Con Rắn Vuông: Khi Tin Đồn Biến Dạng Sự Thật Trong Xã Hội Hiện Đại

Người đời kể chuyện Con Rắn Vuông từ thuở nào, có lẽ chẳng ai còn nhớ rõ. Ban đầu chỉ là câu chuyện vui, nhưng ngẫm kỹ lại thấy xót xa cho những đổi thay của xã hội. Chuyện con rắn dài, qua lời kể của thiên hạ, dần biến thành con rắn vuông.

Con người vốn thích thêm thắt, tô vẽ câu chuyện theo ý mình. Đến người thứ một trăm, câu chuyện đã khác xa ban đầu. Nhưng dù là rắn vuông hay rắn tròn, nó vẫn là rắn. Gọi là rắn vuông, người ta thấy lạ, chứ không thấy nguy hiểm. Bản chất “con rắn” vẫn vậy, dù hình thức có thay đổi. Nhưng nếu khúc mía ngọt ngào, bổ dưỡng mà bị bảo là rắn, thì lại là chuyện khác. Nó có thể ảnh hưởng đến tính mạng người khác chứ chẳng đùa.

Thời nào cũng có tin đồn. Nhưng với công nghệ thông tin hiện đại, tin đồn lan nhanh như xe đua F1. Ngày xưa, tin đồn chỉ râm ran lúc trà dư tửu hậu, hay ở chợ búa. Nay, chỉ cần một cú điện thoại, một tin nhắn là chuyện riêng tư đã lan ra cả nước. Điện thoại A gọi cho B, B gọi cho C, tin nhắn được chuyển đi với tốc độ chóng mặt. Tin đồn lan truyền theo cấp số nhân. Chỉ vài tiếng đồng hồ là chẳng còn gì bí mật. Tin đồn dường như là một thói quen, một thói hư tật xấu mà ai cũng mắc phải. Công nghệ thông tin chỉ làm con người “hư” thêm mà thôi.

Cái nguy hiểm của tin đồn ngày nay lớn gấp trăm ngàn lần so với ngày xưa. Có những chuyện mắt thấy tai nghe, vậy mà khi được kể từ Hà Nội vào TP.HCM đã hoàn toàn biến dạng. Đến khi tin đồn quay trở lại Hà Nội, nơi nó bắt đầu, thì đã khác xa đến một nghìn phần trăm. Thật đáng sợ, thật nguy hiểm. Ngày nay, hễ có chuyện gì xảy ra, người ta lại bỏ việc, tụ tập trà dư tửu hậu, hoặc dùng điện thoại công để bàn tán, thêm bớt hàng giờ liền về một chuyện bé như hạt vừng.

Nguy hiểm nhất là khi tin đồn lôi kéo cả những người không liên quan vào cuộc. Chỉ vì những kẻ tung tin đồn ganh ghét, đố kỵ người khác. Họ tạo dựng tin đồn với thái độ thù hằn, ác ý. Người có tội thì bị đồn thổi thêm bớt đã đành, nhưng người vô tội cũng bị “tàn sát” danh dự bằng tin đồn, thật là vô lương tâm.

Tin đồn ngày nay có hai loại chính. Thứ nhất là tin đồn của những kẻ ngồi lê đôi mách. Họ chẳng biết sự thật là gì, nhưng cứ nói như thể họ tường tận mọi chuyện. Tất cả những gì họ nói chỉ là do họ tự nghĩ ra. Họ nói cho sướng miệng, chẳng cần biết hậu quả thế nào. Họ vô trách nhiệm, vô ý thức với cơ quan, xã hội. Họ có thể đàm tiếu về bạn bè, đồng nghiệp không biết chán.

Ngày xưa, các cụ ghét cay ghét đắng những kẻ ngồi lê đôi mách. Ngày xưa, phụ nữ hay bị gán cho tật xấu này. Nhưng ngày nay, đàn ông còn ngồi lê đôi mách gấp mấy lần phụ nữ. Ai cũng thích “xì xào” về người khác như một món khoái khẩu. Chuyện gì họ cũng có thể đưa vào “hệ thống” tin đồn được. Từ chuyện cưới xin, mua bán nhà đất, đến chuyện chim lạ, cá thần, chuyện thăng quan tiến chức…

Loại thứ hai là tin đồn của những kẻ có ý đồ xấu. Lợi dụng những chuyện xảy ra ở địa phương, cơ quan, họ cố tình “làm” tin đồn để bôi nhọ hình ảnh người mà họ không ưa. Hoặc “làm” tin đồn để chia rẽ, gây mất đoàn kết, tạo sự ngờ vực. Hoặc “làm” tin đồn để cản trở công việc, sự thăng tiến của đồng nghiệp. Thế là tin đồn lan truyền khắp nơi. Người nghe được tin đồn, chẳng cần xác minh, cứ tụ tập lại, rồi bàn tán: “Thằng cha đó chơi đồng nghiệp ác thật. Lại định tranh chức của người ta chứ gì!”. Thế là người bị đồn trở thành kẻ chẳng ra gì trong mắt mọi người. Làm sao mà thanh minh cho hết được.

