Nguyễn Công Hoan
Tôi cực lực phản đối những cuốn sách vệ sinh rêu rao rằng ăn uống sạch sẽ là chìa khóa của sức khỏe và sự thịnh vượng. Hoàn toàn sai lầm! Sai lầm đến nghìn lần! Bằng chứng là những kẻ béo tốt, khỏe mạnh mà tôi từng gặp đều là những người chẳng mấy quan tâm đến chuyện ăn uống sạch sẽ. Điển hình như ông huyện Hinh đây, hẳn ai cũng phải gật gù thừa nhận rằng tôi chẳng hề nói ngoa.
Béo! Béo đến phát sợ! Béo đến độ, chỉ cần có gã dân đen nào vô ý thốt ra câu cửa miệng “Nhờ bóng quan lớn,” thì ông ta lập tức cho rằng mình bị xỏ xiên. Ngay tức khắc, mặt bàn và mặt gã kia sẽ phải hứng chịu những cú tát trời giáng. Rồi ông ta sẽ truy cùng đuổi tận, khiến gã khốn khổ kia không còn đường sống. Với một mớ luật pháp trong tay, ông ta chẳng ngại ngần khép gã tội “làm rối cuộc trị an”. Như vậy, cả việc công lẫn việc tư đều được vẹn toàn. Vừa hả giận, vừa được tiếng là mẫn cán.
Nhưng điều lạ là, dù đã nhậm chức hai mươi năm, ông vẫn chỉ là một tri huyện quèn. Điều đó chẳng hề quan trọng. Dù các bạn học cùng khóa đã thăng quan tiến chức hết cả, thường xuyên than phiền về sự chậm trễ trong con đường hoạn lộ của ông, thì trước mặt họ, ông vẫn chắp tay cúi đầu, làm ra vẻ buồn rầu. Nhưng sau lưng, ông bĩu môi, chửi thầm: “Làm bố chánh có vặn xỉ ra mà ăn!”
Lý lịch của ông huyện Hinh cũng chẳng mấy tốt đẹp. Đi đến huyện nào, ông cũng bị dân kiện. Quan trên xét ra, ông lại trễ nải việc công. Cuộc đời làm quan của ông chỉ xoay quanh hai việc chính: đánh bạc và chơi gái.
Năm nay, ông đã ngoài tứ tuần. Ông ta vẫn dùng cái tuổi của mình để lên mặt tiền bối, khinh khỉnh những ông huyện trẻ khác, nếu dám coi ông ta là ngang hàng. Ông ta liền khoe thằng Cả nhà ông đã hai mươi nhăm, rồi ông cặp ngón tay trỏ và ngón tay cái với nhau, vê vê trên mép. Trên mép ông ta, sau bao nhiêu công trình mới cấy được từng ấy râu. Ông ta để râu, để khác biệt với đám huyện trẻ ranh. Da mặt ông ta vốn nhỏ, có lẽ vì béo quá, nên lỗ chân lông căng ra hết cỡ, đến nỗi râu không có chỗ nào mà mọc. Đến nỗi bốn mươi tuổi đầu mà mặt ông ta vẫn cứ nhẵn thín. Bực mình, ông ta ra lệnh cấm thợ cạo lia lưỡi dao lên môi ông ta, để ông ta nuôi râu. Sau cùng, những sợi lông tơ cũng dài ra và trông rõ hơn. Đến bây giờ, nó mọc hai bên miệng ông ta, trông như hai cái dấu ngoặc đơn.
Buổi hầu sáng hôm ấy.
Mẹ Nuôi, tay cầm lá đơn, đứng ở sân công đường. Hớt hơ hớt hải qua cổng chòi, rồi sợ sệt bỡ ngỡ, không biết quan ngự ở buồng nào. Bỗng một người mặc áo cánh nái nhuộm vỏ già chạy xồng xộc đến trước mặt, hỏi:
- Đi đâu?
Mẹ Nuôi biết ngay đó là cậu lính lệ. Như hiểu rõ phép vào quan, bà giúi vào tay cậu lệ hai hào đã thủ sẵn, rồi nói nhỏ:
- Nhờ cậu bẩm quan cho tôi vào hầu.
Cậu lệ tuy đã cầm tiền, nhưng làm như ta không để ý đến việc nhỏ nhen ấy, vừa thò tay, vừa nói to:
- Đưa xem đơn, việc gì?
Rồi trong khi nhà Nuôi kể lể, cậu lệ đánh vần đọc lá đơn. Đoạn, cậu lắc đầu, nhăn mặt:
- Vào kia, nhờ bác nho Quý bác ấy làm hộ cho. Đơn này không được.
Mẹ Nuôi tái mặt:
- Không được thế nào, thưa cậu?
Cậu lệ giơ hai tay giảng giải:
-
Nghĩa là nếu nhà chị muốn việc chóng xong, nghe chưa?
-
Thưa cậu, cậu cứ vào trình quan hộ. Chả giấu gì cậu, nhà tôi bị mất trộm hết sạch cả đồ đạc lẫn tiền nong. Sáng nay, vay mãi mới được đống hai bạc, để đi trình quan, cậu làm ơn thương hộ cho.
