Chữ Viết Ai Cập Cổ đại, đặc biệt là chữ tượng hình, đóng vai trò then chốt trong việc quản lý nhà nước và lưu giữ lịch sử dưới thời các Pharaoh. Những ký tự này, được khắc trên các công trình kiến trúc, quan tài đá và văn bản tôn giáo, là chứng nhân cho một nền văn minh rực rỡ.
Hệ thống chữ viết của người Ai Cập cổ đại sử dụng hình ảnh để biểu đạt ý tưởng và âm thanh. Mặc dù có 24 ký tự đại diện cho các chữ cái, phần lớn các glyph (ký tự) lại đại diện cho cả từ hoặc tổ hợp phụ âm. Với khoảng 700-800 ký tự cơ bản, chữ tượng hình không có dấu chấm câu, dấu cách, và thường được đọc từ phải sang trái hoặc từ trên xuống dưới.
Chữ tượng hình không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn mang ý nghĩa tôn giáo sâu sắc. Các thầy tế sử dụng chúng để ghi lại lời cầu nguyện và các văn bản liên quan đến thế giới bên kia, trong khi giới quý tộc trang trí lăng mộ bằng chữ tượng hình để hướng dẫn linh hồn trên hành trình sang thế giới bên kia.
So với chữ hình nêm của người Sumer, chữ tượng hình Ai Cập có nguồn gốc độc lập và phức tạp hơn. Một điểm khác biệt quan trọng là chữ tượng hình chỉ đại diện cho phụ âm, trong khi chữ hình nêm biểu thị cả âm tiết.
Hệ thống chữ viết này sử dụng các hình ảnh cụ thể từ thế giới xung quanh để tạo nên các ký tự. Hình ảnh con người, động vật, công cụ và đồ vật thường xuyên xuất hiện trong chữ tượng hình, làm cho nó trở nên trực quan và dễ nhận biết.
Không phải ai cũng có thể đọc và viết chữ tượng hình. Chỉ những người được đào tạo đặc biệt, gọi là những người ghi chép, mới nắm vững hệ thống chữ viết này. Họ trải qua nhiều năm học tập tại các trường đặc biệt để thành thạo kỹ năng này.
Với sự phát triển của xã hội, người Ai Cập cổ đại đã tạo ra các hình thức chữ viết đơn giản hơn từ chữ tượng hình. Chữ thầy tu (Hieratic), ra đời vào khoảng năm 2700 trước Công nguyên, được các thầy tu sử dụng rộng rãi. Đến thế kỷ 7 trước Công nguyên, chữ bình dân (Demotic) xuất hiện, đơn giản và dễ đọc hơn, được sử dụng trong các văn bản hàng ngày.
Sự du nhập của văn hóa Hy Lạp sau cuộc chinh phạt của Alexander Đại đế đã làm thay đổi cục diện ngôn ngữ ở Ai Cập. Chữ Hy Lạp trở thành ngôn ngữ chính thức của triều đình Ptolemy, và các Pharaoh thậm chí không biết đọc chữ tượng hình Ai Cập.
Sự lan rộng của Cơ Đốc giáo trong thời kỳ La Mã dẫn đến sự ra đời của chữ Coptic, sử dụng bảng chữ cái Hy Lạp kết hợp với các ký tự từ chữ bình dân. Đến năm 642, cuộc chinh phạt của người Hồi giáo đã đưa tiếng Ả Rập trở thành ngôn ngữ chính của Ai Cập cho đến ngày nay.
Bí ẩn được giải mã: Phiến đá Rosetta
Trong suốt 1400 năm, chữ tượng hình Ai Cập vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải. Mãi đến khi Jean-Francois Champollion, nhà Ai Cập học người Pháp, giải mã thành công phiến đá Rosetta, bí mật này mới được hé lộ.
Phiến đá Rosetta, chìa khóa để giải mã chữ tượng hình Ai Cập cổ đại, trưng bày tại bảo tàng Anh.
Phiến đá Rosetta chứa cùng một nội dung được viết bằng ba loại chữ: chữ tượng hình Ai Cập, chữ bình dân Ai Cập và chữ Hy Lạp cổ đại. Nhờ vào sự hiểu biết về tiếng Hy Lạp cổ đại, các nhà khoa học đã có thể giải mã hai loại chữ Ai Cập, mở ra cánh cửa để khám phá lịch sử và văn hóa của nền văn minh này.
Công trình giải mã phiến đá Rosetta là kết quả của sự nỗ lực của nhiều nhà khoa học, trong đó Thomas Young là người đầu tiên giải mã một phần các ký tự tượng hình. Champollion đã kế thừa và hoàn thiện công trình này, công bố giải mã thành công vào năm 1822. Từ đó, chữ tượng hình Ai Cập cổ đại đã được tái sinh, cho phép chúng ta hiểu sâu sắc hơn về một trong những nền văn minh vĩ đại nhất của nhân loại.