sao, nhưng tôi biết chắc là mình không thể thản nhiên “bỏ rơi” ông bạn Mexico này được. Nước Mỹ ở đâu cũng có shelter cho người vô gia cư, nhưng phải là cư dân hợp pháp kia.
Đang suy nghĩ “miên man” thì chuông điện thoại reo. Đầu giây bên kia là giọng một người phụ nữ líu lo nghe như tiếng chim, hẳn là tiếng Spanish. Tôi mừng quýnh đưa máy cho Domingo. Ông toeét miệng cười ngay sau khi mở miệng nói “hola” khiến tôi cũng nở một nụ cười (theo) nhẹ nhõm.
Chỉ mười lăm phút sau, một cái xe Ford Torino cũ mèm thắng gấp giữa sân. Bốn người Mexico cùng túa ra ôm chầm lấy Domingo mừng rỡ. Tôi cũng mừng luôn, và không chừng (dám) tôi là người mừng nhất.
Đêm giao thừa lạnh lẽo, người đàn ông Mexico ướt sũng tìm kiếm sự giúp đỡ tại trạm xăng