Thơ ca, hình thức sáng tác văn học sơ khai nhất của nhân loại, từng bao hàm cả văn học nói chung. Tuy nhiên, việc tìm một định nghĩa bao quát và phản ánh đầy đủ bản chất của thơ trong nghiên cứu hiện đại là một thách thức không nhỏ.
Trong lý luận văn học cổ điển Trung Hoa, khái niệm “thơ là gì?” đã xuất hiện từ rất sớm. Lưu Hiệp, trong cuốn “Văn tâm điêu long” cách đây khoảng 1500 năm, đã đề cập đến ba yếu tố then chốt cấu thành một bài thơ: tình cảm và ý nghĩa (tình văn), ngôn ngữ (hình văn), và âm thanh (thanh văn).
Tiếp nối quan điểm của Lưu Hiệp, Bạch Cư Dị đời Đường đã chỉ ra các yếu tố cốt lõi tạo nên sự tồn tại của thơ: “Cái cảm hoá được lòng người chẳng gì trọng yếu bằng tình cảm, chẳng gì đi trước được ngôn ngữ, chẳng gì gần gũi bằng âm thanh, chẳng gì sâu sắc bằng ý nghĩa. Với thơ, gốc là tình cảm, mầm lá là ngôn ngữ, hoa là âm thanh, quả là ý nghĩa.” Quan niệm này không chỉ liệt kê các yếu tố cấu thành tác phẩm mà còn nhấn mạnh mối liên hệ mật thiết giữa chúng, tương tự như gốc rễ, mầm lá, hoa và quả gắn bó trong một thể thống nhất, sống động và hoàn chỉnh. Đây có thể coi là quan niệm toàn diện và sâu sắc nhất về thơ trong lý luận văn học cổ điển Trung Hoa.
Các nhà cấu trúc chủ nghĩa châu Âu lại đặt ra câu hỏi “tính thơ là gì?” và cách nó được thể hiện. Trong tiểu luận “Thơ là gì”, Jacobson viết: “Nhưng tính thơ được biểu hiện ra như thế nào? Theo cái cách từ ngữ được cảm nhận như là từ ngữ chứ không phải như vật thay thế đơn giản của đối tượng được chỉ định, theo cách những từ, những cú pháp, những ngữ nghĩa của chúng, hình thức bên trong và bên ngoài của chúng không phải là các dấu hiệu vô hồn của hiện thực mà còn có trọng lượng riêng, giá trị riêng.” Jacobson tiếp tục triển khai lý thuyết tự quy chiếu và kết luận: “Chức năng thi ca đem nguyên lý tương đương của trục tuyển lựa chiếu lên trục kết hợp.” Dù chú ý đến ý nghĩa, nhưng trong tư duy nghiên cứu của Jacobson, ý nghĩa chủ yếu là ý nghĩa của đối tượng được gọi tên và ý nghĩa ngữ pháp phát sinh từ các mối quan hệ giữa các thành tố cấu trúc khép kín của văn bản. Điều này cho thấy một cách hiểu hạn hẹp về ý nghĩa, bởi ý nghĩa của thơ thường vượt ra ngoài giới hạn của văn bản.
Tại Việt Nam, khái niệm “thơ là gì?” cũng được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến với nhiều quan niệm khác nhau. Nhóm Xuân Thu nhã tập cho rằng: “Thơ là một cái gì huyền ảo, tinh khiết, thâm thuý, cao siêu.” Nhà thơ Tố Hữu thì quan niệm: “Thơ là cái nhuỵ của cuộc sống.” Dưới góc nhìn cấu trúc, nhà nghiên cứu Phan Ngọc định nghĩa: “Thơ là cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và suy nghĩ do chính hình thức ngôn ngữ này.” Định nghĩa này kế thừa những khám phá quan trọng về thơ của các nhà nghiên cứu phương Tây và gợi mở một hướng nghiên cứu rộng rãi: thơ không chỉ là hiện tượng ngôn ngữ học thuần túy mà còn là hiện tượng giao tiếp nghệ thuật, một phát ngôn đầy đủ ý nghĩa.
Lịch sử nghiên cứu và phê bình văn học đã ghi nhận vô số định nghĩa về thơ. Định nghĩa trong “Từ điển thuật ngữ văn học” của Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi có thể xem là khái quát nhất: “Thơ là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu.” Định nghĩa này xác định đầy đủ về thơ ở cả nội dung và hình thức nghệ thuật, đặc biệt phân biệt được đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ thơ với ngôn ngữ trong các thể loại văn học khác.
