Nếu miền Bắc có hoa đào báo hiệu xuân về, thì ở miền Nam, hoa mai vàng rực rỡ chính là sứ giả của mùa xuân. Em xin tả lại cây hoa mai mà em yêu thích nhất.
Mấy năm trước, ông nội em được tặng một chậu mai cảnh rất đẹp.
Ông em bảo hoa mai rất thích hợp với khí hậu miền Nam. Cây mai được uốn theo thế quân tử, tượng trưng cho phẩm chất tốt đẹp của con người và sự ấm no, hạnh phúc của gia đình. Cây mai cao khoảng 40cm, gốc cây to bằng bắp tay của bố. Gốc mai màu nâu, có lớp rêu xanh bám nhẹ. Tán mai được uốn tỉa gọn gàng.
Mùa xuân đến, cây bắt đầu đâm chồi nảy lộc. Những lá lộc non lúc đầu có màu đo đỏ, sau đó chuyển dần sang màu xanh đậm và sắc nhọn.
Vào dịp Tết, cây mai sẽ ra hoa. Hoa mai có màu vàng tinh khôi, mỗi cánh hoa mỏng manh khẽ rung động trong gió.
Mỗi cánh hoa đều có rất nhiều nhụy, nhụy có màu vàng đậm hơn cánh hoa, làm cho bông hoa mai thêm nổi bật. Cây hoa mai có vẻ đẹp vừa giản dị, vừa thanh cao. Ông bảo cây mai này rất quý và cần được chăm sóc cẩn thận. Em sẽ cố gắng học hỏi từ ông để chăm sóc cây mai thật tốt, hi vọng năm sau cây sẽ nở nhiều bông đẹp hơn.
Hoa mai là loài hoa biểu tượng cho ngày Tết ở miền Nam, mang đến không khí Tết đậm đà hơn. Hoa mai còn được vinh danh trong bộ tứ quý “tùng, cúc, trúc, mai”, tượng trưng cho bốn mùa và bốn phẩm chất của người quân tử. Hoa mai còn tượng trưng cho mùa xuân ấm áp, tràn đầy năng lượng và sức sống.
Hình ảnh cây mai khiến em cảm thấy dễ chịu, ấm áp lạ thường. Em sẽ không bao giờ quên vẻ đẹp dịu dàng, thanh cao của cây mai nhà em.
Dàn ý chi tiết Bài Văn Tả Hoa Mai Lớp 5:
I. Mở bài: Giới thiệu cây hoa mai mà em muốn tả (cây mai ở nhà, cây mai em nhìn thấy ở đâu đó…).
II. Thân bài:
- Tả bao quát:
- Cây mai lớn hay bé? Cao bao nhiêu?
- Cây được trồng trong chậu hay ở vườn?
- Tả chi tiết:
- Gốc mai, thân mai có đặc điểm gì nổi bật?
- Cành mai xòe ra như thế nào? (Ví dụ: xòe ra xung quanh như hình chữ V…)
- Nụ hoa mai có màu gì? Hình dáng ra sao? (Ví dụ: nụ hoa bằng hạt đậu trắng, vỏ vẫn còn xanh…)
- Những bông hoa đã nở thì có màu sắc gì? Cánh hoa như thế nào? (Ví dụ: mỗi bông là một ngôi sao năm cánh màu vàng thắm…)
- Nhị hoa có đặc điểm gì? (Ví dụ: là một cái hạt xanh xanh nằm giữa cái tua vàng…)
- Ngoài hoa, nụ thì trên cành còn có gì nữa? (Ví dụ: những chồi xanh nho nhỏ…)
III. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về cây hoa mai. (Ví dụ: Hoa mai là hoa ngày Tết; vẻ đẹp của nó quyến rũ tất cả mọi người…)
Ở thị xã Tân An quê em, ai cũng biết đến cây mai lão của ông giáo Hảo.
Ông giáo Hảo kể rằng gốc mai này đã hơn năm chục tuổi. Ngày trước, cụ thân sinh của ông dạy học ở Tiền Giang, thấy cây mai đẹp nên đã mua về trồng trước sân. Sau nửa thế kỷ, cây mai đã trở thành cổ thụ, cành lá sum suê, tỏa rộng gần hết chiều ngang của một gian nhà. Dấu vết thời gian in đậm trên thân cây màu nâu, loang lổ vết rêu xanh. Năm nào cũng vậy, cứ đến khoảng rằm tháng Chạp, cha con ông giáo lại bắc thang tuốt lá cho cây.
Vốn là người giàu kinh nghiệm, ông giáo tự tay bón phân, tưới nước để cây mai ra hoa theo ý muốn. Cách Tết vài ngày, hoa mai bắt đầu nở lác đác. Bông hoa lớn với nhiều tầng cánh mỏng màu vàng tươi, rung rinh trong gió nhẹ.
Những chùm nụ màu xanh bóng chi chít khắp cành. Mấy ngày Tết, hoa mai nở rộ, hương thơm thoang thoảng bay xa. Một màu vàng rực bao phủ khắp cây, tạo nên vẻ đẹp lạ lùng, khiến ai đi qua cũng phải dừng chân chiêm ngưỡng và trầm trồ khen ngợi. Ông giáo Hảo chưa bao giờ chặt một cành mai vì ông rất quý cây mai và coi nó như một người bạn thân thiết, gắn bó với ông suốt cả cuộc đời. Ông giáo thường nói với hàng xóm rằng cây mai lão này là thứ tài sản vô giá của gia đình ông.
Hoa mai là loài hoa đẹp, mỗi năm chỉ nở một lần vào dịp Tết đến, xuân về. Nhìn hoa mai, lòng người náo nức niềm vui, niềm tin vào một năm mới với bao điều tốt đẹp đang chờ phía trước. Cùng với hoa đào miền Bắc, hoa mai miền Nam góp phần tô điểm cho sắc xuân tuyệt vời của đất nước Việt Nam yêu dấu.