Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Việt Nam chứng kiến sự trỗi dậy của các phong trào yêu nước với nhiều khuynh hướng khác nhau. Trong bối cảnh đó, hai nhân vật nổi bật, đại diện cho xu hướng cải cách là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Vậy, ai là người tiêu biểu hơn cho xu hướng này?
Từ nửa sau thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản phương Tây chuyển nhanh sang giai đoạn độc quyền (giai đoạn đế quốc chủ nghĩa) dẫn đến các cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa. Cuộc Duy Tân Minh Trị ở Nhật Bản (năm 1868) đã khiến Nhật Bản trở thành một nước tư bản phát triển mạnh mẽ.
Phong trào Đông Du: Biểu tượng của khát vọng canh tân đất nước, khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần dân tộc trong thế hệ trẻ Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp đã làm cho cơ cấu kinh tế, xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi: Kinh tế: quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa du nhập vào Việt Nam tồn tại cùng với quan hệ sản xuất phong kiến. Xã hội: bên cạnh các giai cấp cũ, các lực lượng xã hội mới ra dời như công nhân, tư sản, tiểu tư sản với những hệ tư tưởng mới. Một bộ phận ưu tú trong hàng ngũ trí thức phong kiến sớm tiếp xúc với tư tưởng mới bên ngoài đã nhận ra những hạn chế của hệ tư tưởng phong kiến.
Phan Bội Châu cùng khuynh hướng bạo động
Phan Bội Châu (1867-1940) là nhà yêu nước nổi tiếng với chủ trương bạo động cách mạng. Ông chủ trương dựa vào sự giúp đỡ bên ngoài, chủ yếu là Nhật Bản để đánh Pháp giành độc lập dân tộc, thiết lập một nhà nước theo mô hình quân chủ lập hiến của Nhật. Phan Bội Châu đã nêu rõ nhiệm vụ đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng dân tộc. Con đường cứu nước của Phan Bội Châu là “cứu nước để cứu dân”.
Năm 1904, Phan Bội Châu thành lập Duy Tân hội ở Quảng Nam để đánh đuổi Pháp, chọn Kỳ Ngoại hầu Cường Để làm hội chủ. Năm 1905, ông cùng Đặng Tử Kính và Tăng Bạt Hổ sang Trung Quốc rồi sang Nhật Bản, để cầu viện Nhật giúp Duy Tân hội đánh đuổi Pháp.
Tháng 6 năm 1905, Phan Bội Châu cùng Đặng Tử Kính mang theo một số sách Việt Nam vong quốc sử về nước. Tháng 8 năm 1905 tại Hà Tĩnh, ông và các đồng chí nồng cốt trong Duy Tân hội bàn bạc rồi đưa ra kế hoạch hành động: Nhanh chóng đưa Kỳ Ngoại hầu Cường Để ra nước ngoài; Lập các hội nông, hội buôn, hội học để tập hợp quần chúng và để có tài chánh cho hội; Chọn một số thanh niên thông minh hiếu học, chịu được gian khổ, đưa đi học ở nước ngoài. Phong trào Đông Du (1905-1908) đã đưa hàng trăm thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản học tập.
Giữa lúc cách mạng Tân Hợi bùng nổ và thắng lợi (1911), ông về Trung Quốc lập ra Việt Nam Quang Phục Hội (1912) với mục đích tập hợp lực lượng đánh đuổi Pháp khôi phục nước Việt Nam, thành lập nước Cộng Hòa Dân Quốc Việt Nam. Sự ra đời của Việt Nam Quang Phục Hội đánh dấu sự phát triển trong tư tưởng của Phan Bội Châu từ quân chủ lập hiến lên dân chủ tư sản.
Khuynh hướng cải cách của Phan Bội Châu đã khoáy động lòng yêu nước, cổ vũ tinh thần dân tộc, tập hợp lực lượng kháng Pháp hùng mạnh. Tuy nhiên nó cũng có một số hạn chết nhất định ở chỗ cầu viện Nhật Bản.
Phan Châu Trinh cùng khuynh hướng cải cách
Phan Châu Trinh (1872-1926) là nhà yêu nước với tư tưởng cải cách ôn hòa. Phan Châu Trinh chủ trương tiến hành một phong trào Duy Tân nhằm vận động cải cách kinh tế, văn hoá, xã hội và gắn liền với việc động viên lòng yêu nước, căm thù giặc, đấu tranh cho dân tộc thoát khỏi ách thống trị của ngoại xâm. Phan Châu Trinh chủ trương dùng những cải cách văn hóa, mở mang dân trí, nâng cao dân khí, phát triển kinh tế theo hướng tư bản chủ nghĩa trong khuôn khổ hợp pháp, làm cho dân giàu, nước mạnh, buộc thực dân Pháp phải trao trả độc lập cho nước Việt Nam. Mặt khác, Phan Châu Trinh còn phản đối việc dùng vũ lực để giành độc lập dân tộc quốc như cầu viện bên ngoài “Bất bạo động, bạo động tắc tử, bất vọng ngoại, vọng ngoại giả ngu”.
Theo Phan Châu Trinh, nhiệm vụ cấp bách của dân tộc ta là:
– Chấn dân khí: Thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường, làm cho mọi người giác ngộ được quyền lợi của mình, xoá bỏ nọc độc chuyên chế. Vì vậy, ông chủ trương: “Không cần hô hào đánh Pháp, chỉ nên đề xướng dân quyền, dân đã giác ngộ quyền lợi của mình, bấy giờ mới có thể dần dần mưu tính đến việc khác.
– Khai dân trí: Bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ Quốc ngữ, kiến thiết khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục, xa hoa, tuyên truyền lối sống tiết kiệm, văn minh.
– Hậu dân sinh: Chăm lo đời sống cho nhân dân bằng việc phát triển kinh tế, chỉ con đường làm ăn cho dân, như khẩn hoang làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hoá.
Năm 1906, Phan Châu Trinh cùng một số sĩ phu yêu nước tiến bộ khởi xướng cuộc vận động Duy tân ở Trung Kì.
Sau khi cáo quan về quê, Phan Châu Trinh dốc lòng vào công việc cứu nước. Mặc dù rất đau xót trước cảnh thực dân Pháp ngược đãi người Việt Nam, quan điểm của Phan Châu Trinh trước mắt chưa nên đặt nhiệm vụ khôi phục chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc (tức đánh đuổi Pháp), mà nhiệm vụ cấp bách là: Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh.
Với phương châm “tự lực khai hóa” và tư tưởng dân quyền, Phan Châu Trinh cùng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đi khắp tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận để vận động cuộc duy tân. Khẩu hiệu của phong trào lúc bấy giờ là: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Phong trào thực hiện mục tiêu cải tạo con người và xã hội Việt Nam bằng cách khuyến khích cải cách giáo dục (bỏ lối học từ chương, xóa mù chữ bằng cách phát động phong trào học Quốc ngữ), mở mang công thương nghiệp, chấn hưng công nghệ, bỏ mê tín dị đoan, thay đổi tập quán (cắt tóc ngắn, cắt ngắn móng tay)….
Tháng 3 năm 1908, phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ nổ ra, và bị triều Nguyễn và chính phủ bảo hộ Pháp đàn áp dữ dội. Phan Châu Trinh cùng nhiều thành viên trong phong trào Duy Tân bị nhà cầm quyền buộc tội đã khởi xướng phong trào chống thuế nên đều bị bắt.
So sánh hai phong trào cứu nước
Cả Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu đều là đại diện cho phong trào dân tộc dân chủ của tầng lớp sỹ phu yêu nước tiến bộ đầu thế kỷ XX, đều xác định được kẻ thù của dân tộc là thực dân Pháp. Tính chất: Đều đi theo con đường dân chủ tư sản. Kết quả: Đều bị đàn áp và đi đến con đường thất bại. Ý nghĩa: Thúc dục lòng yêu nước của nhân dân đương thời, tạo nên trong lòng xã hội những mầm móng, tư tưởng thúc đẩy sự phát triển của những con đường cứu nước theo những khuynh hướng khác.
Tuy nhiên, hai con đường cứu nước của hai cụ Phan có những điểm khác biệt cơ bản:
Phan Bội Châu | Phan Châu Trinh | |
---|---|---|
Nhiệm vụ | Đánh đuổi thực dân Pháp, khôi phục nước Việt Nam. | Đánh đổ phong kiến, thực hiện cải cách xã hội “khai thông dân trí, chấn hưng dân trí, phát triển dân sinh” |
Chủ trương cứu nước | Vận động quần chúng tranh thủ sự giúp đỡ của nước ngoài (Nhật Bản), tổ chức bạo động đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập, xây dựng chế độ Quân chủ lập hiến | Gương cao ngọn cờ dân chủ, cải cách xã hội, chủ trương cứu nước bằng phương pháp nâng cao dân trí, dân quyền. Vạch trần chế độ phong kiến thối nát, đòi Pháp sửa đổi chính sách cai trị thuộc địa |
Phương pháp | Bạo động vũ trang | Cải cách ôn hòa (thông qua cải cách kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội) |
Mục tiêu | “Cứu nước để cứu dân” | “Cứu dân để cứu nước” |
Hoạt động tiêu biểu | Thành lập Duy Tân hội, tổ chức phong trào Đông Du, thành lập Việt Nam Quang phục Hội | Khởi xướng cuộc vận động Duy tân ở Trung Kì, mở trường học theo lối mới, vận động chống sưu thuế |
Kết luận
Cả Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đều là những nhà yêu nước tiêu biểu cho xu hướng cải cách đầu thế kỷ XX ở Việt Nam. Tuy nhiên, xét về mức độ ảnh hưởng và tác động đến xã hội, Phan Châu Trinh có phần nổi trội hơn. Tư tưởng cải cách của ông đã đi sâu vào quần chúng nhân dân, khơi dậy tinh thần tự cường, dân chủ, và mở đường cho những phong trào yêu nước sau này. Mặc dù con đường của ông không thành công ngay lập tức, nhưng những giá trị mà ông để lại vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay.