“Bồng bồng con nn con ơi
Dưới sông cá lội, trên trời chim bay
Ước gì mẹ có mười tay
Một tay bắt cá, tay này bẫy chim…”
(Ca dao dân tộc Mường)
“Le le, vịt nước, bồng bồng
Em đi lấy chồng anh ở lại quê.
Le le, vịt nước, bồng bồng,
Con cua, con ghẹm, con cồng.. sáu con!
Thương chồng nấu cho le le
Nấu canh mỏ quạ, nấu chè hạt sen”
(Ca dao miền Nam hồi trước)
Những câu ca dao quen thuộc gắn liền với tuổi thơ của bao người Việt, trong đó hình ảnh “Con Bồng Bồng” hiện lên thật gần gũi và thân thương. Nhưng “con bồng bồng” thực chất là loài chim gì? Hãy cùng khám phá thế giới của loài chim đặc biệt này.
Mùa đông ở Ohio kéo dài khiến tác giả phải chờ đợi. Tuyết vẫn rơi vào cuối tháng 3, nhưng đó cũng là cơ hội để ngắm nhìn những đàn vịt trời và le le từ phương Nam bay về trú ngụ.
Sáng hôm qua, tác giả đến công viên Prairie Oak để tìm le le và vịt trời. Khi đến nơi, trời vừa chạng vạng, sương muối vừa tan trên đường. Bảy con bồng bồng “Bufflehead” (Bucephala albeola) trống còn đang ngủ say cùng với đàn vịt “Ruddy” (le le; con trống có mỏ xanh) khoảng 30-40 con. Chúng nổi trên mặt nước như những trái banh lông “tennis” hay lục bình. Bình minh không có gió nên mặt hồ lặng như mặt kính, phản chiếu hàng cây ven hồ rất mờ ảo.
Chiều hai hôm trước, tác giả đến đây chỉ thấy một con “bufflehead” trống. Có lẽ trên đường di cư từ miền Nam lên, gia đình chúng bị lạc nhau. Tác giả rất lo lắng cho chú chim này. May mắn thay, đàn vịt “ruddy” không kỳ thị và cho phép chú ta nhập đàn để được an toàn – vì luật của vịt trời le le là “safety in number” (an toàn là trên hết). Con “ruddy boss già” còn tử tế hơn nữa, đến kề bên con “bồng bồng” cô đơn như để trấn an: “chớ em đừng lo, “ua” “ua” đây sẽ bảo vệ chớ em…”. Thế rồi cả đàn le le vịt trời cùng nhau thả nổi và diễu hành trên mặt hồ, trong khi con “dợn” (chim săn mồi) trên trời chờ cơ hội kiếm ăn.
Đến gần trưa, đàn le le đầu nâu đầu đen “lesser scaup” (vịt bi?) tẽ tẽ ra giữa hồ cùng với một con “merganser” mồ côi, 3 con “horned grebe” hay là “eared grebe” (có lẽ loại mới lớn nên tác giả chưa phân biệt được). Đây là tập thợ lặn giỏi, họ là những người thích ăn “sushi”. Gần 30 con “sâm cầm” (coot) mặc áo đen có mỏ trắng như ngà voi cũng với 3-4 cặp vịt màu “mallard” đi tuần hành bên ven hồ để măm rong rêu và cỏ rau. Đám này có size có cỡ gần bằng nhau nên thân thiện với nhau hơn so với đám bồng bồng le le con. Nhưng “vịt” cỡ nào cũng có tự ái của họ, cần gì phải “bự” mới sống được. Đây là xứ tự do mà cha…hải quan đâu có ló mặt tới đây để kiếm ăn.
Thực ra còn nhiều loài chim nước và vịt trời nữa. Cứ khoảng nửa hay một tiếng đồng hồ thì trên bầu trời xuất hiện một đàn vịt mới. Trông chúng chuẩn bị “landing” (hạ cánh) thực là lý thú và có con ngừng không kịp phải chổng đầu. Trong cái hồ pha Bắc cách đây khoảng 50 km có nhiều loại le le lạ như “blue-winged teal” (mòng két xanh), “wigeon”, “woodduck” (họ vịt uyên ương), “redhead” (vịt đầu đỏ), v.v. Con “northern shoveller” (vịt thìa) có cánh và đầu xanh với mỏ giống như cái muỗng canh tàu rất “ngộ”. Tuy nhiên nó chắc phải tự hào với cái mỏ của trời cho, chẳng khác gì thầy Sáu dzế của làng mình có cái mũi toang hoác được cô vợ bé khen là mũi anh dễ thở…
Nói tiếp về con sâm cầm hay “coot”.
“Coot” là loài vịt nước có số sinh tồn rất cao bên Mỹ. Họ thường sống trên sông hay hồ của miền Bắc xứ lạnh. Khi sông hồ đóng băng “coot” sẽ di cư về miền Nam. Ở Việt Nam ta “coot” được gọi là con “sâm cầm” – một loài lông vũ quý phái. Xưa kia Hồ Tây có rất nhiều sâm cầm và hoa sen. Dân Hà Nội có câu: “Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm/ Củ rễ Đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây”.
Trước đây, chim sâm cầm là sản vật để tiến vua. Sau này hết vua rồi ai bắt nó ăn không biết mà Hồ Tây dần dần không còn con nào nữa.
Tác giả có một người bạn chụp ảnh sống ngoài đời nhiều năm than rằng: “Ngày nay người từ hành tinh nào đến không biết họ bắt “chim” ăn và cắt hoa sen đem bán. Hồ Tây không còn gì để ngắm. Họa chăng là người ăn mày, móc túi hay buôn bán đạp đổ du khách. Họ gắt gỏng chửi bới với nhau hằng ngày….”. Nghe xong lòng tác giả quặn đau!
Hồi còn sống nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có đến thăm Hồ Tây, và đã làm một bài ca khá hay:
Hồ Tây chiều thu
Mặt nước vàng lay
Bờ xa mời gọi
Màu sương thương nhớ
Bầy sâm cầm nhỏ
Vỗ cánh mặt trời …
(Nhớ mùa thu Hà Nội – Trịnh Công Sơn)
Tác giả không rõ anh Sơn thấy con sâm cầm thật hay trong giấc mơ hồi trước giải phóng. Nếu không thì anh có phải là “người mù đi xem chim” như tác giả có diễm phúc gặp một ngày nào đó năm trước chăng?
Theo tác giả nghĩ đồng bào Hà Nội nên vào Cà Mau học tập thêm một tí. Trong đó “tụi moa” muốn ăn con gì thì nuôi con nấy. Không như ngoài này cái rứa gì “mấy bậu” cũng ăn đến tiệt chủng. Bây giờ ăn lại thơ văn lịch sử rồi làm sao khỏi thấy xót xa? – Naruhodo!