Lũy Thầy, một di tích lịch sử mang đậm dấu ấn cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn, là điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch Quảng Bình. Trải qua hàng trăm năm, lũy không chỉ là chứng tích lịch sử mà còn là công trình gắn liền với đời sống người dân, chứng kiến sự hào hùng thời chiến và sự đổi thay của mảnh đất Quảng Bình trong thời bình. Lũy Thầy đã trở thành di tích gần gũi, gắn bó mật thiết với đời sống của người dân Đồng Hới nói riêng và du khách thập phương nói chung.
Lịch Sử Hình Thành Lũy Thầy
Lũy Thầy, còn được biết đến với tên gọi Lũy Đào Duy Từ, được xây dựng dưới sự chỉ huy của tướng Đào Duy Từ vào năm 1630 và hoàn thành sau 3 năm. Công trình bắt đầu từ núi Đầu Mâu (nay thuộc làng Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh) và kết thúc ở cửa biển Nhật Lệ (Đồng Hới). Mục đích xây dựng Lũy Thầy là bảo vệ Đàng Trong, lãnh thổ Đại Việt do chúa Nguyễn đứng đầu, trước sự tấn công của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Lũy đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chúa Nguyễn giữ vững cơ đồ trong gần 50 năm giao tranh ác liệt (1627-1672).
Đào Duy Từ – “Cha Đẻ” Của Lũy Thầy
Đào Duy Từ (1572 – 1634) sinh ra trong một gia đình làm nghề hát xướng, vì vậy ông và gia đình chịu nhiều sự khinh miệt từ xã hội và vua quan thời Lê Trịnh. Sau này, ông vào Nam và được chúa Nguyễn trọng dụng. Ông là một người đa tài: nhà quân sự, nhà thơ, nhà văn hóa và danh thần thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Ông nổi tiếng thông minh, hiểu biết rộng, thông suốt kinh sử, giỏi thiên văn và thuật số. Chỉ với 8 năm phò tá chúa Nguyễn (1627-1634), Đào Duy Từ đã góp phần quan trọng định hình nhà nước, địa lý và bản sắc Đàng Trong. Với những đóng góp to lớn, ông được chúa Nguyễn phong là “Đệ Nhất Khai Quốc Công Thần”.
Lũy Thầy, do ông quản lý xây dựng, là một công trình quân sự góp phần to lớn cho nhà Nguyễn, giữ vững lãnh thổ Đàng Trong trước sự xâm chiếm của chúa Trịnh, đồng thời thể hiện tài năng quân sự và tầm nhìn chiến lược của nhà quân sự tài ba Đào Duy Từ.
Bố Cục Lũy Thầy Đồng Hới
Lũy Thầy được xây dựng với 3 lũy chính, tạo thành hệ thống phòng thủ kiên cố:
-
Lũy Trường Dục: Xây dựng năm 1630 bằng đất sét, thuộc huyện Quảng Ninh, dài khoảng 10 km, chân lũy rộng 6m, cao 3m, chạy từ núi Đầu Mâu men dọc theo bờ sông Long Đại, qua các làng Trường Dục, Xuân Dục, Cổ Hiền, vòng xuống đến làng Bình Thôn, Quảng Xá, rồi đến vùng động cát đầu phá Hạc Hải. Lũy được xây theo kiến trúc chữ “Hồi” 囘, nên còn có tên gọi khác là Lũy Hồi Văn.
-
Lũy Động Hải: Còn gọi là Lũy Trấn Ninh, được xây dựng năm 1631, sau khi hoàn thành lũy Trường Dục, cách lũy Trường Dục 20 km về phía Bắc. Lũy Động Hải cao 6m, dài hơn 12 km.
-
Lũy Trường Sa: Còn gọi là Lũy Đồng Hới, được xây dựng năm 1634. Lũy dài 20km chạy dọc ven biển, từ Sa Động (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) đến Huân Cát (Bảo Ninh ở hữu ngạn sông Nhật Lệ ngày nay).
Lũy Trường Sa có thể chia thành 2 đoạn:
- Đoạn Lũy Trường Sa Bắc: Dài khoảng 8km từ Cồn Cát Quang Phú đến bờ trái sông Nhật Lệ ở Nhật Lệ.
- Đoạn Lũy Trường Sa Nam: Dài khoảng 12km, từ bờ phải sông Nhật Lệ chạy đến xã Hải Ninh.
Sự Độc Đáo Của Công Trình Quân Sự Lũy Thầy
Lũy Thầy có tổng chiều dài khoảng 34 km, chiều cao lũy từ 3 đến 12 mét, tùy vào địa hình. Mặt lũy khá rộng, có thể đi lại được. Cứ mỗi đoạn 40 thước, lại xây một pháo đài, đặt súng Thần công. Với 3 nhánh lũy chính, tướng Đào Duy Từ đã khôn ngoan dựa vào địa hình hiểm trở phía Bắc Quảng Bình, một bên dựa vào dãy Trường Sơn, một bên là Biển Đông, xây dựng Lũy Thầy hình vòng cung tạo thế nút thắt “cổ chai”. Như một cánh cửa giăng ngang giữa núi và biển, đóng chặt con đường vào Nam, bảo vệ Đàng Trong trước mưu lược xâm chiếm của chúa Trịnh.
Lũy Thầy là một hệ thống thành lũy đơn giản được dựng bằng đất sét, đá và tre nứa nhưng lại phát huy tốt nhất chức năng phòng thủ. Trải qua 7 trận đánh giữa hai chúa Trịnh – Nguyễn, trận đánh năm 1672 là trận đánh cuối cùng mà nhà Nguyễn đánh tan ý định xâm lược Đàng Trong của nhà Trịnh.
Di Tích Tiêu Biểu Của Lũy Thầy Còn Sót Lại
Dù trải qua thời gian và chiến tranh, một số di tích tiêu biểu của Lũy Thầy vẫn còn tồn tại đến ngày nay, mang giá trị lịch sử và văn hóa to lớn:
-
Bia ghi dấu lịch Lũy Thầy và Di tích Võ Thắng Quan tại núi Đầu Mâu.
-
Hai tấm bia ở núi Đầu Mâu.
-
Bia di tích lịch sử Lũy Trường Sa, xã Bảo Ninh.
-
Quảng Bình Quan: Một dấu tích rõ nét của Lũy Thầy còn sót lại là Quảng Bình Quan, nằm uy nghi trên đường Quốc Lộ 1A, ngay đoạn trung tâm thành phố Đồng Hới. Ngày xưa, người dân gọi đây là Cổng Hạ, nằm trong hệ thống Lũy Thầy. Quảng Bình Quan ngày nay đã được trùng tu và là biểu tượng đặc trưng của thành phố Đồng Hới.
-
Phòng Tuyến Nhật Lệ: Nằm cạnh Ngọn Hải Đăng thành phố Đồng Hới, tường thành tuyến phòng thủ Nhật Lệ hiện vẫn còn hiện diện, ghi dấu lịch sử hào hùng của người dân Quảng Bình.
Lũy Thầy Đồng Hới Ngày Nay
Với những giá trị độc đáo về kiến trúc và lịch sử, năm 1992, Lũy Thầy được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia. Dù bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, các di tích còn lại vẫn là những mảnh ghép nhỏ trong hệ thống Lũy Thầy năm xưa, mang giá trị văn hóa, lịch sử và quân sự trường tồn theo năm tháng. Lũy Thầy không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là điểm đến hấp dẫn du khách, những người muốn tìm hiểu về quá khứ hào hùng của dân tộc.
Lũy Thầy Trong Thơ Ca
Công sự Lũy Thầy đã góp phần quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam và đi vào thơ ca:
“Luỹ Thầy ai đắp mà cao
Sông Gianh ai bới ai đào mà sâu”
Hay:
“Khôn ngoan qua được Thanh Hà
Dẫu rằng có cánh khó qua Lũy Thầy”
Lũy Thầy còn nổi tiếng qua bài hát “Bình Trị Thiên khói lửa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương: “Ai đã qua đèo Ngang, đã sang Ba Rền. Mến dòng sông Gianh, biết danh Lũy Thầy”.