Sử Học Là Gì?

Sử học, một cách ngắn gọn, là khoa học nghiên cứu về lịch sử, hoặc sâu sắc hơn, là khoa học về nhận thức lịch sử. Lịch sử bao gồm toàn bộ các sự kiện đã diễn ra trong quá khứ. Tuy nhiên, không ai có thể khẳng định chắc chắn rằng mình có thể nhận thức một cách hoàn toàn đúng đắn về nó. Những gì chúng ta biết về lịch sử thường là kết quả của một chuỗi dài các hoạt động nhận thức, trong đó không thể tránh khỏi những yếu tố chủ quan, phiến diện, thậm chí là sai lầm.

Sai lầm trong nhận thức lịch sử có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có thể là do dữ liệu giả tạo hoặc nghiêm trọng hơn là sai lầm về mặt phương pháp luận và mục đích luận. Sai lầm về phương pháp luận liên quan đến tư duy, còn sai lầm do mục đích luận liên quan đến đạo đức khoa học. Để tránh những sai lầm này, người làm sử học cần phải giữ cho mình một mục đích duy nhất và thuần túy: nhận thức lịch sử. Khi biện minh rằng việc chứng minh một dữ kiện lịch sử nào đó là có lợi cho mục đích dân sinh hoặc chính trị, thì việc chứng minh đó đã tiềm ẩn nguy cơ bị thiên lệch, không phản ánh đúng thực tế.

Sử học là một ngành khoa học xử lý các nguồn sử liệu để đưa ra nhận thức trung thực về lịch sử, vượt ra ngoài những định kiến tô hồng hay bôi xấu, những mục đích có trước và những nhiệm vụ chính trị. Người làm sử học phải là người thao tác tư duy trên cơ sở giám định và giải độc sử liệu. Do đó, lịch sử – với tư cách là cái được tái hiện bởi nhà sử học – không phải là một cái gì đó bất biến, cố định hay vĩnh hằng, mà chỉ là những sử thực tương đối. Tại một thời điểm nhất định, với những tư liệu nhất định, chúng ta chỉ có thể nhận thức lịch sử ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, nếu có những phát hiện mới về sử liệu và những sử liệu đó được xử lý bằng phương pháp mới, góc nhìn mới, thì chúng ta sẽ có một nhận thức mới.

Nhận thức là một quá trình tiệm cận đến lịch sử. Và sử học thực chất là một trò chơi trí tuệ để tăng trưởng tư duy về lịch sử (cái đã qua) và quan trọng hơn cả là để tăng trưởng sự tự tư duy về cuộc sống hiện tại, khi mỗi cá nhân là tác nhân hay nạn nhân của lịch sử. Như vậy, lịch sử giống như một trang sách để ngỏ, mà nhà sử học là người tái dựng nó từ những gì còn sót lại. Một triết gia phương Tây đã từng nói: sử học là cuộc chơi của những người đang sống đối với những người đã chết!

Khác với các môn khoa học tự nhiên như toán học, sinh học, v.v., sử học với tư cách là bộ môn khoa học về lịch sử đã không được đưa vào trong nhà trường trong nhiều thập kỷ qua, mà thay vào đó là môn lịch sử. Điều này xảy ra có lẽ vì chúng ta đã không coi lịch sử như là sản phẩm của quá trình tư duy, nhận thức về lịch sử. Những kiến thức lịch sử trong nhà trường được giảng dạy như những chân lý tuyệt đối, những sự thực bất di bất dịch, bất khả xâm phạm. Và “môn lịch sử” không hề chỉ dẫn cho học sinh biết phải làm thế nào để tự nhận thức về lịch sử, cũng như nhận thức về cuộc sống hiện tại, mà biến học sinh thành những cỗ máy học thuộc lòng với những sự kiện cụ thể, những mốc thời gian của lịch sử chính trị được hoạch định và cố định bởi các nhà giáo dục.

Mặt khác, các sách giáo khoa được giảng dạy trong hệ thống nhà trường hiện nay chủ yếu viết về lịch sử chính trị – kinh tế. Điều này dẫn đến nhiều bất cập. Nó khiến học sinh hiểu phiến diện về mục đích và đối tượng của sử học, đồng nhất lịch sử với lịch sử chính trị, lịch sử chiến tranh. Các kiến thức được nêu trong sách giáo khoa được giảng dạy và được mặc nhận như là những chân lý, những sự thực bất di bất dịch, không thể sửa đổi. Từ đó dẫn đến hệ quả quan trọng, là cách giảng dạy lịch sử một chiều, khô khan, áp đặt. Nó biến lịch sử trở thành một môn học thuộc lòng các sự kiện lịch sử, khiến tư duy của học sinh bị xơ cứng, và quan trọng nhất là các em không có nhận thức bản thân, tư duy của bản thân, cũng như quan điểm của bản thân về lịch sử.

Trước tình hình trên, cần biên soạn lại hệ thống sách giáo khoa lịch sử theo một phương thức mới, để giúp học sinh cũng như xã hội hiểu thêm về khoa học lịch sử và quan trọng nhất là tư duy lịch sử. Mỗi bài học phải trình bày đủ cơ cấu lịch sử – văn hóa. Trong đó, chính trị (triều đại, thể chế, kinh tế, thành phần xã hội,…) chỉ là một nửa, chiếm dưới 50% dung lượng bài giảng. Phần còn lại (trên 50%) là lịch sử văn hóa (lịch sử ngôn ngữ – văn học, lịch sử nghệ thuật, lịch sử tôn giáo, lịch sử khoa học, lịch sử văn minh vật chất,…). Sách phải đảm bảo tính đa dạng lịch sử và tính đa dạng văn hóa theo tiêu chí tộc người. Lịch sử không chỉ là lịch sử của người Việt, mà còn là lịch sử của 53 dân tộc anh em khác. Các nhận định và tri thức lịch sử đều phải dựa trên sử liệu gốc. Các tri thức về lịch sử văn hóa luôn phải đặt hiện vật khảo cổ lên hàng đầu. Quan trọng nhất, lịch sử cần được trình bày như là những tri thức còn bỏ ngỏ, chưa được giải mã, cần được tìm hiểu, để kích thích tư duy phán đoán và óc suy luận của học sinh.

Tất cả những thay đổi trên sẽ góp phần đưa môn sử học vào nhà trường, biến sử học trở thành một môn học sống động, rèn luyện về sự độc lập trong tư duy. Bởi tư duy độc lập sẽ là xung lực để tạo nên sự phát triển xã hội!

Comments

No comments yet. Why don’t you start the discussion?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *