Trong dòng chảy lịch sử và cuộc sống thường nhật, sự di cư của nhân dân mang theo không chỉ gánh nặng vật chất mà còn cả những giá trị tinh thần vô giá. Động từ “gánh” gợi lên hình ảnh cụ thể về trách nhiệm và tình yêu thương đối với quê hương.
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân.
Việc mang theo “tên xã, tên làng” không chỉ là để vơi đi nỗi nhớ, mà còn là lời nhắc nhở con cháu về cội nguồn, về những truyền thống văn hóa tốt đẹp. Đó là sự tiếp nối, là sự trân trọng quá khứ để xây dựng tương lai.
Nhân dân không chỉ giữ gìn những giá trị văn hóa mà còn tạo dựng nền tảng vật chất vững chắc cho thế hệ sau. Sự vun đắp này thể hiện qua hành động “đắp đập be bờ” đầy ân cần và chu đáo.
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái.
Công việc “đắp đập be bờ” đòi hỏi sự kiên nhẫn, cần mẫn và đức hy sinh cao thượng. Dù có thể không được hưởng thành quả, nhưng họ vẫn bình tâm vì biết rằng con cháu sẽ được ấm no từ sự chuẩn bị chu đáo của mình. Đây là sự truyền lại tinh thần lao động, ý chí vượt khó và niềm tin vào tương lai.
Trong những cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, nhân dân luôn là lực lượng tiên phong, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ sự bình yên. Tinh thần tự nguyện cao độ thể hiện qua cấu trúc hô ứng “có…thì” cùng những động từ mạnh mẽ.
Có ngoại xâm thì chống giặc ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại.
Nhân dân không chỉ đánh đuổi ngoại xâm mà còn tiêu diệt nội thù để đất nước hòa bình, thống nhất. Họ đã tạo lập và truyền lại cho ta đất nước của những con người hiền hòa, bình dị mà anh hùng, quật cường.
Để có được đất nước trường tồn, vĩnh cửu, nhân dân đã đổ máu xương, đổ công sức để làm nên hình hài đất nước. Vì thế, đất nước không của riêng ai mà là của chung, của nhân dân và mãi mãi thuộc về nhân dân.
“Đất Nước của ca dao thần thoại” nhắc nhở ta về cội nguồn văn hóa dân gian phong phú, đẹp đẽ. Nhân dân là người sáng tạo ra văn hóa dân gian, là người lưu giữ và truyền lại những giá trị tinh thần quý báu.
Và khi nói đến “Đất nước của Nhân dân”, tác giả trở về với cội nguồn phong phú đẹp đẽ của văn hóa, văn học dân gian mà tiêu biểu là trong ca dao.
+ “Thần thoại” thể hiện cuộc sống qua trí tưởng tượng bay bổng của nhân dân.
+ Còn “ca dao” bộc lộ thế giới tâm hồn của nhân dân với tình yêu thương, với sự lãng mạn cùng với tinh thần lạc quan.
+ Đó là những tác phẩm do nhân dân sáng tạo, lưu truyền và có khả năng phản chiếu tâm hồn, bản sắc dân tộc một cách đậm nét nhất.
Ở đây, tác giả chỉ chọn lọc ba câu ca dao tiêu biểu để nói về ba phương diện quan trọng nhất của truyền thống nhân dân, dân tộc:“Dạy anh… dài lâu”
+ Ở phương diện thứ nhất, Nguyễn Khoa Điềm nhấn mạnh về tình cảm thủy chung trong tình yêu của con người Việt Nam. Từ ý trong bài ca dao “Yêu em từ thuở trong nôi/ Em nằm em khóc, anh ngồi anh ru”, nhà thơ đã viết nên lời chân tình của chàng trai đang yêu “Dạy anh biết yêu em từ thuở trong nôi”. Tình yêu của chàng trai ấy không phải là ngọn gió thoáng qua, không phải là lời của bướm ong, mà là lời nói là nghĩ suy chân thật. Ý thơ đã khẳng định được một tình yêu thủy chung bền vững. không gì có thể đong đếm được. Nhân dân dạy ta biết yêu thương chân thành, lãng mạn, đắm say … Đây là phát hiện mới của Nguyễn Khoa Điềm. Bởi lẽ từ xưa đến nay, nói đến nhân dân, người ta thường nghĩ đến những phẩm chất cần cù chịu khó, bất khuất kiên cường. Còn ở đây, tác giả lại ngợi ca vẻ đẹp trẻ trung lãng mạn trong tình yêu, những mối tình từ thưở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành.
+ Ở phương diện thứ hai, Nhân dân gìn giữ và truyền lại cho ta quan niệm sống đẹp đẽ, sâu sắc. Ca dao đã “dạy anh biết” – Sống trên đời cần quý trọng tình nghĩa, phải “Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội”. Câu thơ này lấy ý từ bài ca dao “Cầm vàng mà lội qua sông/Vàng rơi không tiếc tiếc công cầm vàng”. Nhân dân đã dạy ta rằng: ở đời này còn có thứ quý hơn vàng bạc, châu báu ngọc ngà… Đó là tình nghĩa giữa con người với con người. Bởi vậy, nghĩa với tình còn nặng hơn nhiều lần giá trị vật chất.
+ Ở phương diện thứ ba, nhân dân đã dạy ta phải biết quyết liệt trong căm thù và chiến đấu: “Biết trồng tre đợi ngày thành gậy/ Đi trả thù mà không sợ dài lâu”. Câu thơ lấy ý tưởng từ bài ca dao: Thù này ắt hẳn dài lâu/Trồng tre thành gậy, gặp đâu đánh què. Đó là những nét truyền thống đẹp đẽ nhất của nhân dân, những phẩm chất đặc trưng nói lên tâm hồn, tính cách và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam trong suốt trường kì lịch sử, tất cả tạo nên gương mặt một Đất nước tình nghĩa mà anh hùng, hiền hòa mà bất khuất.
Thế hệ trẻ hôm nay cần nhận thức sâu sắc vai trò của nhân dân trong lịch sử, trong việc tạo ra văn hóa đất nước bằng tất cả tình cảm trân trọng và yêu thương. Tư tưởng này đã trở thành truyền thống trong văn học Việt Nam, từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu đến các nhà thơ, nhà văn trong thời kỳ kháng chiến.
Đoạn thơ bồi dưỡng thêm tình yêu Tổ quốc và niềm tự hào về con người Việt Nam cho mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ trong thời đại hôm nay.