Kể lại truyện ngụ ngôn “Ếch ngồi đáy giếng”
Cuối tuần, em được mẹ dẫn đến nhà sách. Em đã chọn một cuốn truyện ngụ ngôn, trong đó em thích nhất là câu chuyện “Ếch ngồi đáy giếng”.
Câu chuyện kể về một chú ếch sống lâu ngày trong giếng. Ếch ta tưởng mình là chúa tể, bầu trời chỉ bé bằng cái vung. Một ngày mưa lớn, nước dâng lên, ếch ta theo dòng nước ra ngoài. Do thói quen ngông nghênh, không để ý xung quanh, ếch đã bị trâu giẫm bẹp.
Câu chuyện phê phán thói kiêu ngạo, tự mãn, hiểu biết hạn hẹp, đồng thời dạy em bài học về tính khiêm nhường, không chủ quan, luôn tìm tòi, học hỏi để mở rộng kiến thức. Em rất thích câu chuyện này và muốn chia sẻ với các bạn.
Kể lại truyện ngụ ngôn “Cô bé bán diêm”
Hôm nay, mình muốn kể cho mọi người nghe câu chuyện “Cô bé bán diêm” của Andersen.
Câu chuyện kể về một cô bé có số phận bất hạnh. Mẹ mất, sống với người cha nghiện rượu, thường xuyên đánh đập. Cô bé kiếm sống bằng nghề bán diêm. Vào một đêm giao thừa lạnh giá, cô bé đáng thương phải đi chân trần, mặc quần áo mỏng manh để bán diêm. Cô bé quyết định quẹt diêm để sưởi ấm. Que diêm thứ nhất cháy, cô thấy lò sưởi. Que diêm thứ hai, cô thấy bàn ăn thịnh soạn. Que diêm thứ ba, cô thấy cây thông Noel lộng lẫy. Que diêm thứ tư, cô thấy bà nội yêu dấu mỉm cười, dang rộng vòng tay. Cuối cùng, cô bé chết trong giá rét đêm giao thừa và sự thờ ơ của mọi người. Thật đáng buồn khi không ai quan tâm đến cô bé khốn khổ, sự vô cảm của họ đã giết chết cô.
Câu chuyện kết thúc bằng cái chết của cô bé và phê phán sự thối nát của xã hội, sự vô cảm của con người.
Kể lại truyện ngụ ngôn “Ếch ngồi đáy giếng” (phiên bản chi tiết)
Mỗi tối thứ bảy, bà nội thường kể chuyện cho tôi nghe. Trong đó có những câu chuyện ngụ ngôn tuy ngắn nhưng hay và bổ ích, giúp tôi thấy được nhiều bài học trong cuộc sống. Tối nay, bà kể cho tôi nghe câu chuyện “Ếch ngồi đáy giếng”.
Bà nội tôi thuộc rất nhiều ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Khi nói chuyện, bà hay dùng những câu tục ngữ lạ mà tôi không hiểu. Những lúc như thế, bà lại giảng giải cặn kẽ. Hôm nay, bà nói về câu tục ngữ “Ếch ngồi đáy giếng”, chỉ những kẻ hiểu biết hạn hẹp nhưng huênh hoang, tự đắc. Để giải thích rõ hơn, bà kể lại nguồn gốc của câu thành ngữ ấy.
Ngày xưa, có một chú ếch sống trong một cái giếng nhỏ. Vì sống ở đó lâu ngày nên nó không biết thế giới bên ngoài như thế nào. Xung quanh nó chỉ có vài con cua, ốc, nhái bé nhỏ. Nó tưởng mình là to nhất, mạnh nhất. Ếch ta tự hào về tiếng kêu ồm ộp của mình. Mỗi khi nó kêu, tiếng động vang vọng cả cái giếng nhỏ, khiến những con vật khác hoảng sợ. Ếch cứ ngỡ mình rất oai phong. Ngẩng mặt lên nhìn trời, nó thấy bầu trời chỉ bằng chiếc vung, chứ không cao rộng như người ta thường đồn đại. Ếch ta kiêu hãnh và cho rằng trời quá bé nhỏ, còn nó mới xứng là chúa tể. Suy nghĩ ấy khiến ếch ta coi thường mọi vật. Trong mắt ếch, chẳng ai bằng nó cả.
Một năm trời mưa to, nước trong giếng dâng cao, đưa ếch ta ra ngoài. Quen với cái nhìn cũ, cách nghĩ cũ, ếch huênh hoang đi lại trên đường, đi khắp nơi như chốn không người. Theo thói quen, nó cất tiếng kêu ồm ộp và tưởng rằng ai cũng sợ như dưới đáy giếng. Nó đưa mắt lên nhìn và vẫn cho rằng bầu trời bé tẹo như cái vung nên chẳng để ý gì đến xung quanh. Bỗng nó thấy tối sầm lại, không nhìn rõ gì nữa. Một vật gì rất lớn che mất tầm nhìn của nó. Nó đâu biết rằng đó là chân của một con trâu nên đã bị dẫm bẹp. Thế là hết đời một con ếch ngông nghênh.
Nghe câu chuyện bà kể, tôi thấy chú ếch con thật đáng chê trách. Nhiều người trẻ, ít kinh nghiệm, ít hiểu biết nhưng lại có tính cách hung hăng, huênh hoang, ngông nghênh. Có lẽ vì chưa hiểu biết nhiều nên họ mới làm những việc thiếu hiểu biết. Do đó, người trẻ tuổi phải cố gắng mở rộng tầm hiểu biết, không chỉ trong sách vở mà còn trong nhiều lĩnh vực khác, không chủ quan hay kiêu ngạo. Những tính cách đó chỉ làm hỏng một con người, thậm chí còn làm người khác tổn thương.
Bao giờ kể chuyện xong, bà cũng giúp tôi rút ra những bài học quý báu, không cao sang, xa vời mà rất thực tế, gần gũi. Tôi luôn lắng nghe những điều bà dặn để áp dụng vào cuộc sống. Bản thân tôi và tất cả mọi người, không ai là hoàn hảo nên luôn phải học hỏi lẫn nhau, những khiếm khuyết của mình sẽ được tri thức của người khác bổ sung và ngược lại. Do đó, không được giấu điểm yếu kém. Bà còn bảo tôi phải học thật chăm để không bị kém hiểu biết, có như thế mới không suy nghĩ hay hành động thiếu hiểu biết. Quả thực những điều bà dặn dò đòi hỏi một sự cố gắng nỗ lực và tự giác rất lớn, nhưng dù thế nào thì tôi cũng không thể để mình như chú ếch ngồi đáy giếng được.
Truyện ngụ ngôn “Ếch ngồi đáy giếng” của ông cha ta thật sâu sắc: Nói chuyện của loài vật nhưng mục đích là nói chuyện loài người. Bất kỳ ai khi đọc truyện cũng sẽ tự rút ra được cho mình bài học cần thiết và bổ ích.
Kể lại truyện ngụ ngôn “Sư tử, báo và kền kền”
Truyện ngụ ngôn là kho tàng những bài học nhân sinh của dân gian truyền lại qua nhiều thế kỷ. Từ khi còn học mẫu giáo, em đã được bà kể cho nghe những câu chuyện ngụ ngôn về loài vật rất lý thú. Trong đó em nhớ nhất là bài học về tính ích kỷ trong truyện ngụ ngôn “Sư tử, báo và kền kền”.
Có một câu chuyện ngụ ngôn kể về một con sư tử nhỏ và một con báo. Cả hai bị lạc trong một khu rừng. Trời thì oi bức và cả hai đều khát nước. Do vậy, chúng không thể ngồi đó chờ chết mà quyết định phải đi tìm một nguồn nước nào đó để uống. Chúng đi mãi, đi mãi, cuối cùng cũng tìm thấy một hố nước nhỏ, nhưng khốn nỗi miệng hố lại quá nhỏ hẹp nên chúng không thể cùng uống nước một lúc được. Thế là chúng bắt đầu tranh cãi với nhau rất kịch liệt xem ai là người được uống nước trước. Cuộc tranh giành càng lúc càng gay gắt, quyết liệt, chẳng con nào chịu nhường con nào, vì con nào cũng lo rằng, nếu để cho con kia uống trước thì biết đâu nó sẽ uống hết phần của mình. Lý do thật dễ hiểu, hố nước chỉ đủ cho mỗi con vài ngụm cho đỡ khát.
Cuộc tranh cãi inh ỏi giữa sư tử với báo bị một bầy kền kền bay qua vô tình nghe được. Bầy kền kền cũng đang rất khát nước. Chúng bèn bàn kế với nhau tìm cách lừa sư tử và báo đi chỗ khác. Bàn mưu kế xong, bầy kền kền đồng loạt kêu thất thanh: “Vùng đất này sắp bị sụt lở! Vùng đất này sắp bị sụt lở!”. Nghe tiếng kêu la khủng khiếp của bầy kền kền, sư tử và báo hoảng quá vội bỏ chạy. Thế nhưng, chỉ lát sau, cả sư tử và báo đều cay đắng nhận ra rằng, chẳng hề có chuyện sụt lở đất gì cả. Chúng vội vàng quay lại để uống nước, thì hỡi ôi hố nước đã bị bấy kền kền uống sạch! Lúc này, chúng cảm thấy ân hận vì lòng nhỏ nhen, ích kỷ của mình nhưng đã muộn.
Câu chuyện ngụ ngôn thật giản dị nhưng đã để lại cho chúng ta bài học về tính ích kỷ. Qua đó, em thấy rằng trong cuộc sống cũng như trong học tập, phải biết chia sẻ, giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ và học tốt.