Tất nhiên, cũng có những thông tin chính xác. Phải nói rõ ràng như vậy. Nhưng thông tin chính xác thì không thể gọi là tin đồn. Nguy hiểm là khi cơ quan đánh giá cán bộ dựa trên tin đồn. “Mày định chiếm ghế của tao à? Không dễ đâu!”. Thế là tin đồn được tung ra. Người đang ngồi trên ghế làm sao chịu nổi khi nghe tin cấp dưới muốn soán ngôi. Thế là xong. Gặp phải thủ trưởng xấu tính thì người bị đồn chắc chắn sống dở chết dở.

Chắc chắn ai trong chúng ta cũng từng chứng kiến sự biến tướng khủng khiếp của một sự việc, một con người do tin đồn. Ai cũng từng là nạn nhân, dù lớn hay nhỏ, của tin đồn. Người lắm tật nhiều tội bị đồn thổi đã đành, nhưng người đàng hoàng cũng không tránh khỏi. Thậm chí, những người như vậy còn bị tin đồn “tấn công” dữ dội hơn nhiều.

Không phải không có những cơ quan coi tin đồn là dư luận quần chúng. Chỉ là thói ngồi lê đôi mách của một số người, thêm mắm dặm muối vào câu chuyện, rồi lãnh đạo cơ quan lại coi đó là dư luận. Thế là đến cuộc họp, lãnh đạo phát biểu: “Tôi thấy dư luận quần chúng về đồng chí N có nhiều vấn đề. Tôi đề nghị việc khen thưởng (hay đề bạt) của đồng chí cần phải xem xét lại”. Chỉ cần “dư luận quần chúng” chứ chẳng cần chứng cứ gì hết. Người bị “dư luận quần chúng” biết thanh minh thế nào? Mà để làm rõ những “vấn đề” của những “quần chúng” như vậy thì “hết vạ má đã sưng”.

Tin đồn làm nhiều người mất bạn. Tin đồn làm tan vỡ hạnh phúc. Tin đồn làm người ta bị bạn bè, người thân xa lánh. Tin đồn biến người ngay thành kẻ gian. Tin đồn làm kẻ tâm phúc trở mặt. Tin đồn đẩy người lương thiện vào tù. Tin đồn đẩy người ta đến chỗ chết. Con người vốn có thói ngờ vực. Tin đồn là thức ăn cho thói ngờ vực ấy. Ngờ vực làm cho trí không sáng, tâm không tĩnh. Trí không sáng, tâm không tĩnh thì dễ lầm lạc.

Tin đồn là một thứ ma túy gây nghiện. Ai cũng có thể nghiện nếu đã quen dùng. Ai cũng có nguy cơ chìm đắm vào tin đồn. Nó làm cho ta “phê” lắm. Nhưng nghiện ma túy thì chỉ khổ mình, còn nghiện tin đồn thì hại người khác, gây ra ngờ vực, thù hận. Chính vì vậy, cần dùng lý trí để trấn áp cơn nghiện nguy hiểm này.

Chuyện con rắn vuông tưởng chỉ là chuyện cổ tích. Ai ngờ con rắn vuông ấy lại sống mãi đến bây giờ, ngay trong thế kỷ XXI. Không những nó vẫn sống mà còn to đến kinh hãi. Nhưng dù nó to đến đâu ta cũng không thấy nguy hiểm bằng khi ta nhìn là rắn nhưng lại không phải là rắn, nhìn khúc mía ngọt nhưng lại không phải là khúc mía ngọt. Đấy chính là sự nguy hiểm chết người của tin đồn.

Điều cuối cùng muốn nói: Con rắn ngày xưa dù vuông hay tròn thì vẫn là rắn. Dù nó có thay đổi chút nào đó thì người ta vẫn thấy được bản chất thực của nó. Ví như người tham nhũng, tin đồn có thể thổi phồng số tiền tham nhũng lên gấp trăm lần, nhưng sự thật vẫn là tham nhũng. Kẻ giết người vì tin đồn mà thực tế giết người bằng dao lại trở thành giết người bằng súng, nhưng vẫn là tội giết người. Nhưng cái nguy hại nhất là tin đồn biến người vô can thành bị can. Con rắn xưa vẫn là rắn. Còn con rắn ngày nay thì không ai biết nó sẽ trở thành con gì khi nó “bò” qua miệng những kẻ thích tung tin với ác ý.

Comments

No comments yet. Why don’t you start the discussion?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *