Thơ Đường luật (TĐL) từ lâu đã được công nhận là một phần quan trọng của văn học Việt Nam, có mặt trong chương trình giáo dục phổ thông. Giá trị văn chương và bản sắc văn hóa dân tộc của TĐL là một tài sản vô giá trong kho tàng văn học. Sức sống bền bỉ của TĐL trải dài hơn mười thế kỷ, tỏa sáng nhờ những đặc trưng tốt đẹp, đặc biệt là tính nghệ thuật độc đáo.
TĐL nổi bật với nghệ thuật sử dụng câu chữ một cách hạn chế nhưng giàu ý nghĩa (đa nghĩa, kiệm lời), sự súc tích và cô đọng. Mỗi bài thơ, dù là “Thất ngôn bát cú” (56 chữ), “Thất ngôn tứ tuyệt” (28 chữ) hay “Ngũ ngôn tứ tuyệt” (20 chữ), đều phải đáp ứng nghiêm ngặt các yêu cầu về hình thức và nội dung. Điều này đòi hỏi ngôn từ trong TĐL phải có sức dồn nén cao, hàm súc, đa nghĩa và kiệm lời, tạo nên đặc trưng nghệ thuật tối thượng của thể thơ này.
Bài “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, tuy chỉ vỏn vẹn 4 câu, lại mang sức mạnh của một bản Tuyên ngôn độc lập:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.
Bài thơ thể hiện ý chí hào hùng, lòng yêu nước nồng nàn, niềm tự hào dân tộc và niềm tin tất thắng.
Tương tự, bài “Nguyên Tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ với 4 câu TĐL:
“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên/Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên/Yên ba thâm xứ đàm quân sự/Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”.
Bài thơ không chỉ miêu tả cảnh trăng trên sông trong đêm rằm tháng Giêng mà còn thể hiện sức sống mãnh liệt của dân tộc và niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến.
Nghệ thuật về sự trầm bổng, nhịp nhàng, hài hòa cân xứng và tương quan – tương phản thể hiện nhạc tính nổi bật trong TĐL. Âm nhạc trong TĐL giữ vai trò vô cùng quan trọng. Nếu tứ thơ là linh hồn, ngôn ngữ là cốt cách thì âm nhạc là hơi thở của TĐL, thể hiện qua các yếu tố vần, đối, thanh điệu bằng, trắc. Vần tạo sự liên kết và sức gợi cảm; đối ngẫu tạo sự cân xứng; thanh điệu bằng trắc tạo nhạc điệu trầm bổng.
Ví dụ, bài TĐL của Bác Hồ:
“Non xa xa nước xa xa/Nào phải thênh thang mới gọi là/Đây suối Lê-nin kia núi Mác/Hai tay gây dựng một sơn hà”.
Thông qua đối ngẫu, những câu TĐL trở thành đoạn nhạc cân xứng. Ví dụ, trong thơ Tố Hữu:
“Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ/Hơn ngàn trang giấy luận văn chương”.
Các yếu tố cơ bản của TĐL như luật niêm, vần, đối, bố cục và giới hạn câu chữ cùng với đặc tính đơn âm tiết và thanh điệu bằng trắc của tiếng Việt đã tạo nên sự trường tồn của TĐL ở Việt Nam. Ngôn ngữ Tày – Nùng cũng đáp ứng được những điều kiện này, cho phép người Cao Bằng sáng tác TĐL bằng ba thứ tiếng: Hán Nôm, Việt và Tày – Nùng.
Ví dụ, bài “Bjoóc Tào” của tác giả Hoàng An:
“Mấn mấn phân bên Tết ái thâng/Lặp lè nổc én voỏng tềnh sân/Phè phè lầm chặu phèn bâư ón/Chủm chỉm bjoóc tào roọng chúa xuân”
Dịch:
“Lất phất mưa bay Tết đến gần/Là là cánh én liệng ngoài sân/Mơn man gió sớm vương trên lá/Chúm chím hoa đào gọi chúa xuân”.
TĐL đã đi vào đời sống của công chúng hàng nghìn năm. Với trình độ dân trí ngày càng cao, chúng ta sẽ tiếp tục chọn lọc, tiếp thu những giá trị tốt đẹp, bảo tồn và phát huy những tinh hoa của bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.