Ê-đi-xơn, một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất lịch sử, người đã mang ánh sáng đến cho thế giới với phát minh bóng đèn điện, cùng vô số đóng góp quan trọng khác như ống nghe điện thoại, máy chiếu phim, máy hát… Ít ai biết rằng, thuở nhỏ, ông từng bị coi là một học sinh chậm phát triển, thậm chí là “tâm thần”.
Khi còn nhỏ, Ê-đi-xơn nổi tiếng là một cậu bé tò mò, luôn đặt ra những câu hỏi “vì sao” không ngừng. Một lần, khi thấy gà mái ấp trứng, cậu bé Ê-đi-xơn đã tự hỏi: “Tại sao gà mái có thể ấp ra gà con? Liệu mình có thể ấp ra gà con được không?“. Ý nghĩ kỳ lạ này đã thôi thúc cậu thực hiện một hành động khiến ai nấy đều phải bật cười.
Một buổi chiều muộn, bố mẹ Ê-đi-xơn hốt hoảng đi tìm con trai khắp nơi. Cuối cùng, họ tìm thấy cậu bé trong chuồng gà của nhà hàng xóm, đang nằm sấp trên đống rơm, cố gắng ấp trứng gà. Chứng kiến cảnh tượng đó, mọi người không khỏi phì cười và cho rằng Ê-đi-xơn là một đứa trẻ ngốc nghếch.
Năm lên 7 tuổi, Ê-đi-xơn bắt đầu đi học. Thầy giáo của cậu, ông Ăng-gơ, là một người nghiêm khắc và có phần kỳ dị với đôi ria mép lớn. Phương pháp giảng dạy của ông rất khô khan và cứng nhắc.
Ê-đi-xơn thường xuyên gặp khó khăn trong việc tiếp thu bài giảng. Tâm trí cậu luôn tràn ngập những ý tưởng kỳ quặc. Ví dụ, cậu tự hỏi: “Nếu cọ xát vào lông động vật có thể tạo ra điện, vậy nếu nối dây điện vào mèo rồi cọ xát mạnh vào lông của nó thì có phát ra điện không?“. Những câu hỏi thể hiện tư duy sáng tạo độc đáo của Ê-đi-xơn, nhưng lại bị thầy giáo xem là “làm rối” lớp học.
Thầy Ăng-gơ vô cùng khó chịu với những học sinh không chịu tập trung nghe giảng. Do đó, ông không hề ưa thích Ê-đi-xơn. Ngược lại, Ê-đi-xơn cũng không hứng thú với những bài giảng khô khan của thầy. Chỉ sau 3 tháng, thành tích học tập của Ê-đi-xơn đã “vinh dự” đứng nhất… từ dưới lên. Thầy Ăng-gơ quyết định mời mẹ của Ê-đi-xơn đến trường.
Trong buổi gặp mặt, thầy Ăng-gơ thẳng thắn nói với bà Nan-xi, mẹ của Ê-đi-xơn:
– “Thưa bà, con trai của bà không theo kịp các bạn, lại thích thắc mắc những điều kỳ quặc. Tôi cho rằng thằng bé là một đứa trẻ rất kém”.
Bà Nan-xi tỏ vẻ nghi ngờ:
– “Con trai tôi vốn là một đứa trẻ thông minh…”
– “Thông minh ư? Thưa bà, có ai thấy đứa trẻ thông minh nào lại đội sổ không?
– “Đội sổ?” – Bà Nan-xi ngạc nhiên hỏi – “Có lẽ đây chỉ là sự ngẫu nhiên? Bản thân tôi cũng là một giáo viên. Tôi tin rằng trí lực của một đứa trẻ không chỉ được phản ánh qua điểm số. Thưa thầy Ăng-gơ, mong thầy hiểu được cá tính của cháu để có biện pháp giáo dục phù hợp. Tôi tin rằng cháu sẽ tiến bộ”.
– “Thưa bà, vậy xin hỏi cá tính của con trai bà là gì? Khi lên lớp thì không tập trung nghe giảng, thà cứ im lặng còn hơn, đằng này cậu ta cứ thích thắc mắc những chuyện kỳ quặc, đâu đâu ấy. Đó gọi là tính gì vậy?”
– “Thầy có thể nói cụ thể hơn một chút được không? Vấn đề gì mà thầy gọi là kỳ quặc?”
– “Ví dụ như: 1 + 1 = 2, 2 + 2 = 4, đứa trẻ nào nghe giảng cũng hiểu ngay. Duy chỉ có cậu nhà là lại hỏi: Tại sao 2 + 2 = 4? Bà thấy đấy, 4 là 4, còn hỏi tại sao nữa? Chẳng lẽ bà không thấy câu hỏi ấy là kỳ quặc sao?”
Bà Nan-xi không cho rằng đó là một câu hỏi kỳ quặc. Bà liền đáp trả:
– “Thưa thầy Ăng-gơ, thú thật, tôi không hề nghĩ rằng việc đặt câu hỏi như vậy là kỳ quặc. Newton ngồi dưới gốc cây táo và thấy một quả táo rơi xuống, liền hỏi: Tại sao táo lại rụng xuống mà không rụng lên trời? Câu hỏi đó nghe có vẻ kỳ quặc, nhưng chính nó đã dẫn đến sự ra đời của định luật vạn vật hấp dẫn. Chẳng lẽ chúng ta lại nói rằng Newton không nên hỏi như vậy sao?”
Thầy Ăng-gơ bỗng trở nên lúng túng. Ông gõ tay xuống bàn và nói: “Newton là ai, còn con trai bà là ai? Sao bà lại có thể so sánh như vậy? Xin phép cho tôi được nói thẳng, trí lực của con trai bà không được bình thường như những đứa trẻ khác!”.
Bà Nan-xi không muốn tranh cãi thêm với thầy Ăng-gơ. Bà nhận ra rằng đây không phải là môi trường phù hợp để Ê-đi-xơn phát triển. Bà quyết định đưa Ê-đi-xơn về nhà và tự mình dạy dỗ cậu. Từ đó, Ê-đi-xơn được mẹ dạy học tại nhà và bắt đầu tự nghiên cứu những hiện tượng tự nhiên xung quanh.
“Thiên tài chỉ là 1% cảm hứng và 99% là mồ hôi.” – Ê-đi-xơn –