Từ sự nhận diện về thơ như trên, ta có thể đi sâu vào tìm hiểu những đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ thơ. So với ngôn ngữ văn xuôi, ngôn ngữ thơ trữ tình có những điểm khác biệt:
1. Ngôn ngữ thơ giàu nhạc tính
Thơ trữ tình phản ánh cuộc sống thông qua những rung động của tình cảm. Thế giới nội tâm của nhà thơ không chỉ biểu hiện bằng ý nghĩa của từ ngữ mà còn bằng âm thanh, nhịp điệu của từ ngữ ấy. Trong khi văn xuôi không tổ chức các đặc tính thanh học của ngôn ngữ, thì trong thơ, những đặc tính này lại được tổ chức chặt chẽ, có dụng ý, nhằm tăng hàm nghĩa cho từ ngữ, gợi ra những điều mà từ ngữ không nói hết. Do đó, tính nhạc được coi là đặc trưng chủ yếu, mang tính loại biệt rõ nét của ngôn ngữ thơ ca.
Theo các nhà nghiên cứu, nhạc tính trong thơ được thể hiện ở ba khía cạnh cơ bản: sự cân đối, sự trầm bổng và sự trùng điệp.
-
Sự cân đối là sự tương xứng hài hòa giữa các dòng thơ, có thể là hình ảnh, là âm thanh. Ví dụ:
“Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử
Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi”
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)Sự cân đối cũng có thể là cách sắp xếp tổ chức như ở cặp câu thực, câu luận trong thơ Đường luật.
-
Sự trầm bổng của ngôn ngữ thơ thể hiện ở cách hòa âm, ở sự thay đổi độ cao giữa hai nhóm thanh điệu. Ví dụ, Xuân Diệu với hai dòng thơ toàn vận dụng vần bằng đã biểu hiện được cảm xúc lâng lâng, bay bổng:
“Sương nương theo trăng ngừng lưng trời
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi”Nhịp điệu cũng góp phần tạo nên sự trầm bổng, ví dụ:
“Sen tàn/ cúc lại nở hoa
Sầu dài/ ngày ngắn/ đông đà sang xuân”Nhịp thơ ở đây là nhịp của cảm xúc, cảm nhận.
-
Sự trùng điệp của ngôn ngữ thơ thể hiện ở sự dùng vần, điệp từ, ngữ và điệp cú. Chúng có tác dụng kết dính các dòng thơ lại với nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho trí nhớ và tạo nên vẻ đẹp trùng điệp. Ví dụ:
“Lầu mưa xuống, thềm lan mưa xuống
Mưa xuống lầu, mưa xuống thềm lan
Mưa rơi ngoài nẻo dặm ngàn
Nước non rả rích giọt đàn mưa xuân”
(Tiếng đàn mưa – Bích Khê)Lối điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc vừa diễn tả được hình ảnh cơn mưa của đất trời vừa tạo nên một ấn tượng vương vấn không dứt trong lòng người.
Như vậy, nhạc điệu trong thơ là một đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ thơ. Mặc dù ngày nay có xu hướng tự do hóa thơ ca, nhưng nếu không có một nhạc điệu nội tại nào đó, như sự đối xứng giữa các dòng, các đoạn thơ, tiết tấu, nhịp điệu, thì không còn là ngôn ngữ thơ nữa.
2. Ngôn ngữ thơ có tính hàm súc
Đây là đặc điểm chung của ngôn ngữ trong tác phẩm văn chương, nhưng do đặc trưng của thể loại mà nó biểu hiện một cách tập trung với yêu cầu cao nhất trong ngôn ngữ thơ. Nếu ngôn ngữ văn xuôi tự sự là ngôn ngữ của cuộc sống đời thường, thì ngôn ngữ thơ mang nặng tính “đặc tuyển”. Thơ, với dung lượng ngôn ngữ hạn chế, lại có tham vọng chiếm lĩnh thế giới. Maiacôpxki gọi lao động nghệ thuật ngôn từ của nhà thơ là “trả chữ với với giá cắt cổ”.
Tính hàm súc được hiểu là khả năng của ngôn ngữ có thể miêu tả mọi hiện tượng của cuộc sống một cách cô đọng, ít lời mà nói được nhiều ý, ý tại ngôn ngoại. Đây là cách dùng từ sao cho đắt nhất, có giá trị biểu hiện cao nhất. Ví dụ, Nguyễn Du đã “giết chết” các nhân vật Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến chỉ bằng một từ: “tót”, “lẻn”, “ngây”.