Cậu lệ nhìn nét mặt nằn nì của nhà Nuôi, song vẫn thản nhiên:
- Tôi bảo nhà chị không nghe thì tôi mặc kệ. Tôi thấy nhà chị ăn mặc thế này, lại bị lúc vận hạn đen đủi, tôi lại chẳng động lòng hay sao? Nhưng ở đây, cái lệ nó thế. Tôi tử tế nên bảo trước. Nếu nhà chị không theo, thì quan quở, chớ có trách tôi đấy.
Muốn chứng thực lời nói của mình, mẹ Nuôi cởi nút dải yếm, xỉa năm đồng hào đôi còn lại lên gan bàn tay:
- Đây này, chẳng tin, cậu đếm mà xem, chỉ còn vừa vặn tiền trình thôi.
Cậu lệ lắc đầu. Mẹ Nuôi vừa buộc lại tiền, vừa nhăn nhó, van lơn:
- Lạy cậu, thương cháu, cho cháu được nhờ. Cậu cứ vào bẩm quan hộ. Hễ quan bắt làm lại đơn, thì cháu xin ra nhờ bác nho Quý ngay.
Bỗng một tiếng chuông gọi. Cậu lệ dạ giật một tiếng, ù té chạy. Mẹ Nuôi nhìn theo, biết buồng quan ngồi ở chỗ ấy. Bà đánh liều tiến đến, vừa tiến, vừa lo. Bước chân lên thềm, trống ngực bắt đầu nổi mạnh. Bà đã trông thấy quan. Lại càng sợ hơn. Vì lo sợ quá, nên quên đứt rằng mình đi trình việc mất trộm. Bà lại tưởng như mình là kẻ trộm vậy. Rón rén, đứng nép vào cạnh cửa, thập thò, ghé vào trong, lắng tai nghe. Bà nghe quan đang dặn cậu lệ xuống bảo nhà bếp ninh cho thật dừ cái chân giò.
Đến khi cậu lệ dạ tiếng cuối cùng và đi vào sân sau, mé cửa trong, bà hiểu ngay rằng đã mất toi hai hào cho thằng xỏ lá mà nó chẳng bẩm cho mình một tiếng nào.
Bỗng hai con gà tây béo sù quàng quạc kêu ở sân trước. Bà giật nảy mình. Quan đang ngồi, choàng một cái, đứng dậy, chạy vội ra hiên, đứng ngay cạnh nhà Nuôi, gọi váng:
- Có đứa nào đấy, lùa hai con gà vào cho tao!
Tức thì, người ta chạy tán loạn để xua gà, và nhà Nuôi chắp hai tay, quỳ ngay xuống gạch, nâng ngang đầu lá đơn.
Khi đôi gà đã chạy về, quan nhìn mẹ Nuôi:
- Vào đây.
Mừng quá, lóp ngóp đứng dậy, vội vã theo vào buồng giấy.
Đứng cạnh bàn, run lên bần bật. Liếc nhìn quan. Ngài oai vệ quá. Lại sợ hơn nữa. Nhưng dù run hay sợ, cũng không quên việc vi thiềng quan.
Tiền trình diện quan, lại buộc vào dải yếm. Phải cởi ra mới lấy được.
Vừa lúi húi rút nút buộc, vừa sợ quan chờ lâu, nên phải vội vàng. Mà vì vội vàng, lại lo quan gắt, nên lóng ngóng. Nút vừa xổ ra, loẻng xoẻng, cả món tiền rơi tiệt xuống gạch.
Năm đồng hào đôi nảy lên mấy cái. Những tiếng kêu làm bà giật mình. Tự nhiên, choáng váng cả người, hoa cả mắt. Cúi nhìn chỗ nhiều hào rơi nhất, ngay bên cạnh. Đồng thì chui nằm ẹp gần chân, đồng thì xoay tít mấy vòng, đồng thì bắn ra góc buồng. Mấy đồng nữa thì thi nhau lăn ra tận chỗ xa.
Không thấy quan nói gì, nên cũng hơi tĩnh tâm. Cúi xuống nhặt tiền. Một đồng, hai đồng. Đồng thứ ba nghiêng ở mé tường. Tìm đồng thứ tư. Mãi mới thấy tận gần chân bàn giấy của quan. Tìm đồng thứ năm. Quái, tìm mãi, không thấy đâu cả.
Phải có năm hào đôi. Năm hào đôi mới thành đồng bạc được. Vừa ban nãy, giở ra cho cậu lệ xem, lại buộc cẩn thận vào dải yếm. Không lẽ đồng hào ấy có ma, đã biến đi đâu mất chóng thế được. Vậy chỉ quanh quẩn trong buồng này mà thôi. Nhưng đã tìm kỹ lắm rồi. Mà trình đơn tám hào, tất bị quan chửi. Không biết làm thế nào được, tần ngần chắp tay, vái:
- Lạy quan lớn ạ.
Lùi lùi bước ra cửa. Rồi đi về…
Ông huyện Hinh cứ ngồi yên sau bàn giấy nhìn theo con mẹ khốn nạn. Thấy bà đã đi khuất, ông mới đưa mắt xuống chân, dịch chiếc giầy ra một tý. Vẫn tự nhiên như không, cúi xuống thò tay nhặt đồng hào đôi sáng loáng, thổi những hạt cát nhỏ ở đế giầy bám vào, rồi bỏ tọt vào túi.
12/1937 Theo bản trong Truyện ngắn chọn lọc tập II Nxb. Hội nhà văn, 1985.