Do quy mô của tác phẩm, thơ ca thường sử dụng từ ngữ rất “tiết kiệm”. Tính hàm súc của ngôn ngữ thơ, vì vậy, chứa đựng các thuộc tính khác: chính xác, giàu hình tượng, có tính truyền cảm và thể hiện cá tính của người nghệ sỹ.
Để đạt được tính hàm súc cao nhất, thơ ca phải tính đến những kiểu tổ chức đặc biệt mà nhà nghiên cứu Phan Ngọc gọi là “quái đản”. Dưới áp lực của cấu trúc ngôn ngữ khác thường này, ngữ nghĩa của từ trong thơ không dừng lại ở nghĩa gốc, nghĩa đen, nghĩa trong từ điển mà phong phú, sâu sắc, tinh tế hơn. Đó là thứ nghĩa được tạo sinh nhờ quan hệ và trong quan hệ. Ví dụ, từ “đột kích” trong câu thơ của Hồng Nguyên: “Có nắng chiều đột kích mấy hàng cau”, hay sự kết hợp bất thường về nghĩa trong câu thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ: “Em đã lấy tình yêu của mình thắp lên ngọn lửa”.
Định lượng số tiếng trong thơ cũng là tiền đề tạo ra sự xuất hiện với một mật độ dày đặc các phương tiện nghệ thuật so với văn xuôi. Nhiều lúc, trong một bài thơ, có thể thấy xuất hiện cùng một lúc các phương tiện tu từ khác nhau. Bài ca dao trữ tình sau đây là một ví dụ:
“Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai
Đèn thương nhơ ai
Mà đèn không tắt
Mắt thương nhớ ai
Mắt ngủ không yên
Đêm qua em những lo phiền
Lo vì một nỗi không yên một bề.”
Bài ca dao có số lượng từ không nhiều nhưng bằng các biện pháp tu từ đã thể hiện được tâm trạng khắc khoải nhớ mong của người con gái.
3. Ngôn ngữ thơ có tính truyền cảm
Tính truyền cảm cũng là đặc trưng chung của ngôn ngữ trong tác phẩm văn chương. Tuy nhiên, do đặc trưng của thơ là tiếng nói trực tiếp của tình cảm, trái tim, nên ngôn ngữ thơ ca có tác dụng gợi cảm đặc biệt. Ngôn ngữ thơ không bao giờ là ngôn ngữ chú trọng miêu tả cái khách quan như ngôn ngữ trong tác phẩm tự sự. Nếu nhà văn dùng ngôn ngữ để thuyết minh, miêu tả, nhắn nhủ, giải thích, thì nhà thơ dùng ngôn ngữ để truyền cảm. Ví dụ, khi Quang Dũng viết:
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Quang Dũng không có ý hỏi ai đó có thấy phong cảnh hữu tình hay không, mà tác giả khơi trong ta nỗi nhớ thương mất mát, nuối tiếc ngậm ngùi.
Lời thơ thường là lời đánh giá trực tiếp thể hiện quan hệ của chủ thể với cuộc đời. Sự lựa chọn từ ngữ, phương thức tu từ trong thơ bao giờ cũng nhằm làm cho nội dung cảm xúc, thái độ đánh giá, sự đồng cảm hoặc phê phán, ca ngợi trở nên nổi bật. Ví dụ:
“Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều”
(Nguyễn Đình Thi)
Mỗi câu thơ đều mang một từ tập trung tất cả sức nặng của tình cảm. Tính truyền cảm của ngôn ngữ thơ không chỉ biểu hiện qua cách lựa chọn từ ngữ, các phương thức tu từ mà còn biểu hiện qua nhạc điệu thơ. Ví dụ:
“Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn”
(Tố Hữu)
Sự tập trung dày đặc các nguyên âm có độ mở rộng và phụ âm mũi vang khiến câu thơ nghe giàu tính nhạc, kéo dài như âm vang của sóng biển vỗ bờ.
Tóm lại, thơ là một hình thái nghệ thuật cao quý, tinh vi của sáng tạo văn học nghệ thuật. Ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ mang tính nghệ thuật, đầy đủ những thuộc tính của ngôn ngữ văn học: tính chính xác, tính hàm súc, tính đa nghĩa, tính tạo hình, tính biểu cảm. Tuy nhiên, ở mỗi loại tác phẩm khác nhau, những đặc điểm ấy lại biểu hiện dưới những sắc thái và mức độ khác nhau. Đồng thời, mỗi loại tác phẩm lại có những đặc trưng ngôn ngữ riêng.